Thứ năm, 17/4/2014, 09h04

Festival Huế 2014: Lần đầu tiên ca Huế được tôn vinh

Đêm qua (16-4), tại Nghinh Lương Đình bên bờ sông Hương thơ mộng, lung linh sắc màu, chương trình “Âm sắc Hương Bình” đã được tổ chức.
Đây là một trong những chương trình “đinh” và lần đầu tiên được đưa vào các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế nhằm tôn vinh những giá trị của nghệ thuật ca Huế, tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối, khẳng định chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo của nghệ thuật ca Huế. Một đêm trình diễn đầy ấn tượng đã để lại bao cảm xúc cho người xem và du khách.
        Tạo sự lan tỏa
Khu vực khán đài với sức chứa 2.000 chỗ đã chật kín từ rất sớm. Trong không gian mê hoặc mang đậm phong cách Huế, lần lượt những câu hò mái Nhì và bài Nam Ai được trình diễn bởi các nghệ nhân, nghệ sĩ thành danh, như: Nghệ nhân Thanh Tâm, NSƯT Khánh Vân, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Đình Dũng... và sự tham gia của hơn 100 diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã tạo nên những cảm xúc thăng hoa cho hàng ngàn khán giả.
Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Nhưng khi hội tụ ở Huế, xuất phát từ phong cách sống, tâm tư, tình cảm và ngữ âm của bản địa, đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất và con người xứ Huế. Ca nhạc Huế, từ dân gian được phát triển vào cung đình, và từ cung đình lại lan tỏa ra dân gian, tạo ra 2 dòng âm nhạc: âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Hình thức diễn xướng mang tính bác học được khởi nguồn từ các triều đại vua chúa tại kinh đô Huế, được diễn ra trong các dinh thự, phủ đệ của các bậc quyền quý và giới thượng lưu, trong một không gian thính phòng, bằng những khúc ca tri âm, tri kỷ. Ngày nay ca Huế đang được gìn giữ và phát triển, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa truyền thống, trở thành một giá trị tinh thần, cảm xúc thưởng ngoạn của du khách mỗi khi đến vùng đất cố đô.
Lần đầu tiên ca Huế được tôn vinh tại Festival Huế 2014.
Với lịch sử gần 500 năm, ca Huế đã phát triển thêm nhiều loại hình diễn xướng độc đáo khác như: ca Huế - múa dân gian và ca kịch Huế đã khẳng định sự trường tồn và phát triển đa dạng của loại hình nghệ thuật này. NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, đạo diễn chương trình chia sẻ: “Tôi rất vui khi lần đầu tiên, một chương trình tôn vinh những giá trị nghệ thuật ca Huế được tổ chức trong festival. Đây là cơ hội để nghệ sĩ chúng tôi tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối, hướng đến cội nguồn, thể hiện niềm tự hào về giá trị nghệ thuật của một vùng đất, đồng thời góp phần khẳng định chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo, riêng biệt của nghệ thuật ca Huế”.
        Trăn trở
Xen giữa chương trình biểu diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ là phần tri ân. 30 nghệ nhân tiêu biểu có quá trình cống hiến trên 30 năm, đặc biệt là những nghệ nhân, nghệ sĩ lớn tuổi đã nghỉ hưu, có uy tín, có khả năng biểu diễn, truyền - dạy nghề cho các thế hệ diễn viên, nhạc công từ trước đến nay được lãnh đạo tỉnh trao quà, tặng hoa để tri ân sự cống hiến của họ. “Nghệ nhân tham gia biểu diễn được rước từ hàng ghế đại biểu lên sân khấu biểu diễn... Những chi tiết này dù nhỏ nhưng mang ý nghĩa tôn vinh sẽ tạo cảm xúc với các nghệ nhân và cả công chúng” - NSND Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.
Ở Huế, được sự quan tâm của các ban ngành liên quan, ca Huế bắt đầu có sự “hồi sinh”. Hiện có Trường Nghệ thuật - Văn hóa Thừa Thiên - Huế và Học viện Âm nhạc trực tiếp đào tạo ra những lớp diễn viên và nhạc công kế tiếp của ca Huế. Do đó, lực lượng diễn viên của ca Huế rất hùng hậu. Riêng số diễn viên được thẩm định về chuyên môn để cấp thẻ hoạt động trên sông Hương đã là hơn 400 người.
Tuy nhiên, theo NSND Nguyễn Ngọc Bình, những người nắm bắt được hết tinh hoa, kỹ năng của ca Huế, có khả năng truyền dạy lại cho các thế hệ sau ngày càng mai một. Các loại hình âm nhạc khác có thể đào tạo ra được nhiều thầy, nhưng với âm nhạc truyền thống thì phần lớn là dạy theo truyền khẩu. Do đó, để đào tạo ra các thầy là rất khó.
Bên cạnh đó, sinh viên tại các trường và ca sĩ hát ca Huế, đa phần đều có suy nghĩ là học (hát hay) một vài làn điệu chỉ để đi hát, phục vụ cho việc mưu sinh là chính. Mô hình đào tạo chính quy ở các trường nghệ thuật có những hạn chế như quá chú trọng đến kiến thức đại cương trên cơ sở khung đào tạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo vốn có khối lượng lớn so với kiến thức chuyên môn nên các thế hệ nhạc công, ca sĩ chưa có sự vượt trội, chỉ đều đều, ngang bằng về chuyên môn, chưa tạo ra được môi trường thực tế để các em có thể học hỏi thử sức… Còn một số thì thiếu tâm huyết, thiếu bản lĩnh, lạm dụng danh nghĩa làm cho nghệ thuật không còn ý nghĩa cao đẹp.
Trước thực trạng đó, Ban tổ chức Festival Huế 2014 đã nỗ lực để đưa chương trình tôn vinh ca Huế vào Festival Huế lần này nhằm từng bước đưa ca Huế trở về vị trí và đúng với giá trị đích thực của nó. Trên cơ sở này, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo SGGP