Thứ hai, 21/4/2014, 14h04

Gấp rút xây dựng đề án chi tiết bảo vệ và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử

 Nhằm thực hiện cam kết với UNESCO, Bộ VH-TT-DL vừa đề nghị 21 tỉnh, thành khu vực Nam bộ gấp rút xây dựng đề án chi tiết về công tác bảo tồn và phát huy loại hình Đờn ca tài tử (ĐCTT) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đó là các địa phương còn lưu giữ nghệ thuật này gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Phước, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo đó, lãnh đạo bộ yêu cầu các địa phương vạch ra những lộ trình, cách làm cụ thể trong việc bảo tồn ĐCTT tùy theo tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, bộ sẽ tổng hợp và xây dựng Đề án chi tiết.
Trước đó, tại Lễ đón bằng vinh danh Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 11-2-2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã công bố Chương trình hành động quốc gia về việc bảo vệ Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 2014-2020 với 7 nội dung, được UNESCO đánh giá rất cao trong trách nhiệm bảo tồn và phát huy loại hình này.
 
Ảnh1
Biểu tượng đờn kìm (Ảnh1) và nhà hát nón lá - biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu.
Trước đó, tại Bạc Liêu, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014, đã chủ trì cuộc họp với Ban Tổ chức, phụ trách các Tiểu ban phục vụ Festival nhằm rà soát tổng thể các công việc chuẩn bị cho Festival.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng yêu cầu các tiểu ban, các ngành cần làm tốt nhiệm vụ được giao, rà soát, chuẩn bị tốt tất cả các điều kiện cần thiết phục vụ Festival. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền các hoạt động diễn ra tại Festival, đặc điểm văn hóa của 21 tỉnh, thành phố Nam bộ, sơ đồ đậu xe; tăng cường đặt biển báo giao thông ở một số tuyến đường, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉnh trang đô thị, sắp xếp các chợ, điểm mua bán văn minh, lịch thiệp, niêm yết giá các mặt hàng hàng hóa, cơ sở lưu trú; chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm đặc sản, đặc trưng phục vụ du khách tham quan Festival; làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các sự kiện, nhất là lễ khai mạc, bế mạc Festival.
Theo SGGP