Thứ hai, 8/3/2010, 15h03

Kỷ niệm ngày 8-3: Tình yêu trước cuộc sống của các nhà thơ nữ

Đứng trước cuộc sống là tình yêu, tình yêu là một trong những sự sống của đời người, nhất là không thể thiếu đối với người phụ nữ. Hôm nay nhân ngày 8-3, ngày vui, ngày hạnh phúc của chị em, hãy nghe các nhà thơ nữ nói về tình yêu của mình.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trong bài thơ Bình dị như lời tự bạch cái nguyên sơ, cái bình dị của mình: “Em nguyên sơ như đất/ Em nguyên sơ như cây/ Em nguyên sơ như nắng/ Như gió cao nguyên này”. Trên chiến tuyến đối mặt với sự sống cái chết, đối mặt với quân thù, mười cô gái giữ nhịp sống ở ngã ba Đồng Lộc, trăm ngàn cô gái mở đường trên đỉnh Trường Sơn, ngàn ngày giữ con đường, dùng lửa đánh lạc hướng địch, chỉ hướng cho xe kịp giờ ra trận. Sau phút giây ngã xuống rất anh hùng, để lại một khoảng trời hố bom. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ dùng thơ ghi lại: “Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực/ Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái… (Khoảng trời hố bom). Sức mạnh cùng vũ khí chiến thắng của người phụ nữ Việt Nam là trái tim. Trái tim dám hy sinh cho người yêu trên chiến tuyến. Bài thơ Sợi nhớ sợi thương của nhà thơ Thúy Bắc như dốc hết cả niềm yêu, niềm thương để che nắng che mưa cho cho người yêu ra trận. Tay dang tay xòe không che hết. Rút sợi thương, rút sợi nhớ cũng không che hết. Chỉ còn có nghiêng núi nghiêng non mới che được cho người yêu. Từ “rút”, rút ở tận cõi lòng để đan thành sợi lòng thì từ “nghiêng”, nghiêng sườn núi là nghiêng cả tình, cả hồn về cho người yêu “Nghiêng sườn đông/ Che mưa anh/ Nghiêng sườn tây/ Xòa bóng mát/ Rợp trời thương/ Màu xanh suốt/ Em nghiêng hết/ Về phương anh”.
Tình yêu bắt đầu từ trái tim. Trái tim là nơi của người phụ nữ luôn luôn trở về với chính mình. Để có một tình yêu trong sáng, không vụ lợi, không nhỏ nhen, không hào nhoáng, coi tình yêu giống mặt trời. Nếu như thế thì hãy nghe lời mách bảo của trái tim trong Tự hát của Xuân Quỳnh: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết làm sống những hồng cầu đã chết/ Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước…”. Người phụ nữ Việt Nam đứng trước tình yêu thường toát lên một trái tim mạnh mẽ. Mạnh mẽ mà bao dung, mạnh mẽ mà vị tha nhân hậu. Bài thơ Tâm hồn của nhà thơ Song Hảo: “Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em/ Chút hương đời dịu ngọt/ Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em/ Lòng anh còn bóng đêm/ Em sẽ làm tia nắng/ Mặt đất còn gai chông/ Bầu trời còn mưa gió/ Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em”.
Đứng trước tình yêu có khi là lời đường mật, có khi là lời hoa mĩ. Nếu không là tình yêu mạnh mẽ của viên ngọc trai thì làm sao có lóng lánh để nghe lời “hoa mĩ dối lừa”. Nếu không mạnh mẽ của hạt cát làm nên ngọc trai để “phát sáng tự trong tâm”. Đứng trước tình yêu để nhận ra chân giả, nhận ra sự nô lệ tình yêu, nhận ra “chính mình”nếu không có một trái tim mạnh mẽ. Bài thơ Hạt cát của nhà thơ Khánh Chi như một bộc bạch tốt xấu, chân giả tình yêu: “… Nếu anh đến cầm em soi vào ánh sáng/ Dùng dao cạo kiểm tra độ thật giả ngọc trai”.
Nhưng nếu tình yêu đang trong giông tố thì chỉ có tình yêu người phụ nữ Việt Nam là biển, biết đâu chỗ sóng bạc đầu, biết đâu nơi rạn vỡ, khi con thuyền người con trai neo trên biển của mình để được chở che, để được chỉ hướng. Thuyền và biển của Xuân Quỳnh như một niềm tâm sự: “Biển như cô gái nhỏ/ Thầm thì gửi tâm tư/ Quanh mạn thuyền sóng vỗ/ Biển mênh mang nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu”. Nếu ở Khánh Chi, sức mạnh tình yêu trong hạt cát thì ở Xuân Quỳnh, sức mạnh tình yêu là biển cả.
Tình yêu là một khía cạnh của cuộc sống. Cuộc sống muôn vàn khó khăn phức tạp đặt ra cho người phụ nữ phải giải quyết, phải vượt qua. Tình yêu người phụ nữ có tính nhân văn, nhân bản để chiến thắng mọi trở lực cũng là để chiến thắng chính mình, bảo vệ tình yêu thật đẹp của mình như nhà thơ Lê Thị Kim trong bài thơ Khi chúng mình yêu nhau: “Hạnh phúc đến từ đâu/ Nở trên ngón tay/ Đậu trên đôi mày / Sáng trong vòng nguyệt…”
TRÚC CHI