Thứ ba, 3/3/2015, 10h03

Mở rộng cơ hội quảng bá văn học Việt Nam

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba vừa khai mạc tại Cung hữu nghị Việt Xô - Hà Nội vào sáng nay 2-3 quy tụ hơn 150 nhà văn, nhà thơ, dịch giả, đại diện NXB từ hơn 50 quốc gia, lãnh thổ trên toàn thế giới, vượt trội hơn hẳn so với hai kỳ hội nghị trước. Đây có thể được coi là một cơ hội để đưa văn học hội nhập tốt hơn với thế giới.
Xích lại gần nhau
Nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã nhấn mạnh: Trong thế giới vô tận của chúng ta, mỗi nhà văn có thể xem như một tiểu hành tinh, và có thể nói rằng các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn học, các dịch giả đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ là đại diện của 5 châu lục cùng hội ngộ, đã tạo nên một dải Ngân hà có tên “Hà Nội, Việt Nam 2015”. Bằng con đường giao lưu văn học chúng ta làm cho mọi nền văn hóa xích lại gần nhau hơn, làm cho lẽ phải, tình thương xích lại nhau.
TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương nhấn mạnh: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam thể hiện và hướng đến tình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đất nước Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, phong phú, từ các vị vua chúa cổ xưa (các vị vua anh minh là những nhà thơ lớn, thi ca giúp họ dựng và giữ nước), nền văn học dân gian cổ xưa đến văn học hiện đại. Người Việt yêu văn chương, làm văn chương, vì văn chương là nơi lưu giữ ký ức, luôn thể hiện tinh thần dân tộc và đón nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. TS Vũ Ngọc Hoàng khẳng định: “Thông qua văn học, chúng tôi hiểu được nền văn hóa của các bạn, lưu giữ và chuyển hóa nó, làm phong phú thêm nền văn hóa và văn học của đất nước chúng tôi. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, chúng tôi đã nhập siêu văn học của các quốc gia trên thế giới. Còn xuất đi thì rất hạn chế, thiếu chủ động và thiếu chọn lọc. Chúng tôi quan niệm rằng một nền văn hóa dân tộc chỉ có thể hoàn thiện trong quá trình tiếp biến với các nền văn hóa khác. Con đường ngắn nhất, bền vững nhất là con đường từ trái tim đến với trái tim”.


Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba.
Nhà văn M. Salmawy, Quốc vụ khanh Ai Cập, Tổng Thư kí Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập khẳng định, đây là thời điểm quan trọng của nền văn học Việt Nam và thế giới. Ông nói: “Khi tôi còn trẻ đã được biết rằng người Việt Nam đã và đang chiến đấu cho tự do độc lập và giữ gìn nền văn hóa lâu đời của đất nước mình trước các thế lực xâm lược thù địch. Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam không chỉ là những người cầm bút, giữ gìn tâm hồn Việt, bảo vệ bản sắc Việt, mà còn là những người lính cầm súng chiến đấu rất can trường... Việc Việt Nam kết nối với các nhà văn, nhà thơ đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới để cùng xây đắp hòa bình là một điều tuyệt vời!”.
Vẫn còn những hạt sạn
Việc quảng bá, xuất bản tác phẩm văn chương ở nước ngoài luôn là mơ ước của nhiều thế hệ các nhà sáng tác Việt Nam, cũng là công việc lớn mà Hội Nhà văn Việt Nam chủ trương thực hiện qua nhiều thập niên. Từ sau chiến tranh, nhất là khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, hoạt động giao lưu với các hội nhà văn, các trung tâm nghiên cứu, giao lưu văn hóa, văn học của nhiều nước ngày càng được Hội chú trọng, đẩy mạnh. Tuy nhiên, đến nay, việc đón nhận tinh hoa văn học thế giới, tác phẩm văn học tiêu biểu, mới, nổi bật của nước ngoài vào Việt Nam đang được làm tốt, nhưng việc đưa những tác phẩm xuất sắc, tác phẩm hay, tiêu biểu của văn học nước nhà đến với bạn đọc quốc tế, vẫn còn rất khiêm tốn. Hai kỳ hội nghị quốc tế quảng bá văn học lần trước, cùng Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất từng diễn ra tại Hà Nội đều nhằm mục tiêu cân bằng hơn “nhập khẩu” và “xuất khẩu” văn chương ở Việt Nam.
Song tiếc thay, trong một hoạt động lớn có tính chất quốc tế như vậy vẫn xuất hiện lỗi trong khâu tổ chức khiến không ít người tham dự cảm thấy chạnh lòng. Ngay tại sảnh lớn, nơi trưng bày hàng chục tấm pano giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ của Việt Nam, chỉ lướt qua cũng dễ dàng nhận thấy những lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn trên pano giới thiệu nhà thơ Lưu Quang Vũ, bài thơ Đêm Đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn tên bài thơ đã được rút gọn thành Đêm đồng chí. Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ chia sẻ: “Giá có cái bút xóa trong tay thì tôi sẽ chữa lại cái tên này, bỏ dấu huyền đi vì tên bài thơ của anh Vũ là Đêm đông chí chứ không phải Đêm đồng chí”. Bà cũng cho biết, việc in sai tên bài thơ này đã xuất hiện trong Ngày thơ Việt Nam từ năm ngoái, nhưng không hiểu vì sao năm nay cái sai ấy vẫn tiếp tục xuất hiện. Tương tự, bài thơ Ba người hát giọng trầm của Thi Hoàng cũng bị in thành bài thơ Ba gian hát giọng trầm hay như trích đoạn Bài ca chim Chơ rao được “sửa” thành Bài thơ Chơ rao...
Sau lễ khai mạc, hôm nay, 3-3, tại Nhà khách Bộ quốc phòng - Hà Nội, sẽ tiếp tục diễn ra hai cuộc hội thảo “Văn xuôi Việt Nam - Quá trình hội nhập và phát triển”, “Thơ: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt”. Tiếp đó là đêm thơ quốc tế và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Ninh, thưởng thức quan họ tại Bắc Ninh. Hy vọng rằng mọi sai sót có thể kịp thời sửa chữa để hội nghị thực sự là nơi giao lưu, quảng bá, góp phần đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Theo SGGP