Thứ năm, 23/10/2014, 23h10

Nghề nhắc tuồng: Vị “cứu tinh” của nghệ sĩ

Chị Lê Tâm trong một buổi tập với NSƯT Vũ Linh và NSƯT Thanh Ngân
Sau cánh gà sân khấu, công việc của những người nhắc tuồng rất lặng lẽ. Họ không được khán giả biết đến nhưng nếu vắng bóng họ thì nhiều nghệ sĩ sẽ “lao đao” nếu có lỡ quên tuồng.
“Nghề xưa còn lại chút này”
Có lẽ vì tầm quan trọng của người nhắc tuồng mà có nhiều ý kiến cho rằng một đoàn hát không thể hoạt động khi vắng bóng họ.
Chị Lê Thị Ngọc Bích (SN 1965) làm nghề nhắc tuồng cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã gần 20 năm nay. Ngày trước, chị mê cải lương nên thường theo chân các đoàn hát xem nghệ sĩ biểu diễn. Học chuyên ngành kế toán nhưng rồi chị lại gắn với nghề nhắc tuồng. Đến nay, chị Bích đã tạo được tên tuổi với nhiều đoàn hát ở TP.HCM khi chị được mệnh danh là “nữ hoàng nhắc tuồng”. Quả thật, người nhắc tuồng phải tập trung cao độ để căng tai lên nghe dây đàn, nghe tiếng hát của diễn viên, vừa giữ sự tập trung để không đọc vấp chữ. Ngày trước, người nhắc tuồng thường đứng bên trong hai cánh gà và cố rướn hơi để nhắc tuồng cho diễn viên, người diễn trên sân khấu cố lắng tai nghe lời thoại của mình từ người nhắc tuồng. Lúc nào trên tay người nhắc tuồng cũng là chiếc đèn pin để rọi vào kịch bản. Tuy nhiên, điều này đôi khi tạo sự khó chịu cho khán giả khi có khán giả ngồi ở dưới thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng của người nhắc tuồng vang lên. Và cũng không ít diễn viên chủ quan vào người nhắc tuồng nên lơ là trong việc học thuộc tuồng. Ngày nay, người nhắc tuồng đã có một công cụ hỗ trợ là máy nhắc tuồng - một dạng bộ đàm mini. Với thiết bị này, diễn viên và người nhắc tuồng sẽ thuận lợi hơn trong mỗi đêm diễn khi người diễn viên có thể di chuyển khắp sân khấu mà vẫn nghe được tiếng của người nhắc tuồng thông qua thiết bị hỗ trợ này. “Nếu không có máy nhắc tuồng thì chắc sau mỗi đêm diễn người nhắc tuồng có thể nói không ra hơi. Nhưng dù có thiết bị hỗ trợ hiện đại đến đâu mà mình không tập trung cao độ thì cũng vậy thôi. Chỉ đến khi đêm diễn kết thúc suôn sẻ, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành tốt phần việc của mình”, chị Bích chia sẻ. Chị Lê Tâm (SN 1986) là một cái tên được khá nhiều nghệ sĩ lựa chọn để nhắc tuồng cho mình. Tận mắt chứng kiến một buổi tập của Lê Tâm ở Rạp Công nhân cùng với NSƯT Vũ Linh và NSƯT Thanh Ngân mới hiểu hết được lòng yêu nghề của cô gái này. “Hồi mới vào nghề, tôi nghe người ta nói nghề này là nghề bán rẻ lá phổi, ho ra máu như chơi. Bốn năm đi theo nghề này tôi mới hiểu được những áp lực của nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu biểu diễn. Tôi chỉ biết dặn lòng cố gắng làm tốt phần việc của mình để không xảy ra “tai nạn” nghề nghiệp nào cho nghệ sĩ”.
Chạy show như ca sĩ
Người làm nghề nhắc tuồng tại các sân khấu trên địa bàn TP.HCM hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những cái tên như: Ngọc Bích, Lê Tâm, Minh Thành… trở nên quen thuộc với nhiều nghệ sĩ bởi tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình của họ. Không chỉ các sân khấu cải lương mới cần có người nhắc tuồng mà cả sân khấu kịch, tấu hài… cũng cần người nhắc tuồng. Có lẽ thế mà nghề nhắc tuồng thời nay đắt show không khác gì ca sĩ. Một thực tế không thể phủ nhận là nguồn thu nhập chính của họ là nhờ chạy show ở ngoài chứ nếu chỉ trông chờ vào suất diễn của nhà hát thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, nếu họ biết xoay xở, chịu khó chạy show thì mức thu nhập hàng tháng cũng ổn định. Có show diễn người nhắc tuồng nhận mức cát-sê lên đến vài triệu đồng.
Công nghệ phát triển nên người nhắc tuồng cũng có nhiều thuận lợi hơn. Máy tính bảng, điện thoại… đôi khi cũng là thiết bị hỗ trợ người nhắc tuồng trong công việc. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ được sử dụng trong những trích đoạn ngắn. “Với những vở diễn kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ mà sử dụng máy tính bảng hay điện thoại để hỗ trợ nhắc tuồng thì nguy hiểm lắm. Nhiều lúc hết pin, màn hình tắt thì coi như tiêu luôn. Cầm trên tay văn bản của vở tuồng vẫn là an tâm nhất. Lúc nào trong túi quần tôi cũng có chuẩn bị sẵn mấy cục pin cho máy bộ đàm, đề phòng trường hợp hết pin là nhanh tay thay pin liền”, Lê Tâm cho biết.
Công việc đứng sau cánh gà của người nhắc tuồng từ xưa đến nay vẫn lặng lẽ. Niềm vui của họ sau mỗi đêm diễn là nhìn thấy nghệ sĩ hoàn thành vai diễn của mình một cách trọn vẹn. Khi được hỏi rằng có tiếp tục đi theo con đường này không, Lê Tâm cười giòn tan rồi nói: Tôi còn ăn cơm “Tổ” ngày nào thì tôi sẽ còn sống hết lòng với nghề ngày ấy…
Bài, ảnh: Yên Hà
Nói về vai trò quan trọng của những người nhắc tuồng, nghệ sĩ Lê Hồng Thắm, diễn viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Nghệ sĩ chúng tôi thật sự rất cần những người nhắc tuồng, đặc biệt là trong các buổi tập trước khi vào đêm diễn chính thức. Họ hỗ trợ chúng tôi trong suốt quá trình tập luyện cũng như khi đứng sân khấu. Nghề nhắc tuồng vốn rất hiếm trong xã hội hiện đại nên để tìm được những người trẻ gắn bó, tâm huyết với nghề lại càng khó”.