Thứ sáu, 25/4/2014, 00h04

Nghệ nhân Minh Mẫn: Một đời mê ca Huế

Nghệ nhân Minh Mẫn có gần 70 năm gắn bó với ca Huế
“15 tuổi mệ đã mê đắm ca Huế. Thân phụ cấm cản nhất quyết không cho đi ca, không còn cách nào khác, sau mỗi buổi chợ, mệ lại tranh thủ ghé vào những nơi người ta đang đàn hát để xin ca vài bài, rồi trốn nhà đi học ca. Niềm yêu ca Huế cứ rứa ngấm vào máu thịt, đến chừ cũng đã gần 70 năm” - nghệ nhân ca Huế Nguyễn Thị Minh Mẫn đã chia sẻ với tôi như thế!
Đắm đuối với ca Huế
Căn nhà nhỏ của nghệ nhân ca Huế Nguyễn Thị Minh Mẫn nằm sâu trong con hẻm nhỏ bên đường Nhật Lệ (phường Thuận Thành, TP.Huế). Ở vào tuổi 89, trí nhớ của nghệ nhân Minh Mẫn vẫn vẹn nguyên như tên gọi của mình!
15 tuổi, nhiều khán giả ca Huế biết đến bà bởi giọng ca trong veo, luyến láy nhịp nhàng. “Ban ngày mệ đi buôn hàng tạp hóa. Tranh thủ tối thứ năm và chủ nhật là mệ lẻn đến nhà thầy nhờ dạy. Thời gian tập luyện của mệ chủ yếu là trong lúc xuôi đò từ ngã ba Sình - nhà mệ ở đó lên đến chợ Đông Ba để đi bán hàng”. Thấy bà đam mê, nhiều nghệ nhân đi trước đã dìu dắt, chỉ dạy. 17 tuổi, bà theo các đoàn hát trên những chuyến đò dọc sông Hương. “Hồi nớ, cứ mỗi tuần hai lần mệ thường theo đoàn đến hát cho vua Minh Mạng nghe trên bến Ngự Viên”.
Những năm sau ngày hòa bình, bà vẫn tiếp tục theo nghiệp ca Huế trên những chuyến đò dọc dòng Hương Giang thơ mộng. “Hồi nớ người nghe ca Huế phần nhiều là trí thức. Họ xuống thuyền nghe ca vì họ mê ca Huế. Đó như một món ăn tinh thần. Bởi rứa, mệ ca là vì cùng chung niềm tâm huyết, đam mê dành cho ca Huế như khán giả nghe ca”, bà Mẫn trải lòng. Không chỉ ca, bà còn là người thầy truyền nhiệt huyết cho nhiều thế hệ học trò mê môn nghệ thuật này. Nhiều năm sau khi nghỉ dạy ở Trường Âm nhạc Huế, sức khỏe yếu nên bà chỉ tranh thủ truyền nghề cho các bạn thanh thiếu niên mồ côi, khuyết tật.
Trăn trở với nghề
Nhắc đến ca Huế lần đầu tiên được vinh danh tại Festival Huế 2014, bà Mẫn nói: “Hôm đó mệ cũng được mời đi nhận bằng khen, nghe tin mệ vui lắm nhưng tiếc là bị ốm không đi được nên phải nhờ người ta nhận giùm”, bà Mẫn đưa tay sờ lần vào tấm bằng khen chứng nhận rồi cất giọng buồn buồn đầy luyến tiếc: “Cả cuộc đời đi theo nghiệp ca hát - cái nghiệp mà một thời người ta nói là cầm ca vô loài mà mệ vẫn cố sống chết bám theo cho đến tận chừ. Được nhớ tới và được vinh danh là thấy hạnh phúc lắm”. Hỏi về ca Huế, đôi mắt bà rực sáng, cất giọng ca liền hai bài. Giọng ca mềm mại, uyển chuyển như chính bà đang đưa du khách dạo trên đất kinh thành nên thơ. Bà bảo, cả cuộc đời vì nghệ thuật để giữ gìn làn ca truyền thống, bà vui mỗi khi được nghe du khách thập phương nhắc tên, tìm đến xin được nghe bà ca hát. Hiện, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, lại thêm mắc nhiều bệnh tật của người già, bà Mẫn ít khi ra khỏi căn nhà nhỏ của mình. Có du khách nào muốn nghe hoặc lớp trẻ muốn học thì tìm tới tận nhà.
“Thế hệ ca Huế tầm tuổi mệ bây chừ chỉ còn có hai người, mệ với o Thanh Hương”, bà Mẫn bấm đốt ngón tay. “Thuở xưa theo ca Huế vì mê ca, phần khác vì khán giả cũng có chung niềm say mê đó. Bây chừ, phần lớn thế hệ trẻ theo nghề ca vì kế mưu sinh. Du khách bước xuống thuyền ca đâu phải ai cũng chỉ để nghe ca. Họ muốn ngắm cảnh sông nước trong tiếng ca ngọt ngào, tìm chút gì đó của dư âm ngày xưa mà họ nghe được, việc nghe ca giống kiểu “mì ăn liền” của giới trẻ vì thế nhịp ca, câu ca cũng lệch đi đôi chút”, giọng bà Mẫn trầm tư.
Niềm trăn trở nữa của người nghệ nhân già này là đời sống của nghệ sĩ mê ca Huế còn quá bấp bênh. Muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống thì phải tạo đủ điều kiện cho nghệ sĩ, nghệ nhân tồn tại. Vì kế mưu sinh, loại hình ca Huế xưa, nay đã ít nhiều biến tướng. Chiều tà, như thường lệ, ngồi từ bậc cửa nhà mình, bà Mẫn vẫn cất tiếng ca vọng ra con hẻm đầu ngõ để cho người dân sau một ngày làm việc được thảnh thơi nghe từng điệu hò man mác. Bà Mẫn nói, đó không chỉ là cách giúp người lớn có phút giây thư giãn, gợi về kí ức tuổi thơ mà còn truyền niềm yêu nhạc vào tâm hồn con trẻ.
NSND Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế nói: “Ca Huế và đời sống của nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế hiện vẫn còn nhiều điều trăn trở. Đơn cử như nguồn nhân lực của nhà hát vẫn có đến hơn 50% đời sống bấp bênh. Theo tôi, để đảm bảo chất lượng môn nghệ thuật đi vào truyền thống với nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất kinh thành xưa như Huế, cần có sự quan tâm từ ban ngành chức năng để hỗ trợ đời sống cho nghệ nhân”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Nhìn lên tường nhà, tôi thấy một tấm bằng khen chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian được phong tặng năm 2008 và tấm giấy chứng nhận nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn ca Huế của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều này có lẽ chưa khái quát hết công lao của bà trong gần 70 năm phục vụ ca Huế, cũng như truyền dạy kỹ thuật cho hàng chục thế hệ trẻ để giữ gìn truyền thống văn hóa đất cố đô.