Thứ ba, 16/12/2014, 22h12

Nhạc bolero “sống” lại…

Thí sinh Trần Thị Phương Em - vận động viên đội tuyển quốc gia môn bi sắt lọt vào top 10 cuộc thi Solo cùng Bolero. Ảnh: Quốc Tuyên
Trải qua bao thăng trầm, nhạc bolero (hay còn gọi là nhạc sến) đã dần lấy lại được vị trí của mình trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhiều sân chơi cho người yêu nhạc bolero đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Từng bị… “thất sủng”
Dòng nhạc trữ tình ngọt ngào bolero đã từng đi vào lòng nhiều người, đặc biệt là giới bình dân. Đỉnh cao của dòng nhạc này tại Việt Nam là vào những năm 1960-1970, với rất nhiều ca khúc được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cassette cũng như đĩa nhựa đi vào lòng khán giả như: Về đâu mái tóc người thương, Nỗi buồn hoa phượng, Chuyến tàu hoàng hôn… Vì niềm đam mê mà cũng không ít ca sĩ đã gắn bó trọn đời với dòng nhạc này. Nổi tiếng rất sớm từ năm 17 tuổi với ca khúc Nỗi buồn gác trọ, nữ ca sĩ Phương Dung được người hâm mộ yêu thích. Bà được gọi là “Nhạn trắng Gò Công” bởi chính tài nghệ, lòng yêu nghề của bà trong suốt 57 năm ca hát, gắn bó với nhạc bolero.
Giữa thị trường âm nhạc có phần hơi “dễ dãi”, “chiều” theo thị hiếu của số đông khán giả, nhạc bolero có một vị trí lặng lẽ trong nền âm nhạc Việt Nam nhiều năm qua. Vì vậy, bolero lại trở thành một dòng nhạc kén người nghe và hành trình chinh phục khán giả cũng lắm gian nan, đặc biệt là khán giả trẻ.
Nhạc bolero từng bị “thất sủng” trong một bộ phận giới trẻ bởi sự phát triển của dòng nhạc thị trường, nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản... Những đêm diễn quy tụ nhiều nhóm nhạc Hàn nổi tiếng, với giá vé từ 4 trăm ngàn đến 4 triệu đồng luôn trong tình trạng “cháy vé”. Có những câu chuyện về các bạn trẻ hâm mộ thần tượng âm nhạc đến từ Hàn Quốc đã khiến nhiều người phải “dở khóc dở cười”. Đáng buồn thay khi những đêm diễn các thể loại nhạc khác của Việt Nam, lại ít có sức hút với giới trẻ, trong đó có nhạc bolero. Nhạc bolero dần bị lãng quên trong nhịp sống hiện đại bởi sự cạnh tranh của các dòng nhạc khác và cũng bởi ít ai chịu bỏ công tìm hiểu về bolero để mà yêu thích nó.
Sân chơi cho người yêu nhạc bolero
Một tín hiệu đáng mừng cho những người yêu nhạc bolero khi năm 2014 có thể được xem là năm lên ngôi của dòng nhạc này. Solo cùng Bolero là một chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành cho khán giả. Cuộc thi đã thực sự tạo ra làn gió mới, một sân chơi đầy ý nghĩa đối với những “tín đồ” của bolero. Theo số liệu từ Ban tổ chức, cuộc thi đã nhận được hơn 7.000 hồ sơ dự thi trên toàn quốc chỉ sau 2 tuần phát động. Một con số còn khiêm tốn so với các sân chơi truyền hình thực tế khác nhưng điều đó đã phần nào khẳng định sức sống của bolero. Các thí sinh dự thi cũng thuộc khá nhiều đối tượng khác nhau như: Học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, tài xế, xe ôm, người bán hàng rong, giám đốc doanh nghiệp, và cả phó chủ tịch HĐND xã ở một tỉnh miền Tây cũng đăng ký dự thi. Đến nay, cuộc thi vẫn đang có sức hút rất lớn đối với khán giả.
Tuy nhiên, sự giới hạn trong độ tuổi từ 15-45 mà chương trình đưa ra đã làm không ít khán giả phải tiếc nuối. Ông Nguyễn Duy Thanh (50 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết: “Nếu cuộc thi không giới hạn độ tuổi thì chắc tôi cũng đăng ký tham gia liền. Hát để thỏa đam mê thôi chứ cũng không quan trọng chuyện giải thưởng gì hết. Nhiều bản bolero tôi thuộc làu làu luôn”. Đó cũng chính là tâm lý chung của nhiều khán giả ở độ tuổi như ông bởi dòng nhạc bolero thật sự đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của thế hệ người yêu nhạc ở giai đoạn trước.
Ngoài chương trình Solo cùng Bolero, các chương trình Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt nhí, Sol vàng… cũng đã làm khán giả vỡ òa với những màn trình diễn các ca khúc bolero chạm đến tâm hồn nhiều người. Ít ai ngờ rằng cô bé quán quân Thiện Nhân lại có thể trình bày ca khúc Đèn khuya của nhạc sĩ Lam Phương một cách thành công đến vậy tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2014. Bolero không có chỗ cho sự phá cách như những dòng nhạc khác bởi trong quan niệm nhiều người, bolero đã gắn với sự giản dị, mộc mạc. Những ca từ trong các ca khúc của các nhạc sĩ bolero tên tuổi như: Trúc Phương, Vinh Sử, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn… dễ đi vào lòng người cũng bởi sự mộc mạc đó.
Có thể nói, việc tìm hiểu, trân trọng và gìn giữ những nét đẹp của nhạc bolero là điều hết sức cần thiết để bolero phát huy hết sức mạnh của mình trên thị trường âm nhạc Việt Nam.
Yên Hà
 
“Tôi thấy vui khi nhạc bolero đang được nhiều khán giả nhớ đến dù có một thời không ít người đã quay lưng với nó. Mỗi thể loại nhạc đều có một nét đẹp riêng, bolero cũng vậy”, nhạc sĩ Vinh Sử - “ông vua nhạc sến” cho biết.