Thứ sáu, 26/12/2014, 10h12

Nhớ “Hề nhựa” Thanh Hoài

Danh hài Thanh Hoài vai thầy Lý (giữa) trong vởNgao Sò Ốc Hến. Ảnh: K.N

Nhận được tin “Hề nhựa” Thanh Hoài mất, người bạn thân thiết nhất của ông là “Quái kiệt” Tùng Lâm vừa khóc vừa nói: “Tứ quái Sài Gòn gồm Thanh Hoài - Thanh Việt, Phi Thoàn - Khả Năng giờ đã hội ngộ nơi suối vàng. Thương lắm, tiếc lắm những tài hoa nghệ thuật của Việt Nam…”.
Cũng theo “Quái kiệt” Tùng Lâm thì khán giả gọi danh hài Thanh Hoài là “Hề nhựa” bởi ông có giọng nói nhừa nhựa rất đặc biệt. Đó cũng là nét độc đáo, riêng biệt nhất của Thanh Hoài mà khi ông tham gia đóng phim, không ai có thể lồng tiếng thay cho ông được.
Lúc sinh thời, tôi may mắn nhiều lần được trò chuyện với danh hài Thanh Hoài trong ngôi nhà yên tĩnh đường Cô Giang, quận Phú Nhuận - TP.HCM, ông nói: “Cho đến giờ, tôi vẫn xem nghệ sĩ Ba Vân là người thầy số một của tôi. Tôi may mắn được anh đỡ đầu, có cơ hội đóng chung với anh nhiều bộ phim nên tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Tôi tên thật là Đinh Tiến Hoài, sinh năm 1934 tại Hà Nội. Hồi còn đi học, bất kỳ chương trình văn nghệ nào của trường tổ chức tôi cũng đều tham gia, mà toàn là diễn những vai hài. Riết rồi bạn bè, thầy cô trong lớp hễ nhìn thấy mặt tôi là tự nhiên… tức cười. Năm 1954, tôi vào Nam lập nghiệp và tìm gặp nghệ sĩ Ba Vân xin “thọ giáo” làm đệ tử. Năm 1955, tôi chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với nghệ danh Thanh Hoài cùng độc chiêu riêng là cái giọng Bắc cứ nhừa nhựa. Cũng nhờ giọng nói này mà tôi dần dần được khán giả chú ý…”.
Năm 1967, Đài Truyền hình chọn phát sóng là vở kịch Lão hà tiện, Thanh Hoài được giao đóng vai chính Cả Keo. Chính vai diễn này đã giúp tên tuổi của ông bật sáng, đi đến đâu, khán giả cũng gọi ông bằng cái tên là “Cả Keo” đầy sự ngưỡng mộ. Sau đó, các hãng phim đua nhau mời ông đóng các bộ phim hài: Tứ quái Sài Gòn, Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Bốn thủy thủ sợ ma, Triệu phú bất đắc dĩ, Anh hùng sợ vợ, Con ma nhà họ Hứa... Bộ phim “đình đám” nhất của Thanh Hoài là Năm vua hề về làng của đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Với vai diễn anh chàng sợ nước đã giúp ôngdẫn đầu danh sách khán giả bình chọn “Vua hề hay nhất”. Trong thời gian từ năm 1991-1995, ông chỉ tham gia đóng phim video hài rồi tạm ngưng hẳn hoạt động nghệ thuật. “Quái kiệt” Tùng Lâm kể: “Thời điểm đó, anh Thanh Hoài định giải nghệ, không ngờtình cờ gặp NSND Hồng Vân tại nhà tôi, Hồng Vân và tôi đã thuyết phục được anh tái ngộ với khán giả”.
NSND Hồng Vân nhớ lại: “Vai cụ cố Hồng trong vở Số đỏ trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận, chú Thanh Hoài vừa bước ra khán giả đã xì xào và dành những tràng pháo tay nồng nhiệt. Số đỏ đã “sống” trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận suốt 3 năm liền, góp phần cho sự thành công đó chính là chú. Vài lần chú bị bệnh, tôi quyết định hủy suất diễn bởi không ai có thể đóng thế vai cụ cố Hồng hay bằng ông được”.
Sau đó, danh hài Thanh Hoài tiếp tục cộng tác với Kịch Phú Nhuận qua nhiều vở hài kịch khác như Chuyện tình nơi công viên, Làng nhảy, Mưa rừng, Ngao Sò Ốc Hến… Ít ai biết rằng, ông đi diễn toàn bằng xe ôm. Có hôm, tiền xe ôm lượt đi, lượt về đã ngốn hết tiền cát-sê, nhưng ông vẫn vui vẻ, không một tiếng than vãn, buồn phiền.
NSƯT Bảo Quốc cho biết: “Khi còn là ngôi sao đỉnh cao của làng hài, anh Thanh Hoài là người rất hiền lành, giản dị và đặc biệt rất nghiêm túc trong chuyện giờ giấc. Hồi ấy, dù được các đạo diễn săn đón, khán giả hâm mộ nồng nhiệt nhưng chưa bao giờ anh bị “mắc bệnh ngôi sao” cũng như chèn ép đàn em. Thời gian cộng tác với Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng vậy, có hôm đạo diễn báo 9 giờ sáng có mặt tại sân khấu để tập kịch mới, 9 giờ kém 15 anh đã ngồi đợi một mình giữa sân khấu vì phân cảnh của anh có dính tới các diễn viên trẻ. Nhiều khi 11-12 giờ, các diễn viên trẻ mới đến. Việc này kéo dài thường xuyên, nhưng anh nói đã luyện cho mình cách thông cảm với tuổi trẻ, có thể các em, cháu còn ham vui, tối qua diễn xong còn đi chơi khuya nên sáng dậy sớm không nổi. Nhưng chính vì các diễn viên trẻ thấy hình ảnh của anh ngồi đợi như thế nên dần dần không tái diễn việc đến trễ nữa. Anh bảo với tôi rằng, được như vậy cũng thấy vui vì đã làm gương cho các em được chút ít. Anh cũng không bao giờ câu nệ vai lớn, vai nhỏ mà đã nhận vai rồi thì luôn đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo cho nhân vật của mình cũng như cho bạn diễn…”.
Chỉ một cơn tai biến bất ngờ thôi đã “kéo” “Hề nhựa” Thanh Hoài đi thật xa. Gia đình, khán giả, đồng nghiệp vô cùng thương tiếc, nghẹn ngào đưa tiễn ông.
Vĩnh biệt cụ cố Hồng, vĩnh biệt một tài hoa sân khấu!
Song Minh