Thứ sáu, 11/7/2014, 08h07

Nhớ lắm cải lương thời hoàng kim!

Có thể nói vào các năm 1978, 1979 phong trào cải lương Nam bộ phát triển mạnh mẽ. Thời đó, có nhiều đoàn cải lương, nhưng để thưởng thức trọn vẹn một tuồng cải lương người dân ở quê tôi khó có điều kiện bởi vì các đoàn cải lương chỉ hát ở trung tâm TP, hay lâu lâu mới về hát ở trung tâm huyện chứ không bao giờ về vùng ven. May mà hồi đó thỉnh thoảng có đoàn văn nghệ, hay đoàn cải lương của TP đến biểu diễn phục vụ miễn phí cho bà con thưởng thức. Tôi nhớ có lần khi nghe thông tin từ chiếc loa truyền thanh gắn trên chiếc xe lam ba bánh chạy khắp xóm ấp thông báo “tối nay, vào lúc 7 giờ mời bà con đến sở cao su ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, xem tuồng cải lương Tìm lại cuộc đời do đoàn cải lương Sài Gòn 2 có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phục vụ”. (Vở cải lương Tìm lại cuộc đời  do NSND Huỳnh Nga đạo diễn cũng đã được phát trên truyền hình với một đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu và tài năng như: Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Hà Mỹ Xuân, Ngọc Bích, Giang Châu, Diệp Lang… Các nhân vật trong vở in dấu đậm nét trong lòng khán giả thời ấy cho đến bây giờ. Tiếc rằng, trên internet hiện chỉ tìm được audio thu trực tiếp trên sân khấu bằng kỹ thuật thô sơ thời ấy…). Đây có lẽ là sự kiện lớn làm cho bà con hết sức phấn chấn, không ai bảo ai hẹn nhau nghỉ làm đồng sớm về nhà tranh thủ cơm nước, sửa lại chiếc xe đạp để tối còn đi xem cải lương. Tôi cũng không nằm ngoài số bà con đó, lúc đó tôi đã 14, 15 tuổi, trời mới vừa xế chiều là bọn trẻ chăn bò chung với nhau đã lùa bò về cột vào chuồng cho ăn rơm, tôi chưa kịp ăn chén cơm đã nghe tiếng hú hí của lũ bạn chung xóm kéo nhau đi đến bãi hát. Nhiều người ở xã khác nghe có đoàn cải lương cũng lũ lượt đến xem. Sau lời giới thiệu, màn kéo lên mọi người ai cũng chăm chú nhìn cho rõ gương mặt các nghệ sĩ nổi danh bằng xương bằng thịt như Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Giang Châu, Diệp Lang, Tư Rọm… Rất nhiều người vừa xem cải lương vừa bàn tán, có khi còn cãi lý với nhau nào là Thanh Tuấn đẹp trai hơn Minh Vương, anh hát sao mà quá hay, ngọt ơi là ngọt, Mỹ Châu nhìn kỹ đẹp thật còn giọng hát chị đặc biệt không lẫn lộn với nghệ sĩ nào, kép Giang Châu vô câu vọng cổ một hơi dài hơn cả trăm chữ được bà con vỗ tay tán thưởng quá chừng. Tuồng cải lương kết thúc lúc hơn nửa đêm vậy mà nhiều người cũng chưa chịu về, nán lại một chút nhìn kỹ gương mặt các nghệ sĩ mà mình yêu mình thích. Vậy đó, cải lương thời gian đó phải nói là thời hoàng kim rất được nhiều người hâm mộ, nghệ sĩ biểu diễn thì nhiệt tình chủ yếu làm nhiệm vụ chính trị phục vụ nhân dân là chính. Bây giờ khi có đám tiệc, bà con chòm xóm gặp nhau tâm sự, có người khi nhớ cải lương thì kể: “Hồi ấy tui xem cải lương thấy Thanh Tuấn, Mỹ Châu hát đàng hoàng sướng thiệt”. Bây giờ loại hình cải lương chỉ sáng đèn trong các rạp hát phục vụ cho người TP, còn bà con miệt quê muốn xem cải lương thì mua băng đĩa về nhà xem, hay xem trên truyền hình. Nhưng xem như vậy thì không hay, xem cải lương phải có vài ba người vừa xem vừa “tám” mới thấy hết cái “đã” của tuồng tích,  cái thần thái cũng như cái hay của nghệ sĩ biểu diễn…
HẢI ÂU (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)