Thứ sáu, 1/10/2010, 17h10

Những “danh hiệu” một thời vang bong: Bài 14: “Giọng ca lãng tử” Thanh Sang

Cải lương chi bảo Bạch Tuyết (HCV Giải Thanh Tâm năm 1963) trao HCV Giải Thanh Tâm năm 1964 cho Thanh Sang.Ảnh: T.L

Hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật cải lương, NSƯT Thanh Sang luôn được các soạn giả và đạo diễn “đo ni đóng giày” vào những vai kép mùi. Tuy nhiên, mỗi vai diễn của ông đều mang dấu ấn riêng, không có sự lặp lại. Bắt đầu từ các vai diễn “không tên” như quân sĩ, lính chạy cờ, sự kiên nhẫn của Thanh Sang đã được trả công xứng đáng với chiếc huy chương vàng của giải Thanh Tâm 1964 cùng với nghệ sĩ Lệ Thủy.
Nếu soạn giả Hoa Phượng là người đã tạo nên danh hiệu Cải lương chi bảo cho nghệ sĩ Bạch Tuyết thì cũng chính soạn giả tài hoa này mệnh danh cho Thanh Sang Giọng ca lãng tử bởi Thanh Sang có chất giọng trầm buồn, phiêu bồng, một chút gì u uẩn, hoài niệm. Giọng ca đi liền nét diễn, chất mùi mẫn ấy đã làm say mê bao thế hệ khán giả. Ca hay bản vọng cổ đã đành, khi đi vào những bài Bắc như Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản… Thanh Sang đều chứng tỏ nghệ thuật xử lý tài tình của mình khi ông có cái kiểu ngắt câu hoặc nối chữ rất điệu nghệ.Chính vì thế, những vai nào cần diễn xuất nội tâm nhiều thì ông thành công dễ dàng.
Cậu bé dân chài trở thành kép hát
NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại làng chài ven biển thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Gia đình ông rất nghèo, cha mẹ ông cả đời đi ở đậu nhà hàng xóm. Ông kể: “Năm tôi lên 7 tuổi thì cha mất, tôi xin mẹ cho theo anh em làng chài để tập nghề đi biển. Đó cũng là những tháng ngày cơ cực nhất trong cuộc đời tôi”. Cực khổ là thế nhưng cậu bé Thu rất yêu thích cải lương. Hồi ấy, gia đình ông ở nhờ nhà một người quen ở sau Rạp hát Hải Lạc, xã Phước Hải, vì vậy nếu có đoàn hát nào về hát ở Rạp Hải Lạc thì ông ngồi trong nhà cũng nghe được tiếng đờn câu ca. Nghe hát cải lương riết rồi đâm ra ghiền, mê vọng cổ. Năm 1960 (17 tuổi), duyên sân khấu đến với anh vào một buổi chiều hè, khi Đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh - Ngọc Đáng về hát ở Rạp Hải Lạc, nghệ sĩ Kim Nên, mẹ của ca sĩ Thái Châu lúc đó là đào chánh tình cờ nghe Thu ca vọng cổ đã xin ông bầu Hoàng Kinh cho ông theo gánh hát. Về đây, ông được các anh chị đi trước chỉ bảo rất tận tình về các làn điệu cải lương, nghệ thuật biểu diễn, múa vũ đạo, được tiếp xúc với ánh đèn sân khấu, cái tên Thanh Sang ra đời từ đó. Sau khi gánh Ngọc Kiều tan rã, ông trở về quê nhưng rồi vì cái “máu” sân khấu, ông lại quyết định rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Ông về nhiều đoàn hát và thường được giao các vai quần chúng. Năm 1963, may mắn đã mỉm cười khi anh về Đoàn hát Đại Bang Hoa Mùa Xuân, sau đó đổi bảng hiệu là Dạ Lý Hương. Với sự cố gắng và nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của anh chị em nghệ sĩ trong đoàn, Thanh Sang - chàng diễn viên trẻ chuyên đóng vai quân sĩ, quen gọi “dạ”, kêu “thưa” ngày nào đã trở thành một kép chánh. Ông được bầu Xuân ký hợp đồng 150.000 đồng/ năm. Cầm số tiền lớn trong tay, anh chạy về Phước Hải mua ngay căn nhà ngói cho mẹ. Mẹ anh khóc thật nhiều, cuộc đời cơ cực của bà đã nhờ vào đứa con trai mê vọng cổ mà làm nên chuyện. Năm 1964, với vai diễn Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, anh đã đoạt HCV Giải Thanh Tâm - một giải thưởng mà rất nhiều nghệ sĩ cải lương đương thời muốn vươn tới. Báo chí lúc đó cũng hết lời ca ngợi Thanh Sang, cho rằng anh mang “đôi hia bảy dặm”, ngụ ý anh đã có một bước tiến dài, tiến nhanh trên con đường nghệ thuật. Một câu chuyện được kể rằng: Trong buổi đọc tuồng và giao vai vở này, soạn giả Hoa Phượng đã “chấm” kép trẻ Thanh Sang vào vai ông già mù Tạ Tốn 70 tuổi, Thanh Sang bực bội, cằn nhằn, ám chỉ soạn giả làm khó mình. Nhưng Hoa Phượng nghịch ngợm, sâu sắc, ý nhị chỉ lẩm nhẩm mấy câu: “Đây sẽ là vai để đời của cậu đấy, kệ, không sao…”. Đêm diễn thành công ngoài mong đợi, ngay sau đêm hát, Thanh Sang đã đến thẳng nhà gặp Hoa Phượng, nói lời cảm ơn cùng một bữa nhậu tạ lỗi. Với Thanh Sang, ông xem chiếc huy chương vàng Giải Thanh Tâm như một cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của người nghệ sĩ để họ bước vào đời, vào “cuộc chiến” mới khẳng định vị trí của mình trên sàn diễn và trong lòng khán giả. Và Thanh Sang đã “chiến đấu” không nghỉ ngơi, anh liên tiếp gặt hái được nhiều thành công trong các vai diễn mới như: Lữ Khánh Nhạc (Trường tương tư), Lý Quảng (Hoa Mộc Lan), Đảnh (Tần Nương Thất), Lê Long Hồ (Tuyệt tình ca), Võ Minh Thành (Đời cô Lựu)… Đặc biệt là các vai diễn chung với Thanh Nga như Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), thầy Khanh (Mưa rừng), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa)… Ông bật mí: “Đây là vở tuồng “quốc tế”, trên Sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga hồi đó diễn rất ăn khách. Sau khi Thanh Nga mất đi rồi, tôi được nhiều đoàn tỉnh mời về hát tăng cường, dù đi đến hang cùng ngõ hẻm nào khán giả cũng yêu cầu tôi hát vai Trần Minh, và cho tới bây giờ cũng vậy…”.
“Có chết cũng xin được chết trên sân khấu…”
Năm 1990, anh đột ngột rời sàn diễn để lại sự ngơ ngẩn tiếc nuối cho biết bao khán giả cải lương bởi căn bệnh nhồi máu cơ tim. Khi bệnh tình vừa thuyên giảm, anh đang dự tính đi hát trở lại thì một tai nạn giao thông ập đến, anh bị gãy mất mấy cái xương sườn, nằm viện cả năm trời tưởng chừng không sống nổi. Đêm 4-3-2007 thật sự là một đêm đáng nhớ khi anh được Công ty Tổ chức biểu diễn thực hiện chương trình riêng với chủ đề 50 năm - một tình yêu nghệ thuật tại Nhà hát TP. Giấc mơ trở lại sân khấu của anh đã trở thành hiện thực với các vai tuồng in đậm trong lòng khán giả cũng như những người bạn diễn ăn ý nhất của anh một thời. Làm liveshow khi sức khỏe còn chưa tốt lắm, bạn bè, đồng nghiệp, người thân lo lắng, khuyên ông nên thu sẵn giọng ca để… phòng ngừa lúc hát không nổi. Nhưng ông vẫn dứt khoát: “Tôi còn bao nhiêu sức sẽ hát hết bấy nhiêu, chứ hát nhép tôi thấy giống như đang gạt khán giả. Nếu mệt quá, tôi có xỉu thì khán giả cũng biết mình xỉu vì hát hết sức. Còn nếu có ca quá sức đến ngã chết trên sân khấu thì đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ”. Từ đó đến nay, ông cũng đã nhiều lần nhập viện vì căn bệnh tái phát, vì diễn quá sức. Thanh Sang là người rất trọng chữ tín, luôn luôn đúng giờ trong buổi tập, buổi diễn, quay phim, thu băng, cuộc hẹn. Ông hứa đến là đến, hứa làm là làm. Nói không là không. Là người nổi tiếng đào hoa nhưng mãi đến năm 1980, Thanh Sang mới gặp được người phụ nữ của đời mình và hạnh phúc đã gắn chặt họ cho đến bây giờ. Cả khi ông đau yếu, người vợ ấy một bước không rời chồng, là tài xế chở ông đi tập tuồng, khi ông đổ mồ hôi, bà lau trán, lấy nước, khi không có người hát đệm, bà đứng sau cánh gà hát đệm cho chồng và bạn diễn...
Hiệp Thanh

Cải lương chi bảo Bạch Tuyết cho biết: “Kỳ thực, tôi thích ngắm nhìn đồng nghiệp của mình, đặc biệt là Thanh Sang trong những giờ tập tuồng hơn là trên sân khấu. Nếu không nhờ lớp phấn son trang điểm, sẽ khó mà phân biệt đâu là tập tuồng đâu là biểu diễn thực thụ của lãng tử Thanh Sang.