Thứ hai, 20/9/2010, 15h09

Những “danh hiệu” một thời vang bóng: Bài 9: “Hề nhựa” Thanh Hoài

Hề nhựa Thanh Hoài

Nếu Khả Năng được gọi là Hề mập, Thanh Việt là Hề râu thì Thanh Hoài bị “chết tên” Hề nhựa bởi ông có giọng nói nhừa nhựa rất đặc biệt. Đó cũng là nét độc đáo, riêng biệt nhất của danh hài Thanh Hoài mà khi ông tham gia đóng phim, không ai có thể lồng tiếng thay cho ông được.
Chất hài bẩm sinh
Ông tự nhận mình như thế. Thanh Hoài tên thật là Đinh Tiến Hoài, sinh năm 1934 tại Hà Nội trong một gia đình có bố là một hiệu trưởng. Hồi còn đi học, bất kỳ chương trình văn nghệ nào của trường tổ chức ông cũng đều tham gia, mà toàn là diễn những vai hài. Riết rồi bạn bè, thầy cô trong lớp hễ nhìn thấy mặt ông là tự nhiên… tức cười. Sau khi bố qua đời năm 1952 thì năm 1954, ông và mẹ quyết định vào Nam lập nghiệp. Ông đã tìm gặp “quái kiệt” Ba Vân xin “thọ giáo” làm đệ tử. Năm 1955, ông chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với nghệ danh Thanh Hoài. Một người bạn của ông khuyên, muốn làm hề nổi tiếng thì phải có độc chiêu riêng. Cả hai ngồi suy nghĩ cả ngày mà vẫn chưa nghĩ ra độc chiêu nào, bỗng lúc ấy, có người chọc giận, Thanh Hoài tức tối la hét mà cái giọng Bắc cứ nhừa nhựa. Người bạn vỗ đùi, hí hửng: “Độc chiêu là giọng nói đây rồi Hoài ơi!”. Và cũng nhờ thế mạnh này, ông dần dần được khán giả chú ý.
Năm 1967, Đài truyền hình chọn phát sóng là vở kịch Lão hà tiện của soạn giả Ngọc Ngân phóng tác theo vở kịch L’Avare của Molière. Trong vở này, Thanh Hoài được giao đóng vai chính Cả Keo. Chính vai diễn này đã giúp tên tuổi của ông bật sáng, đi đến đâu, khán giả cũng gọi ông bằng cái tên là “Cả Keo” đầy sự ngưỡng mộ. Sau đó, các hãng phim đua nhau mời ông đóng các bộ phim hài: Tứ quái Sài Gòn, Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Bốn thủy thủ sợ ma, Triệu phú bất đắc dĩ, Anh hùng sợ vợ, Con ma nhà họ Hứa... Bộ phim “đình đám” nhất của Thanh HoàiNăm vua hề về làng của đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Với nhân vật Anh hùng sợ nước đã giúp ông dẫn đầu danh sách khán giả bình chọn “Vua hề hay nhất”. Ông cho biết: “Bạn diễn ăn ý với tôi nhất là Hề râu Thanh Việt. Một vài lần Thanh Việt bị bệnh, một mình tôi lên sân khấu bỗng thấy hụt hẫng, trống vắng, lớp diễn không đạt hiệu quả cao. Trước giải phóng, ở miền Nam hình thành 4 cặp hài: Thanh Hoài - Thanh Việt, Phi Thoàn - Khả Năng, Tùng Lâm - Xuân Phát, Văn Chung - La Thoại Tân. Tất cả đều ngang tài, ngang sức, không ai đố kỵ ai, cùng nhau sáng tạo ra những mảng miếng riêng để chinh phục khán giả. Trong số này hiện nay, chỉ còn có tôi, Tùng Lâm và Văn Chung là còn sống…”. Sau năm 1975, Thanh Hoài được giao phụ trách chương trình Gia đình bác Tám trên Đài Phát thanh Long An rồi về làm Trưởng phòng Văn Thể Mỹ cho Xí nghiệp Đánh cá Côn Đảo. Năm 1990, Thanh Hoài làm cán bộ thuộc Sở VHTT Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong thời gian từ năm 1991-1995, ông chỉ tham gia đóng phim video hài (khoảng 200 bộ phim) rồi tạm ngưng hẳn hoạt động nghệ thuật.
Gừng càng già càng cay
Năm 2000, tình cờ gặp nghệ sĩ Hồng Vân tại nhà Tùng Lâm, với sự thuyết phục của Hồng Vân, Thanh Hoài đã tái ngộ khán giả TP.HCM trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận, vai cụ cố Hồng trong vở Số đỏ do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Sau 25 năm không xuất hiện trên sân khấu, lần “tái xuất giang hồ” này khiến ông hồi hộp vô cùng, không biết khán giả có còn ái mộ mình như xưa nữa không. Xuất diễn đầu tiên ở Nhà hát TP, ông vừa bước ra khán giả đã xì xào và dành những tràng pháo tay nồng nhiệt. Lúc đó, ông mới thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy “duyên nghề của mình vẫn còn”. Số đỏ đã “sống” trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận suốt 3 năm liền, góp phần cho sự thành công đó chính là ông. Câu nói cửa miệng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” và lối diễn hài rất có duyên của lão nghệ sĩ Thanh Hoài đã để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó phai. Một đôi lần ông bị bệnh, Hồng Vân quyết định hủy xuất diễn bởi không ai có thể đóng thế vai cụ cố Hồng hay bằng ông được. Sau đó, ông tiếp tục cộng tác với Kịch Phú Nhuận qua nhiều vở hài kịch khác. Đặc biệt là vở cải lương hài Ngao Sò Ốc Hến, đoạn Lý trưởng (do ông thủ diễn)… hát vọng cổ, khán giả tán thưởng nồng nhiệt bởi cách ca vọng cổ cũng “nhừa nhựa”, đứt quãng có một không hai. Ông kể: “Hồi trước giải phóng, lúc đầu tôi đâu có ca cải lương được nên phải nhờ Tùng Lâm tập giúp, rồi dần dần cũng hát được những đoạn ngắn. Khi cùng với Văn Chung, Thanh Việt về hát ở Đoàn Dạ Lý Hương của anh bầu Xuân thì vui lắm, mỗi lần tôi chuẩn bị ca là Thanh Nga, Út Bạch Lan ở hai bên cánh gà bắt nhịp giùm, còn nhạc công thì đệm guitar “từng từng” cho tôi vào. Vậy mà cũng được khán giả vỗ tay rần rần…”.
Ngoài giọng nói nhừa nhựa, Thanh Hoài còn có vật bất ly thân là cặp kính trắng. Một kỷ niệm vui trong lần tham gia bộ phim Rùa vàng - rùa bạc, ông được giao đóng vai nhà vua. Khi diễn, vì là phim cổ tích phục vụ thiếu nhi nên đạo diễn Lê Lộc vẫn để cho ông đeo cặp kính trắng. Quay được ngày đầu, về xem lại ông thấy... kỳ quá. Vì thế sau đó, không ngại cực khổ, ông đề nghị quay lại vì: “Thời xưa, nhà vua làm gì có kính mà đeo, không khéo trẻ con nó bắt lỗi thì nguy”. Sự nghiêm túc, sáng tạo trong nghề của ông luôn được các diễn viên trẻ kính trọng, noi gương. NS Hồng Vân cho biết: “Chú Thanh Hoài không bao giờ câu nệ vai lớn, vai nhỏ mà đã nhận vai rồi thì chú luôn đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo cho nhân vật của mình cũng như cho bạn diễn. Những ngày tập tuồng, bao giờ chú cũng đến rất sớm. Các xuất diễn cũng thế, chưa bao giờ tôi phải lo chuyện chú đến trễ cả…”. Theo ông: “Cái hài bây giờ và ngày xưa rất khác nhau. Hài ngày xưa ít có kịch bản, chỉ có anh em hội ý với nhau ra diễn nhưng nghiêm túc và sâu sắc lắm, đi sâu vào lòng người. Hai - ba năm sau khán giả nhắc tới vẫn còn cười. Hài bây giờ có kịch bản nhưng nhiều diễn viên trẻ muốn làm nổi nên cương bậy, sa đà, đôi khi khiến khán giả khó chịu. Tôi nghĩ các em phải “chuẩn” lại, phải có cái nhìn về hài một cách toàn diện và “sạch sẽ” hơn…”. Hiện, ông sống rất thanh đạm, an nhàn cùng vợ và hai con trong ngôi nhà yên tĩnh đường Cô Giang, quận Phú Nhuận – TP.HCM. Ngoài việc thỉnh thoảng đóng kịch, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đi diễn phục vụ và tặng quà cho người nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các mái ấm tình thương... Ông muốn đem lại tiếng cười nhằm giúp cuộc sống của những người kém may mắn có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn.
Bài, ảnh: Hiệp Thanh

 

Thanh Hoài bật mí: “Cho đến giờ, tôi vẫn xem anh Ba Vân là người thầy số một của tôi. Tôi may mắn được anh đỡ đầu, có cơ hội đóng chung với anh nhiều bộ phim nên tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Có thể nói, anh là người anh cả, bậc thầy của nghệ thuật sân khấu hài, luôn nghiên cứu tìm ra những lối diễn xuất, lời thoại hay nhất cho bản thân và truyền thụ kiến thức ấy lại cho thế hệ đi sau”.