Thứ năm, 21/8/2014, 22h08

NSƯT Vân Khánh: Yêu mãi dòng nhạc quê hương

NSƯT Vân Khánh trong một chương trình ca nhạc (ảnh nhân vật cung cấp)

NSƯT Vân Khánh là một trong số ca sĩ đã có nhiều cống hiến cho dòng nhạc truyền thống cũng như dòng nhạc mang âm hưởng dân ca quê hương. Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn mối tơ duyên sâu nặng này. 
PV: Chị có thể chia sẻ, đâu là duyên nợ ban đầu để chị đến với những ca khúc trữ tình quê hương của dòng nhạc dân ca?
Khánh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Ba là nhạc công “chuyên trị” dòng nhạc dân tộc, còn mẹ là ca sĩ của đoàn văn công Vĩnh Linh - Bình Trị Thiên. Đó là duyên nợ từ dòng chảy âm nhạc của gia đình. Vì thế, có được thành công như ngày hôm nay, Khánh cảm ơn ba mẹ nhiều lắm. Hơn nữa, từ nhỏ Khánh đã thích hát cải lương và những bài mang âm hưởng dân ca với chất giọng được coi là già dặn, luyến láy ngọt nên được khen rất nhiều khi thể hiện thể loại này.
Thành công với nhiều bài hát trong dòng nhạc đồng quê, chị thấy đâu là vẻ đẹp tiềm ẩn của những tác phẩm âm nhạc quê hương?
Những bài hát mang âm hưởng dân ca làm rung động lòng người bởi giai điệu mượt mà, sâu lắng qua các thang âm ngũ cung đặc trưng của dân tộc, ca từ mộc mạc, đơn giản gần gũi tâm hồn người Việt. Đó là vẻ đẹp mà âm nhạc đem đến cho cuộc sống.
Tên tuổi của chị gắn liền với ca khúc miền Trung như Ca dao em và tôi, Miền Trung trong tôi, Thương về miền Trung, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác… Đâu là động lực để chị gắn bó lâu bền với những tác phẩm vốn rất nổi tiếng này?
Khánh đến được với công chúng đầu tiên là bài hát Huế thương của nhạc sĩ An Thuyên. Đây là bài hát đánh dấu chặng đường ca hát của Khánh từ lúc còn là SV Nhạc viện Huế. Tình cờ trong lần tham gia thi Tiếng hát HS-SV chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội, được thầy cô giao cho ca khúc Huế thương, khuyến khích tập bởi nội dung và giai điệu hoàn toàn phù hợp với giọng hát của Khánh. Kết quả là Khánh đoạt HCV. Cũng với ca khúc này, Khánh một lần nữa xuất hiện trong cầu truyền hình đêm giao thừa 97 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp, Khánh khăn gói vào Nhạc viện TP.HCM học tiếp ĐH thanh nhạc. Giữa thị trường âm nhạc sôi động và đầy màu sắc buộc Khánh phải có sự định hướng rõ ràng cho bước đi của mình. Thấy chất giọng cũng như phong cách của mình hoàn toàn phù hợp với dòng nhạc dân ca, có thể chinh phục được khán giả nên Khánh quyết định theo đuổi dòng nhạc này.
Tâm trạng của chị như thế nào khi thấy giới trẻ đang thờ ơ với dòng nhạc dân ca mà hướng tới các dòng nhạc du nhập từ bên ngoài vào? Điều đó chị có thấy buồn lòng không?
Khánh thấy rằng đó cũng là lẽ tự nhiên bởi đất nước chúng ta đang trong thời kỳ phát triển và hội nhập, các bạn trẻ vốn là lứa tuổi thích sôi động, khám phá, tìm tòi tất nhiên sẽ thích tìm đến với những cái mới… Quan trọng là cách chúng ta dạy dỗ, hướng cho các bạn trẻ thấy được cái hay của âm nhạc dân gian, điều này còn tùy thuộc vào nền giáo dục nước nhà và những người làm công tác quản lý nghệ thuật.
Không chỉ hát hay mà chị còn tham gia các chương trình ngâm thơ, hát ru. Chị có thể cho biết bí quyết?
Lúc còn là HS, với chất giọng mềm mại, trầm buồn nên Khánh được ba tập cho cách ngâm thơ, rồi khi là SV ở Huế Khánh thường biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Biết ngâm thơ hỗ trợ rất nhiều trong cách hát dân ca. 
Theo chị người thầy dạy nhạc khác với người thầy dạy chữ chỗ nào?
Người dạy nhạc thì phải biết nhạc lý, am hiểu về âm nhạc 3 miền nhất là khi dạy về dân ca thì cần có sự hiểu biết nhất định về âm nhạc mỗi vùng miền.
Bài hát Dòng sông ai đã đặt tên (nhạc sĩ Trần Hữu Pháp) qua giọng ca của NSƯT Vân Khánh luôn được giáo viên dạy văn minh họa cho bài giảng văn Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chị có cảm xúc gì về vẻ đẹp của dòng Hương Giang khi đi vào thơ nhạc?
Khánh sinh ra và lớn lên tại vùng đất cố đô, những kỷ niệm tuổi học trò thời SV luôn gắn liền với những nơi có dòng sông Hương chảy qua. Hương Giang không chỉ đẹp bởi vẻ ngoài vốn có của nó, mà còn là hình ảnh thân thương trong lòng mỗi người con khi xa Huế.
Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn đi vào con đường ca hát dòng nhạc quê hương?
Cho dù là dòng nhạc nào điều quan trọng là phải có niềm đam mê. Bản thân Khánh sẽ yêu mãi dòng nhạc quê hương.
Cảm ơn NSƯT Vân Khánh về buổi trò chuyện này.
Quang Phan (thực hiện)