Thứ sáu, 1/8/2014, 09h08

Phim kinh dị - Con dao hai lưỡi

Năm 1926, khi bộ phim kinh dị nổi đình đám đầu tiên “Kẻ ở trọ” (The Lodger) ra đời, cũng là thời điểm Hitchcock - tác giả bộ phim xuất diện và làm mưa làm gió với hơn 50 tác phẩm kinh dị nổi tiếng trong suốt thời gian dài sau đó. Lần lượt từ Anh, thể loại phim chuyên sử dụng các hiện tượng dị thường làm kinh hoàng người xem này đã lan sang nhiều nước khác: Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… và rồi, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, đã gieo mầm trên đất Việt…

Thể loại đặc thù

Phim kinh dị là một thể loại đặc thù chỉ phát triển mạnh trong nghệ thuật điện ảnh. Một thể loại mang những đặc điểm cực đoan không trộn lẫn với bất kỳ thể loại nào khác: ly kỳ, đẫm máu, rùng rợn, bí ẩn, kỳ quái, hoang dã, cô độc, tối tăm, não nùng cực độ… bằng bao thủ đoạn và chiêu trò khác thường: cố ý phóng đại các hiện tượng tang thương, các cảnh nhầy nhụa, nhấn mạnh các cú va chạm thảm khốc, các hình ảnh ma quái, qua thủ pháp cận cảnh hoặc đặc tả; cốt nhấn vào tâm trí người xem nỗi lo sợ hãi hùng, làm cho sởn da gà, cho choáng váng lạnh gáy, nghẹt thở đứng tim… Nó cũng dấy lên nơi người xem bản năng tò mò, gợi tâm lý vượt thác thử thách, bồi đắp ý chí chiến thắng bản thân và trau dồi lòng dũng cảm…

Bộ phim Đoạt hồn khá chỉn chu trong mảng phim kinh dị Việt Nam.

Hình thái khách quan của thể loại phim này luôn lơ lửng giữa tốt và xấu, giữa lợi và hại. Bên cạnh khả năng thỏa mãn nhu cầu khám phá, xông pha trong thế giới hiểm nạn, thể loại này cũng dễ dàng đẩy người xem - nhất là người xem trẻ vào chốn bất an, ức chế tinh thần trong trẻo và tâm tưởng yên bình, có thể dẫn tới đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Điều đó dễ dàng nhận thấy trong hàng loạt phim kinh dị nước ngoài, được phổ cập trên màn ảnh toàn cầu và đạt mức doanh thu khá cao: Quái thú mãng xà, Đầm máu thép, Đường đến địa ngục, Cá ăn thịt người, Juan - sát thủ thây ma, Khu mộ tử thần, Ma nữ tìm chồng, Thảm họa toàn cầu…

Dư âm phim kinh dị của các nước không thể không vang vọng tới Việt Nam. Năm 1971, Võ Doãn Châu thực hiện Lệ đá với vai diễn chính của Thanh Lan, dội lên tiếng chuông khơi mào cho thể loại, lôi cuốn sự ra đời của hàng chục phim kinh dị mang nhãn hiệu Việt từ đó tới nay. Nào là Con ma nhà họ Hứa, Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người, Bóng ma học đường, Hoán đổi thân xác, Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm, Phòng số 6 bí ẩn, Suối oan hồn… và gần đây có Quả tim máu, Đoạt hồn. Loạt phim này, nói chung đều tuân thủ khuôn khổ ngôn ngữ của thể loại: ráng sức tạo khủng hoảng với các sự kiện, hiện tượng dị thường; hù dọa người xem qua hệ thống tình huống.

Tuy nhiên, phần lớn phim kinh dị Việt chưa được tập trung khai thác tới đỉnh điểm sự việc - có thể do điều kiện chưa thuận về trang thiết bị, vốn liếng cũng như trạng thái tiếp nhận của xã hội. Hiện tượng thể hiện rời rạc, tản mạn, dông dài, lắm khi không rõ nghĩa, không làm nổi bật ý tưởng, pha cười vô duyên hoặc ghim sex vào phim tùy tiện, đã khiến phần lớn phim nhạt nhẽo, vô bổ cả về thẩm mỹ, tư duy lẫn cảm xúc. Riêng Đoạt hồn mới xuất xưởng, được tập trung thể hiện khá chỉn chu. Chìm trong màn tối u sầu, ma mị, câu chuyện phim không ngừng dồn đẩy người xem vào lo lắng hãi sợ; song từ tầng sâu của tác phẩm vẫn sáng lên những hiện thực nhân sinh đời thường, có ý nghĩa nhân văn gần gũi, được cấu trúc theo dòng chảy của luật nhân quả, đem lại âm hưởng trầm tư pha lẫn phấn chấn.

Đừng quá sa đà

Phim kinh dị từ lâu đã có chỗ đứng riêng vững chắc trên phim đàn. Mặc dù thể loại này như con dao hai lưỡi, có thể cùng lúc đem lại những kết quả đối nghịch nhau. Nhằm giảm thiểu tối đa tác hại có tính bản chất của thể loại phim này, trên con đường triển khai phim kinh dị, giới làm phim Việt Nam trước hết cần xác định rõ, chính xác phương hướng cũng như thủ pháp thể hiện, từ ý thức trách nhiệm tới giải pháp nghệ thuật.

Không thể có phim kinh dị hữu ích mà không thực hiện chế tác nó một cách nghiêm túc toàn diện bằng ý tưởng - đề tài có sức thuyết phục cao với đích đến cuối cùng là thượng tôn con người và đạo lý làm người. Ở đây, chủ nghĩa nhân văn cần luôn được xem là chất liệu xuyên suốt, có khả năng thẩm thấu vào mọi tế bào của cơ thể tác phẩm. Hãy cố gắng tạo ra dòng phim kinh dị mang đậm sắc thái và giá trị Việt, được rút ra từ nguồn vô tận của kho tàng dân gian với bao câu chuyện kỳ thú về thần phật, quỷ ma… vừa cuốn hút vừa đậm ý nghĩa răn thân.

Đành rằng bản chất của “kinh dị” là siêu thực, là hư tưởng, song, nếu mãi sa đà vô hạn vào cõi hư vô ấy mà không gắn nó với đời sống thực tại, thiếu quan tâm những vấn đề đang được người đời quan tâm, mãi sa lún vào lãnh địa của tội ác và sử dụng hình ảnh sex quá đà thì công sức đào sâu yếu tố kinh dị đơn thuần để câu khách kia, chỉ làm méo mó tâm lý, nhân cách, thẩm mỹ người xem.

Để phim kinh dị Việt tiến triển thuận chiều, ngoài bổn phận của nghệ sĩ sáng tạo, các nhà quản lý chuyên ngành cần nắm biết đặc trưng của thể loại, sâu sát trong định hướng và quản lý, khuyến khích sáng tạo đúng hướng, uốn nắn lệch lạc có hại; tạo điều kiện phát triển dòng phim kinh dị Việt sống động, hấp dẫn, hữu ích.

PGS-TS TRẦN LUÂN KIM

(SGGP)