Thứ năm, 21/8/2014, 09h08

Quầy sách ông Cần

Ông Nguyễn Ngọc Cần bên quầy sách

Người yêu sách có thể đọc miễn phí, mượn sách mà không cần lưu lại tên tuổi là địa chỉ hiếm có ở Sài Gòn.
Dù nằm ở mặt tiền (số 21 Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhưng nếu không để ý sẽ khó thấy vì quầy sách rất nhỏ, lại lẫn khuất sau nhiều biển hiệu. Để có khoảng 1.700 đầu sách như hiện nay, ông chủ cửa hàng Nguyễn Ngọc Cần (62 tuổi) dốc hết toàn bộ tiền lương làm bán thời gian và tiền cho thuê mặt bằng để gầy dựng nên. Ông Cần chia sẻ: “Từ nhỏ tôi mê đọc sách nhưng không có điều kiện để mua, khi rảnh vào nhà sách đọc “cọp”. Nhiều điều thú vị học hỏi từ sách nên tôi muốn mọi người đến với nó”.
Chỉ mới hoạt động một thời gian ngắn nhưng cửa hiệu của ông được đông đảo người yêu sách ở khắp nơi tìm đến. Đọc sách tại chỗ hoặc mượn về nhà mà không tốn bất kỳ khoản phí hay hình thức thế chấp nào, cũng không quy định thời hạn trả. Nhiều người hỏi ông không ngại mất sách? Ông cười hiền, nói: “Sách được chuyền từ tay người này sang tay người khác, không có chuyện mất”. Người yêu sách muốn sở hữu những cuốn sách giá trị, chỉ cần bỏ ra từ 50-70% giá bìa và khi đọc xong có thể mang ra đổi, không phải bù thêm. Người đọc thân thiết đến địa chỉ này đa phần là sinh viên, công chức, xe ôm, tài xế và công nhân. Đáp ứng nhu cầu của mọi giới, ông Cần bỏ thời gian tìm những đầu sách phù hợp để phục vụ. Với sinh viên thì có sách học làm người, văn học trong và ngoài nước, triết học...
Ông Cần cho biết, để duy trì địa chỉ đọc sách miễn phí cũng như bổ sung sách mới, ông tìm đến các nhà sách uy tín, quen biết để chọn mua với giá sỉ rồi bán lại với giá thấp hơn giá bìa 30%. Do bận việc ở Hội Người mù Q.Bình Thạnh và làm bán thời gian cho một công ty dịch vụ ở Q.10 nên ông Cần chỉ mở cửa từ 15 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Không gian khá khiêm tốn, kệ sách đặt ngay cầu thang lên gác nhưng mọi thứ đều gọn gàng, ngăn nắp, cách sắp xếp, bố trí các đầu sách cũng rất khoa học. Tại đây, bạn đọc có thể sở hữu những cuốn sách giá trị với giá rẻ như: Hậu cuốn theo chiều gió; Trăm năm cô đơn; Hoa tulip đen; Thằng Gù nhà thờ Đức Bà; Miếng da lừa, Thép đã tôi thế đấy; Trà Hoa Nữ; Sử ký Tư Mã Thiên; Kinh dịch đạo của người quân tử...
Phía trước cửa hàng, ông đặt chiếc bàn nhỏ, bày sẵn bình trà, cà phê, nước mát và nhiều loại bánh ngọt, hạt... để người đọc vừa nhâm nhi vừa đọc sách. Ông bảo những thứ này là của người đọc mang đến tặng để ông đãi khách. Ông Cần tiếp: “Quạt, đèn, ly, ghế... cũng của người ta mang đến cho, quý lắm”. Hàng tuần, ông còn mua mì gói để phục vụ miễn phí khi người đọc sách lỡ bữa.
Ông Cần có 3 người con đều đã lớn và có công việc làm ổn định. Ông cho rằng mình thuận duyên, dù chỉ làm việc nhỏ nhưng có nơi để huynh đệ hàn huyên, các bạn trẻ thì được chia sẻ nhau những rắc rối trong cuộc sống. Nhưng niềm vui lớn trong ông là được góp một phần công sức để phát triển văn hóa đọc đến mọi người.
Bài, ảnh: Trần An