Thứ năm, 26/3/2015, 23h03

Sách khoa học: “Đãi cát tìm vàng”

Hai cuốn sách Lịch sử tự nhiên và Atlas giải phẫu cơ thể người vừa được giới thiệu trên thị trường sách ở Việt Nam
Nếu như các thể loại sách khác khá phong phú thì mảng sách khoa học dành cho giới trẻ, đặc biệt là thiếu nhi mới chỉ bắt đầu được chú ý. Tuy nhiên, đa phần là sách dịch và lượng sách cũng còn hạn chế.
“Cuộc chiến” không cân sức
Dạo qua một số nhà sách lớn trên địa bàn TP.HCM dễ dàng nhận thấy nguồn sách được bày bán nhiều nhất là sách giáo khoa, sách tham khảo, tiếp đó là truyện tranh, truyện cổ tích, truyện dân gian với bìa sách rất bắt mắt. Đây vẫn là những loại sách bán chạy và dễ tiêu thụ nhất tại nhiều nhà sách hiện nay. Trong khi đó lượng sách khoa học lại rất “khiêm tốn”. Dường như đây là “cuộc chiến” không cân sức giữa sách khoa học và các loại sách khác. Đọc sách khoa học không chỉ giúp trẻ khám phá thế giới mà còn tự khám phá chính bản thân mình với trí tưởng tượng, óc sáng tạo. Có lẽ cũng không cần khẳng định lại tầm quan trọng của sách khoa học trong việc mở rộng kiến thức của các em trong độ tuổi cắp sách đến trường nhưng một thực tế là “tương lai của đất nước” đang thiếu thốn về sách khoa học.
Thầy Trần Ngọc Danh, nguyên Tổ trưởng Tổ sinh học, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Những đầu sách về sinh học cho HS rất hiếm, ít sách dịch có giá trị cao. Nhiều nhà khoa học Việt Nam lại không thích dịch sách khoa học nên lượng sách này ngày càng hạn hẹp. Đa phần những em thi HS giỏi hay có nhu cầu học chuyên về môn sinh thì mới có sự quan tâm, đầu tư nhiều”. Nhiều đơn vị sách như NXB Trẻ, Đông A, Kim Đồng, Long Minh đã có nhiều nỗ lực để giới thiệu mảng sách khoa học nhưng con số cũng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. Đây là hệ quả tất yếu của quy luật cung - cầu khi mà hiện nay, phần đông các bậc phụ huynh dành nhiều sự quan tâm đến sách giáo khoa, sách tham khảo cho con mà không nghĩ rằng, sách khoa học cũng góp phần quan trọng đến sự phát triển nhân cách và trí tuệ của các em.
Tiến sĩ vật lý, chuyên gia giáo dục Giáp Văn Dương, người có nhiều kinh nghiệm về làm sách khoa học cho HS nhận định: “Sách khoa học ở Việt Nam đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Mảng sách khoa học dành cho HS lại ngày càng hiếm đi bởi chưa có những chiến lược lâu dài, chưa nhận được sự đầu tư, quan tâm đúng mức”.
Nhiều HS đã rất hứng thú khi trong những năm gần đây, NXB Kim Đồng cho ra đời một loạt sách như: Du hành thế giới khoa học cùng Pút-đinh, Khoa học thú vị đấy chứ, DOKÉO - Bách khoa thế hệ mới… Sự phát triển tủ sách Bách khoa tri thức của Đông A cũng góp phần không nhỏ vào việc hướng người đọc đến với thể loại sách khoa học. Tủ sách Bách khoa tri thức đã làm nên thương hiệu của Đông A Books với những sản phẩm được nhiều bạn đọc đón nhận như: Bách khoa tri thức bằng hình, Bách khoa động vật, Bách khoa lịch sử thế giới, Bách khoa tri thức phổ thông…
Vừa qua, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A (Đông A Books) đã giới thiệu đến độc giả hai cuốn sách Lịch sử tự nhiên Atlas giải phẫu cơ thể người. Hai cuốn sách này được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao.
Cần nhiều biện pháp song song
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn  Việt  Long - một dịch  giả  uy  tín,  từng  tham gia  dịch  và  hiệu  đính  nhiều  ấn  phẩm  khoa  học như Bách  khoa  động  vật,  Các  siêu  sao  trong  giới động vật… cho biết: “Khâu dịch, tìm người hiệu đính sách khoa học ở nước ta rất khó. Hiện nay, chúng ta đang thiếu đội ngũ dịch giả, thiếu những nhà khoa học Việt Nam chịu bỏ công sức, sự đầu tư để viết sách cho các em. Về phía NXB cũng có ít nhiều hạn chế vì rất hiếm NXB có riêng ban khoa học”.
Nếu chúng ta không làm tốt việc tác động đến thói quen đọc sách khoa học cho giới trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi thì sẽ hạn chế rất nhiều mặt. Thói quen được hình thành trên sở thích. Cha mẹ cần phải là người tạo đam mê, hứng thú cho trẻ tìm đến với thể loại sách khoa học. “Có đôi khi, trong lúc trẻ đọc sách khoa học sẽ có những khoảnh khắc bừng sáng, nhận ra những giá trị của khoa học trong cuộc sống xung quanh các em. Phụ huynh cần hướng cho trẻ đọc sách khoa học, hãy để sách khoa học trong tầm tay của trẻ bất kỳ lúc nào. Việc trang bị kiến thức đúng, đủ và phong phú sẽ đóng vai trò quyết định đến tương lai của các em”, TS. Giáp Văn Dương chia sẻ.
Sách khoa học là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với sự phát triển trí tuệ và nhân cách của các em trong độ tuổi cắp sách đến trường, nhưng câu hỏi đặt ra là, đến bao giờ sách khoa học dành cho các em - “những mầm non tương lai” mới được quan tâm và đầu tư đúng mức. Việc tự chủ về tri thức thông qua việc biên soạn sách khoa học dành cho các em là việc làm cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.
Bài, ảnh: THỤC QUYÊN
 
Làm sách khoa học đã khó, làm sách khoa học cho thiếu nhi lại càng khó hơn bởi ngoài nội dung chất lượng, phù hợp với độ tuổi còn đòi hỏi phải có hình ảnh minh họa sinh động, đẹp mắt, khơi gợi trí sáng tạo của các em.