Thứ sáu, 19/9/2014, 10h09

Sự kết hợp cho tác phẩm thăng hoa

Khi có được sự cộng hưởng sáng tạo của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, tác phẩm trở nên có sức sống hơn bao giờ hết.
Gần sáu năm trước, câu chuyện trong tác phẩm (TP) Người giữ cồn (từng đoạt giải nhất cuộc thi Văn học đồng bằng sông Cửu Long 2005, tác giả Nguyễn Thế Hùng) đã được chuyển thể thành phim truyện video 90 phút mang tên Ngọn đèn bốn mặt (ĐD Lê Hữu Lương). Cũng cùng TP đầy sức lay động này, GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã viết thành nhạc kịch cùng tên, được công diễn lần đầu vào năm 2010. Vở nhạc kịch Người giữ cồn cũng vừa được trình diễn trở lại nhân kỷ niệm 20 năm ngày công diễn đầu tiên của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Một câu chuyện cũ nhưng vẫn đầy những rung cảm, ấn tượng.
Nhạc kịch Người giữ cồn nhiều cảm xúc trên sân khấu Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch đã lan tỏa giá trị, cộng hưởng cho tác phẩm văn học
Truyện ngắn Người giữ cồn là câu chuyện xúc động về ông già lặng lẽ giữ cồn, soi đèn cho tàu bè suốt mấy mươi năm bên dòng sông Hậu. Nơi này bao đồng đội ông đã hy sinh trong lửa đạn chiến tranh, người con gái ông yêu cũng mãi mãi nằm lại. Bộ phim Ngọn đèn bốn mặt (vai chính do nghệ sĩ lão thành Hữu Thành đảm nhận) khi được phát sóng vào năm 2007 đã nhận được đánh giá cao của giới làm phim. Đây cũng là TP đánh dấu tên tuổi của ĐD Lê Hữu Lương. Suốt gần ba tháng ròng rã, ông lăn lộn ở những bối cảnh miền Tây, chăm chút từng khung hình, lời thoại.
Phim ảnh được chuyển thể từ TP văn học vốn quá quen thuộc, đã có rất nhiều bộ phim được chuyển thể thành công: Mê Thảo - Thời vang bóng, Đời cát, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Đừng đốt, Long thành cầm giả ca, Bức huyết thư… Thế nhưng thật khó tưởng tượng được là một truyện ngắn lại có thể được chắp cánh cùng âm nhạc. GS-nhạc sĩ Ca Lê Thuần cho biết, Người giữ cồn là TP nhạc kịch đầu tiên được sáng tác theo thể loại opera. Đây cũng là TP opera đầu tiên được công diễn sau 40 năm thống nhất đất nước.
Trong đêm tái diễn, vở nhạc kịch đã khiến cả khán phòng gần như lặng đi. Những nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM khi hóa thân thành tranh vẽ làm nên nét đẹp của đất và người sông Hậu, lúc lại trở thành những chiến sĩ can trường. Giai điệu lúc hào hùng, hừng hực khí thế tranh đấu; khi lại đau đớn, tang thương. Một câu chuyện từ chiến tranh đến hòa bình được dẫn dắt bằng âm nhạc, vừa vặn cho những tưởng nhớ bi hùng mà cũng đủ đầy cho một khúc hoan ca. Sẽ chẳng dễ có được nhiều cuộc biểu diễn quy mô, rộng rãi hơn cho Người giữ cồn (vở được công diễn cách đây bốn năm tại Nhà hát Tây Đô, nhân dịp khánh thành cầu Cần Thơ và kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, đến giờ mới được tái diễn tại Nhà hát TP.HCM).
Khi có được sự cộng hưởng sáng tạo của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, TP trở nên có sức sống và lan tỏa giá trị hơn bao giờ hết. Giai đoạn Cánh đồng bất tận được chuyển thể thành kịch, rồi phim điện ảnh, TP văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được độc giả “săn đón” đến mức NXB Trẻ phải nhanh chóng cho tái bản.
Cánh đồng bất tận ban đầu vốn chỉ được giới văn nghệ quan tâm, bình luận sâu vì hiện thực khốc liệt của TP. Sau đó câu chuyện có bối cảnh miền Tây Nam bộ này “nóng” lên bằng cuộc tranh luận ngoài văn chương. Chỉ đến khi TP trở thành vở diễn sân khấu khắc dấu sâu đậm trong lòng khán giả và bộ phim nhận hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước, thành công cả về thương mại lẫn nghệ thuật, Cánh đồng bất tận mới thật sự trở thành một TP giá trị đỉnh cao.
Rất hiếm hoi có được những cuộc kết hợp thăng hoa cho TP từ nhiều lĩnh vực. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nói, truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng nếu vẫn chỉ nằm trên trang sách có lẽ không thể có sức lan tỏa lớn đến vậy. Khi được dàn dựng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh (vở Hãy khóc đi em) và được ĐD - NSƯT Vinh Sơn làm phim, câu chuyện tận tụy hy sinh của người phụ nữ Huế bàng bạc buồn trong trang viết này đã sống ở những cung bậc rất khác của nghệ thuật. Công diễn lần đầu tiên vào năm 2004, suốt 10 năm qua, vở Hãy khóc đi em chưa bao giờ mất đi giá trị.
Theo PNO