Thứ năm, 24/4/2014, 10h04

Video cải lương hồi sinh

Các ngôi sao của sân khấu cải lương trong và ngoài nước quay lại với thị trường video bằng ý thức làm nghề nghiêm túc

Thời gian gần đây, nghệ sĩ sân khấu bỗng đắt sô quay video cải lương với những vở diễn được dàn dựng theo hình thức mới. Hai nguồn diễn viên trong và ngoài nước đã tụ họp lại để thực hiện các đơn đặt hàng sản xuất DVD cung cấp cho thị trường ngoài nước và đáp ứng nhu cầu phát sóng của một số đài truyền hình các địa phương.
Tìm và giữ
Mạnh Quỳnh và Hương Thủy là 2 nghệ sĩ hải ngoại khởi đầu cho việc về Việt Nam thực hiện hàng loạt vở cải lương video với phương thức sản xuất, dàn dựng mới. Vở Bến xưa của tác giả Hoàng Song Việt được dàn dựng tại phim trường có bối cảnh cổ xưa ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đạo diễn Phượng Hoàng - “vua” đạo diễn video cải lương một thời - cho biết: “Ngày nay, khán giả kiều bào rất ưa chuộng cách dàn dựng mới, câu chuyện được ghi hình chi tiết như một tác phẩm điện ảnh, phần ngoại cảnh có những không gian xưa lồng trong câu chuyện là những địa danh, văn hóa, ẩm thực, đặc sản vùng miền… mà cải lương video lâu nay đã bỏ qua hoặc không chú trọng”.
NSND Ngọc Giàu trong vở video cải lương Mẹ vẫn đợi con về, được quay tại rạp Thủ Đô ngày 16-4
Vì thế, Bến xưa được quay 4 ngày 5 đêm với những bối cảnh và không gian vở diễn hết sức hữu tình, vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật của câu chuyện vừa tạo hiệu ứng về không gian nghệ thuật cùng với lời thoại diễn xuất chân thật được thu tiếng trực tiếp tại trường quay.
Nghệ sĩ Linh Tâm vừa về nước đã được Công ty POPS Worldwide mời quay hình vở Nhụy Kiều tướng quân (tác giả: Hoàng Anh Chi), một tác phẩm sân khấu lừng danh đã mang về doanh thu cao cho Đoàn Cải lương Văn công Đồng Tháp năm 1988 với hơn 1.000 suất diễn.
Nghệ sĩ Mai Thế Hiệp đã cùng nghệ sĩ Tú Sương tái dựng chương trình video cải lương gồm những trích đoạn vang bóng một thời, như: Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Điêu Thuyền bái nguyệt, Giang sơn mỹ nhân, Phụng Nghi Đình Mặt trời đêm thế kỷ; nghệ sĩ Kiều Phượng Loan phối hợp với một số bạn diễn: Phương Quang, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Ngân Tuấn, Cẩm Thu… thực hiện chương trình Hội ngộ tài danh, quay hàng loạt vở cải lương xưa như: San Hậu, Gánh cỏ sông Hàn, Tiếng súng một giờ khuya, Hương cau quê ngoại… Nghệ sĩ Kiều Mai Lý và các danh hài có xuất thân từ sàn diễn cải lương đã cùng tái dựng các vở cải lương hài vang bóng: Huyện đề nuôi chuột, Số đỏ, Sợ vợ mới anh hùng…
Việc dàn dựng video cải lương hiện nay không còn chạy theo lợi nhuận mà đã bắt đầu hướng các nghệ sĩ vào công việc sưu tầm, gìn giữ, góp phần lưu lại những giá trị của nghệ thuật cải lương.
Qua rồi thời chụp giật
Tác giả Vân Tiên, người điều hành CLB yêu thích thần tượng Vũ Linh tại Mỹ, mỗi năm tự bỏ tiền túi về nước dàn dựng các tác phẩm do chị sáng tác và NSƯT Vũ Linh đóng vai chính, đã liên tục quay hàng loạt vở diễn mới: Nước mắt giai nhân, Lưỡng quốc thâm tình, Triệu Phi loạn Yên bang, Tây thiên vũ khúc, Châu Du đại soái, Ngũ Tử Tư phạt Sở, Cửu tuyền lai sinh và gần đây là vở Tần Chiêu Đế đại chiến Ngũ Hồ được đầu tư lên đến 1,5 tỉ đồng.
Từ khi chính thức rời Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, soạn giả Hoàng Song Việt đã thành lập công ty riêng xúc tiến việc dàn dựng video cải lương theo đơn đặt hàng để cùng làm ra những tác phẩm video cải lương giá trị.
Giai đoạn cải lương video dàn dựng 2 ngày/ấn phẩm đã qua. NSƯT Thoại Miêu cho biết: “Thời đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tham gia sản xuất theo đơn đặt hàng của một số trung tâm băng đĩa tại Mỹ, Úc nhưng chỉ làm khoảng 20 bộ video là từ chối tham gia vì thấy cảnh làm ăn chụp giật, đẩy giá thành xuống thấp, tốc độ quay nhanh đến chóng mặt, có khi 2 ngày xong một vở nên chất lượng không ra gì. Hầu như nghệ sĩ thu tiếng trước rồi ra trường quay, nhép miệng ghi hình. Vì không có thời gian học tuồng nên lời ca một đằng khẩu hình một nẻo, chính vì thế mà video cải lương tự giết mình”.
Thời cải lương video phát triển cực thịnh, NSND Lệ Thủy và NSƯT Vũ Linh là 2 nghệ sĩ đạt kỷ lục với hơn 600 đầu phim trong vòng 5 năm. “Mỗi ngày có khi chạy sô đến 3 phim trường, sáng đóng vai bà mẹ, chiều đóng vai tiểu thư, tối đóng vai công chúa” - NSND Lệ Thủy kể.
Nhưng rồi bà cũng là người đứng ngoài cuộc chơi khi một số ngôi sao trẻ bắt đầu phá giá, tạo ra sức cạnh tranh. “Nhiều người nhận thầu chương trình quay, giá thành rất thấp để bản thân được đóng chính hoặc các bầu sô video chia bè phái, không đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu mà đưa những diễn viên “gà nhà” vào đóng tuyến nhân vật chính. Vì vậy, thị trường video tụt dốc, bão hòa và đóng băng khi chất lượng quá kém” - NSND Lệ Thủy nhắc lại một trong những nguyên nhân khiến video cải lương mất giá vào đầu năm 1999.
Chưa biết sự hồi sinh này có như lửa rơm bùng lên dữ dội rồi nhanh chóng tàn lụi không nhưng nhiều công ty và các hãng băng đĩa đã bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất video cải lương, mang lại tín hiệu đáng mừng cho nghệ sĩ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này.
Xu thế
Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, phân tích: “Xu thế phát triển của thời đại là phương tiện nghe nhìn. Xem cải lương qua màn hình là một nhu cầu của đại bộ phận công chúng không có điều kiện đến nhà hát. Trong trường hợp này, video cải lương là phương tiện chuyển tải vở diễn đến được với đông đảo công chúng, nhất là công chúng vùng sâu, vùng xa. Chỉ có điều thị trường này một thời gian ngắn tồn tại rồi mất dần, lỗi trước hết chính là thiếu chiến lược phát triển của các hãng sản xuất. Ngày nay, khi video cải lương được tái sản xuất, việc cần bình ổn chính là ý thức của nghệ sĩ và sự đầu tư đúng tầm của các đơn vị đang muốn khai thác tiềm năng này”.
 
Theo NLĐ