Thứ ba, 15/4/2014, 21h04

Vọng cổ là hơi thở của anh

Anh Công đang hướng dẫn học sinh CLB Nhạc dân tộc của Trường Tiểu học Trung Lập Hạ

Anh là Phạm Minh Công, 50 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo của ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM). Từ nhỏ, anh đã quen công việc cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, thuộc vài câu hò, điệu lý, đặc biệt là thích nghe và hát vọng cổ. Thời cấp 2 anh đã là một “cây văn nghệ” của trường, của lớp, anh hát vọng cổ rất ngọt và mọi người nói anh hát giống giọng của nghệ sĩ Thanh Tuấn. Rồi không biết từ lúc nào, vọng cổ đã “thấm” vào máu, gắn liền với cuộc sống của anh. Để thỏa mãn niềm đam mê, anh cùng với các bạn có chung sở thích hát vọng cổ đêm đêm tụ họp về nhà anh người đàn, kẻ hát. Dần dần, thanh niên trong xóm ấp thích đờn ca tài tử ngày một đông, ai cũng tự nguyện tham gia vào nhóm văn nghệ “cây nhà lá vườn” của anh. Vì thế, CLB Đờn ca tài tử của ấp ra đời từ năm 2012 gồm hơn 40 người do anh phụ trách sinh hoạt có bài bản đàng hoàng. Từ khi CLB ra đời, cái được nhất là thanh niên trong xóm ấp lúc nông nhàn không còn có cảnh tụm năm, tụm ba nhậu nhẹt, bài bạc mà để thời gian sinh hoạt CLB, vì thế anh càng “mê” hoạt động một cách tích cực hăng say. Anh cũng đã từng tham gia giải “Bông lúa vàng” và nhiều lần dự thi “Giọng hát hay hàng tuần” do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức. Từ khi các chương trình trên phát sóng, anh được biết đến nhiều hơn, CLB Đờn ca tài tử của anh vinh hạnh đại diện cho xã Trung Lập Thượng tham gia nhiều cuộc thi và đạt nhiều giải thưởng do Phòng Văn hóa huyện Củ Chi tổ chức hàng năm. Đầu tháng 12-1013, khi Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy trong môn âm nhạc có nhã ý mời anh phụ trách giảng dạy cho học sinh thuộc CLB Nhạc dân tộc của trường, anh nhận lời ngay. Anh cho biết: “Vọng cổ với tôi xem như là hơi thở, thiếu nó tôi không thể sống vui được, giờ có dịp dạy vọng cổ cho các em học sinh đó cũng là niềm vui và đúng ý nguyện của tôi, vì theo tôi, đó là cách ít nhiều giúp các em biết yêu quý nhạc dân tộc, nhất là biết bài vọng cổ là đặc trưng riêng của người dân miền quê Nam bộ, khi lớn lên các em có thể phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa này”.
Cứ đến chiều thứ năm hàng tuần, vai quàng cổ cây guitar phím lõm, anh Công bước vào phòng dạy âm nhạc của Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, ổn định trật tự lớp xong anh cầm đàn lên dạo vài câu là các em đã cất tiếng hát khi bài dân ca, khi điệu lý, hay anh giúp em học sinh nào đó kỹ thuật lấy hơi để hát câu vọng cổ cho mượt mà. Nhìn anh say sưa luyện tập cho các em học sinh, chúng tôi mới thấm thía câu nói của anh, anh đúng là người say mê vọng cổ.
TRẦN VĂN TÁM
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)