Thứ tư, 3/10/2012, 15h10

Tìm lại dấu xưa: Kỳ 5: “Thân thế” chiếc xích lô

Đoàn làm phim của Pháp đang thực hiện một cảnh quay phim tài liệu về chiếc xích lô trước cửa Nam chợ Bến Thành

Ai cũng biết xích lô là phương tiện giao thông có mặt ở các thành phố lớn của Việt Nam từ thời xa xưa. Nhưng người sáng chế ra nó cũng như loại phương tiện này xuất hiện khi nào thì không phải ai cũng biết.
“Thân thế”
Để rõ về lịch sử của xích lô, chúng tôi tìm gặp cụ Phan Tấn Giang, 84 tuổi, ngụ P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM. Cụ Giang sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 đời đạp xích lô. “Ông nội tôi hành nghề xích lô từ những năm đầu xích lô xuất hiện tại Sài Gòn. Ông tôi kể lại, khi chở khách người Pháp, nhiều người hỏi: “Ông có biết ai đã sáng chế ra xích lô?”, ông nội trả lời không biết thì họ giải thích với vẻ đầy tự hào: “Người Pháp đấy”. Lúc đó không đủ tiền mua xe, ông phải thuê lại của một người khác, ngày nào thanh toán ngày đó. Đến đời cha tôi mới sắm được một chiếc nhưng cũng chỉ là xe cũ. Chiếc xe ấy, cha tôi đã tặng cho một vị khách đặc biệt đến từ Na Uy. Ông khách này đi xe của cha tôi suốt 3 năm trời. Khi cha tôi lâm bệnh, ông khách ấy có dịp trở lại Việt Nam và đến thăm. Cảm mến tấm lòng chân thật của khách, cha đã tặng cho ông ấy làm kỷ niệm”.
“Thân thế” của chiếc xích lô cũng khá rõ ràng trong Truyện xích lô của tác giả Nguyễn Lưu - NXB Thanh niên ấn hành năm 2003. Trang 328 cuốn sách này có viết: “Xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao phát minh ra. Phải vất vả lắm ông mới thuyết phục Bộ Công chánh Pháp công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves. Nhưng nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) - thuộc địa của Pháp lúc đó. Từ Phnom Penh, ông Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình đến Sài Gòn bằng cách thuê hai người đạp xe xích lô này. Hai người thay phiên nhau đạp liên tục gần 200km chỉ mất 17 giờ 23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939 Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô nhưng một năm sau, con số này đã tăng lên 200. Tháng 2-1941, tay anh chị khét tiếng Bảy Viễn cùng một người Pháp tên là Maurire lập Công ty Mauvien (ghép tên của hai người). Công ty này có 30 chiếc độc quyền khu vực Chợ Lớn…”.
Chiếc xích lô đã gắn liền với bao mảnh đời khốn khó, để lại ký ức đẹp khó phai mờ trong lòng những người lấy nó làm phương tiện mưu sinh cũng như người sử dụng phương tiện này để đi lại suốt quãng thời gian dài. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng viết: “Chiếc xích lô gắn liền với những thăng trầm lịch sử, với con người Việt Nam”. Ông Nguyễn An Định, con trai của nhà yêu nước, luật sư Nguyễn An Ninh nhớ lại, thời ấy, những gia đình khá giả đều có xe thổ mộ. Tuy nhiên, xích lô vẫn là phương tiện công cộng chủ yếu. Hễ bước ra đường là có xích lô, cũng giống như xe ôm bây giờ.
Những tranh cãi
Với những tài liệu là vậy, nhưng nguồn gốc của chiếc xích lô hiện vẫn còn gây tranh cãi. Đến nay, người Nhật lẫn người Mỹ đều đưa ra bằng chứng khẳng định người của họ đã phát minh ra chiếc xích lô đầu tiên vào năm 1868. Nhiều tài liệu lưu lại trên thế giới cho rằng xích lô xuất hiện trong một bức tranh mang tên Les deux carrosses của Claude Gillot. Giai thoại khác cũng cho biết chiếc xe xích lô đầu tiên được chế vào năm 1869 bởi nhà truyền giáo người Mỹ Jonathan Scobie. Mục đích ông chế chiếc xe này là để đẩy người vợ bị bệnh dạo phố trong thời gian sống ở Nhật.
Nguồn gốc chiếc xích lô trên thế giới chưa rõ ràng nhưng tại Nhật, giới sử học đặc biệt quan tâm đến đề tài này bởi nhiều tài liệu đáng tin cậy chứng minh 3 người Nhật có tên là Izumi Yosuke, Suzuki Tokujiro và Takayama Kosuke đã sáng chế ra nó vào năm 1868. Anh Võ Quốc Hải, nghiên cứu sinh tại ĐH Tokyo cho biết ở các bảo tàng, thư viện lớn của Nhật đều có những chứng cứ rõ ràng về lịch sử chiếc xích lô. Người Nhật khẳng định, những năm 1800, phương tiện chuyên chở hàng hóa trên đường phố ngắn của Nhật hầu hết bằng ngựa. Phát minh chiếc xích lô có thể nói là một bước chuyển mình đột phá trong việc phát triển phương tiện vận tải hàng hóa của Nhật lúc bấy giờ. Nhưng mãi đến năm 1870, chính quyền Tokyo mới cấp phép cho những người nói trên được sản xuất và bán xe. Đến năm 1872, Tokyo có khoảng 40 chiếc xích lô hoạt động.
Xích lô là phương tiện chủ yếu một thời của các nước châu Á và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, thịnh hành và tồn tại lâu nhất có thể nói đến tại Việt Nam. Ở Việt Nam, cấu tạo chiếc xích lô có khác so với một vài nước, đó là hành khách ngồi phía trước. Riêng ở Malaysia, người đạp và khách ngồi hai phía song song nhau. Đến nay tại Việt Nam, phương tiện giao thông phát triển với nhiều loại hình vận tải phục vụ cho đời sống công nghiệp hối hả. Xích lô cũng vì thế mà không còn thịnh hành, người bỏ nghề, số ít vào nghiệp đoàn chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài có nhu cầu thưởng ngoạn Sài Gòn. Thế nhưng trong ký ức của người Sài Gòn xưa, hình ảnh chiếc xích lô vẫn không phai mờ.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Trong điện ảnh, hình ảnh người hành nghề xích lô trong phim Cyclo (tiếng Pháp) cũng đã được đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng thực hiện và phát hành năm 1995. Và trong âm nhạc, bài hát Xích lô của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng đã  có “thứ hạng” trong lòng người yêu nhạc. Đây được coi là những giá trị mang đậm dấu ấn thời gian về một nghề xưa qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử.
 
Kỳ 6: Ẩm thực cà phê Sài Gòn ngày ấy…
Ẩm thực cà phê Sài Gòn xưa có cà phê hủ tiếu, cà phê bánh bao xíu mại, cà phê… vớ. Chúng tôi đã cùng các bậc cao niên quay ngược thời gian tìm chút dư âm của hương vị cà phê xưa…