Chủ nhật, 24/10/2010, 13h10

Bức bối chuyện “lót tay” cho bác sỹ, y tá

Hầu hết bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đi viện đều khẳng định họ đều phải chi một khoản “lót tay” cho bác sỹ, y tá. Nhưng ngày nay, dưới áp lực của dư luận và của cơ quan quản lý, “lót tay” không hề mất đi mà chỉ chuyển từ kiểu này sang kiểu khác.

 
Không lót tay là làm đau
 
Trước đây, trước mỗi ca mổ bệnh nhân thường tìm gặp bác sỹ trưởng kíp mổ để “lót tay” trước với hi vọng bác sỹ và ê kíp sẽ hết lòng với mình. Thế nhưng theo nhiều người (trong đó có cả những người làm quản lý bệnh viện) thì cách này đã “lỗi thời”.

Hầu hết bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đi viện đều khẳng định họ đều phải chi một khoản “lót tay” cho bác sỹ, y tá
 Nguyên nhân là vì nếu đưa tiền trước khi mổ thì sẽ vô hình gây nên áp lực cho người cầm dao kéo. Trong trường hợp ca mổ chẳng may có sự cố không lường trước được và gây ra hậu quả thì câu chuyện sẽ còn phức tạp hơn nhiều.
Vì thế, khi đưa con dâu đi mổ đẻ, bà Đỗ Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) đã dúi vào túi bác sỹ phong bì 1,5 triệu nhưng bác sỹ từ chối và kèm theo “lời chỉ dẫn”: Nếu được mẹ tròn con vuông thì bác cho bao nhiêu tôi cũng nhận!
Thậm chí, chuyện lót tay phổ biễn đến nỗi có những người đi viện về kể rằng: Nếu mình không hiểu “luật” hoặc “tỏ ra” không hiểu thì mổ xong sẽ có người chủ động “đòi” thêm 1,5-2 triệu đồng để “bồi dưỡng” cho ca mổ (mặc dù đã đóng đầy đủ viện phí). Lúc đó, không nhẽ đứng đôi co?
Chuyện phổ biến nhất mà các sản phụ hay kể cho nhau nghe như cơm bữa là: Sau khi sinh, nếu không đưa ít nhất 20 ngàn đồng cho một lần vệ sinh thì chắc chắn bàn tay cô y tá không còn “mềm mại”! Chưa hết, mỗi lần tắm cho bé gia đình trẻ sơ sinh bao giờ cũng “tự nguyện” cảm ơn y tá, hộ lý ít nhất 20.000 đồng, nếu không đưa, gia đình không yên tâm!
Theo khảo sát của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thực hiện năm 2009 thì ngoài chi phí thuốc men, khám và xét nghiệm chiếm 53% thì chi phí quà biếu, “lót tay” của người bệnh cho nhân viên y tế dưới mọi hình thức chiếm 9% tổng chi phí của một đợt khám.
 
Tự nguyện “lót tay”, nhưng đưa không khéo là ăn mắng!
 
Anh Nguyễn Văn Thắng, có con trai 7 tuổi bị bệnh viêm nội nhãn. Trong suốt quá trình đưa con đi khám chữa bệnh từ các bệnh viện của tỉnh Yên Bái xuống bệnh viện dưới Hà Nội, anh Thắng cho biết tiền “rải” trong bệnh viện của anh được dành một phần không nhỏ cho việc “lót tay” cán bộ y tế ở mọi khâu.
“Tiền khám chữa bệnh, chi phí thuốc thang không nhiều vì cháu đã có thẻ bảo hiểm. Nhưng tiền “biếu”, “cảm ơn” bác sỹ thì tốn ngang tiền ăn uống của cả 2 bố con”, anh Thắng hài hước so sánh.
Anh kể: Lần đầu khám, anh đưa cho bác sỹ 100 ngàn. Bác sỹ cầm. Lần sau khám lại, anh cũng đưa ngần đó. Bác sỹ không từ chối. Nhất là ở thời điểm trước khi mổ thì tiền “đệm” cho bác sỹ anh đưa 500 ngàn.
“Đây là bệnh xã hội rồi, thành quy luật rồi, ở đâu cũng vậy. Mình không theo cái này thì mình thiệt cái khác”, anh Thắng nói.

Bệnh nhân mong muốn nhận được từ bác sỹ, y tá thái độ hòa nhã và thiện cảm hơn, tỏ ra quan tâm và chia sẻ với bệnh nhân nhiều hơn.
Anh Thắng vui vì con được chữa khỏi bệnh, đưa tiền bác sỹ không từ chối. Nhưng chị Duyên (quê Hải Dương) thì không “gặp may” khi bác sỹ nhất quyết không cầm tiền và mắng chị giữa đám đông.
Tuy vậy, chị rất “ngạc nhiên” vì người vào sau chị vài lượt lại đưa “trót lọt” được cho bác sỹ khám. Hỏi “bí quyết”, chị Duyên mới “ngã ngửa” vì mình vụng về quá!
Chị Duyên cho biết: Kể từ khi có con, đây là lần đầu chị đến bệnh viện. Cứ tưởng ai vào viện cũng đều làm như mình nên chị cứ “thật thà” đưa cho bác sỹ. Nào ngờ bác sỹ rút trả phong bì và mắng chị sa sả giữa phòng khám đông người.
“Vị bác sỹ đó cứ chỉ thẳng vào mặt tôi và nói: “Đây là tiền hối lộ. Chị là người hối lộ” khiến tôi sững sờ, bối rối và xấu hổ, không biết phải làm sao. Có lẽ vì thế mà sau đó vị bác sỹ đó vẫn khám cho con tôi nhưng lại nói phải sau Tết mới mổ, gần Tết rồi không mổ được làm tôi lo quá”, chị Duyên kể lại.
Nhờ “bài học” này chị Duyên đã đúc rút được kinh nghiệm không phải ai cũng biết: Tự nguyện đưa tiền nhưng nếu đưa không khéo sẽ ăn mắng như thường!
Trên chương trình Đối thoại trẻ phát sóng tháng 2/2009 trên kênh VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam, có 54,55% những người được hỏi cho biết họ cảm thấy e ngại về thái độ ứng xử của nhân viên y tế khi họ đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công ở Việt Nam.
Khảo sát tại BV Nhi TW năm 2009 cũng cho thấy: Hỏi 50 người thì có 46 người cho biết họ mong muốn nhận được từ bác sỹ, y tá thái độ hòa nhã và thiện cảm hơn, tỏ ra quan tâm và chia sẻ với bệnh nhân nhiều hơn.
 
Theo Vietnamnet