Thứ sáu, 29/8/2014, 16h08

Chợ đêm ngoại ô...

Tại chợ đêm nông sản Hóc Môn. Ảnh: I.T
Từ những đôi quang gánh dưa, cà, bầu, bí; hay từ những rổ tôm, cua, cá, ghẹ… trải qua hơn 20 năm những nông dân miệt vườn TP.HCM đã dựng nên một phiên chợ khá sầm uất. Cho đến nay, những phiên chợ này càng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bởi nó đã trở thành chiếc cầu giao thương chở bao gánh nặng cho người nông dân một nắng hai sương…
Hồn chợ quê giữa lòng phố 
Ông Ba Tầng, năm nay đã gần cái tuổi 80, ngồi trên chiếc xe ngựa chờ sắp trẻ đi bỏ hàng cho các tiểu thương. Phì phà điếu thuốc trên tay, ông khẳng định chắc nịch: “Dân miệt Đông Thạnh không có chợ này thì có nước bỏ nghề trồng hàng bông truyền thống từ hàng chục năm nay rồi, vì không biết bán ở đâu cho ưng ý như ở chợ đêm Hóc Môn này”. Ý ông muốn khoe cái diện mạo của chợ đêm Hóc Môn ngày nay. Hơn 10 năm trước, phiên chợ đêm ở đây chỉ thu mua các mặt hàng bầu, bí, dưa cà, và các loại rau, củ đến từ các xã chuyên trồng rau ở 3 huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Vì thế chợ chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 3 giờ khuya đến 5 giờ sáng mỗi ngày. Sau khi thu gom tất cả những mặt hàng nông sản, các mối lái phân phối đến khắp các chợ lớn, nhỏ trong nội thành TP.HCM. Kể từ khi nhu cầu buôn bán, giao thương ngày càng rộng, trong một vài năm gần đây chợ hoạt động sớm hơn và bắt đầu từ lúc 22 giờ hàng đêm. Việc thu mua hàng nông sản này cũng không còn bó hẹp trong “nội vùng”, phiên chợ mở rộng thu gom hàng hóa từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, Đà Lạt đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Anh Nguyễn Hữu Trường Sơn, một tiểu thương đường dài từ Đức Trọng, Lâm Đồng buôn bán tại phiên chợ bộc bạch: “Trước đây, hàng đêm đi 7 tấn hàng rau, củ, quả đến bỏ các vựa ở 2 chợ đầu mối, giờ đi thêm từ 4-5 tấn để bỏ chợ này. Điều mà cánh tiểu thương đường dài chúng tôi hiếm thấy một nơi nào vẫn còn hiển hiện nét độc đáo về “văn hóa” buôn bán. Một phiên chợ ở thành phố náo nhiệt, sôi động như vậy mà tình hình an ninh trật tự ở đây rất ổn định, đường sá rộng rãi dễ dàng lưu thông, giới bốc xếp lên xuống hàng cũng không “thất thoát” như những chợ nơi khác…”.
Dưới ánh đèn đường, lớp người, lớp xe đậu tấp nập nối dài nhau len lỏi khắp các con phố của thị trấn Hóc Môn. Một người đàn ông trung niên cao to, mặc bộ đồ bà ba đen, người ta quen gọi là chú Bảy Tôn, ở ấp 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, đang hối hả đổ hàng xuống từ chiếc xe lôi. Quệt vội giọt mồ hôi lăn trên trán, Bảy Tôn hồ hởi khoe: “Hơn chục năm nay, chợ ra đời đã giúp cánh nông dân tụi tui có nơi tiêu thụ hàng nông sản ổn định. Dù thị trường có biến đổi nhưng thương lái vẫn thu mua tất tần tật. Trong một vài năm gần đây, do buôn bán rộng mang tầm khu vực, các tiểu thương thường lấy số lượng làm lời nên nông dân cũng không còn sợ tình trạng ép giá do độc quyền như trước đây”.
Chợ khuya bên sông

Đang làm cua ở chợ đêm bên sông Nhà Bè. Ảnh: T.Tri

Đường phố đã chìm trong giấc ngủ say. Thế là chợ mua bán hàng thủy, hải sản tươi sống bên sông Nhà Bè tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM bắt đầu mở phiên họp.
Cũng giống như chợ đêm ở Hóc Môn, ban đầu chợ ở đây chỉ là nơi thu mua nhỏ, lẻ của những người đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản với qui mô nhỏ, kiểu hộ gia đình của 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Từ những ngày còn sơ khai là rổ cua, rổ còng, mớ tép, mớ tôm… Cứ thế, mỗi ngày chợ phiên nơi đây một lớn hơn. Chính sự hoạt động thường xuyên và ngày càng đi vào ổn định, kẻ bán người mua gặp nhau, từ đây phiên chợ đã hoạt động mở ra với tầm rộng hơn. Do vẫn còn mang nặng tính chất của một phiên chợ miền quê là cả người mua lẫn người bán đều rất chất phác, không gạ gẫm ép giá, thuận mua vừa bán... Có thể nói nét độc đáo văn hóa hồn “chợ quê” rất hiếm thấy hiện vẫn còn sót lại ở một phiên chợ ngoại thành này. Tiếng lành đồn xa, ngư dân từ các huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai cũng tìm đến thu mua, buôn bán với các tiểu thương ở đây. Từ đó các mặt hàng bày bán ở chợ cũng được phong phú thêm ra, trước đây chỉ có tôm, cua, cá, ghẹ, nghêu, nay thì đầy đủ các loại sò, ốc, hến, cúm, vòm… cũng được tập trung về chợ thủy, hải sản này.
Điều đáng nói là trong quãng thời gian gần đây, do phong trào nuôi trồng thủy, hải sản phát triển mạnh ở 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè, càng làm cho phiên chợ đêm thủy, hải sản Bình Khánh tăng thêm vai trò quan trọng trong việc giao thương. Từ thu mua nhỏ lẻ vài ký tôm, cua, cá, ghẹ do dân chài đánh bắt, cho đến việc mua sỉ hàng tấn tôm khi người nuôi thu hoạch vuông tôm. Chị Nguyễn Thu Hiền - một tiểu thương có thâm niên buôn bán bằng với “tuổi” ra đời của chợ - cởi mở cho biết: “Do tính chất các mặt hàng thủy hải sản là cần phải tươi sống nên chợ chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ lúc 1-4 giờ sáng. Ban đầu chúng tôi còn khó khăn trong việc tìm mối lái tại các chợ lớn nhỏ của thành phố, còn lúc này thì đã ổn định. Thậm chí các tiểu thương từ chợ Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tìm đến đặt mua các mặt hàng đặc sản. Vì thế các tiểu thương của chợ sẵn sàng thu mua bất cứ mặt hàng thủy hải sản nào với qui mô lớn”…
Ngồi trên chiếc cầu nối ra bến phà Bình Khánh, trong màn đêm tĩnh mịch, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những ngư dân hối hả cho những chuyến thuyền đầy cá tôm cặp bến. Và trong số họ ai cũng tràn đầy niềm tin vào phiên chợ “hàng cá, hàng tôm” chính hiệu nhưng rất hiền hòa có một không hai này. “Với những ngư dân, dân vạn chài đánh bắt nhỏ lẻ và những người nuôi trồng ở 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè như chúng tôi, thì phiên chợ ra đời, góp phần bình ổn giá cả, không bị tiểu thương mua dạo ép giá như trước đây chưa có phiên chợ. Những mặt hàng tôm, cua, cá, ghẹ… từ loại ngon nhất cho đến thứ vạt ra, khi mang đến chợ đều được tiểu thương thu mua. Vì thế người nuôi trồng yên tâm với những mặt hàng của mình mà không sợ bị dội chợ”, anh Lê Văn Mùa, đến từ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, chất phác thổ lộ. 
Không chỉ có vậy mà thậm chí, phiên chợ còn thể hiện được lối sống tình làng nghĩa xóm. Sự thể hiện này bằng cách là các tiểu thương đầu tư cả vốn liếng mà không cần tính lãi. Thậm chí họ sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho những người nông dân nuôi trồng khi họ gặp khó khăn, hoặc cần vốn để mở rộng sản xuất. Đây cũng là nét độc đáo vẫn còn tồn tại ở một phiên chợ miền quê hiếm thấy ở thành phố này.
Phiên chợ hoạt động cho đến khi trời tờ mờ sáng, những chiếc thuyền đánh bắt về khuya cũng tìm về bến đỗ an lành này để trút hàng. Họ thu mua nhiên liệu, đồ ăn, thức uống rồi lại dong thuyền ra khơi xa để tiếp tục một ngày mới. Họ đi về nhộn nhịp như những con thoi. Phía trên bờ, cánh ba gác, xích lô máy, xe ôm chở hàng thuê… cũng hối hả lên hàng chở đến các điểm bán lớn, nhỏ trong thành phố cho kịp chào hàng trong mỗi phiên chợ sáng.
Chia tay những người dân vạn chài, ngư phủ của miền sông nước phía Nam thành phố và với tiểu thương mộc mạc “nói sao bán vậy” của phiên chợ đêm bên sông, lòng tôi thầm nghĩ: Liệu rằng ở thành phố còn có mấy phiên chợ vẫn còn giữ nét văn hóa chân phương như phiên chợ quê ngoại thành này.
huỳnh Sang