Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

Chưh Maralu viết cổ tích trên đỉnh Trường Sơn

Ở vào tuổi xế chiều, Hồ Chư miệt mài với công tác văn hóa nghệ thuật để giới thiệu đến mọi người văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền Tây Trường Sơn
Người Vân Kiều, Pa Cô ở núi rừng miền Tây Quảng Trị ví Hồ Chư (tên theo tiếng Vân Kiều là Chưh Maralu) như ngọn đèn trên đỉnh núi, dìu dắt họ qua bao khó nhọc, nghèo nàn đến với ánh sáng của con chữ, tiếp cận đời sống văn minh, xa dần tập tục lạc hậu. Đó cũng chính là tâm nguyện của ông - khi dành trọn cả cuộc đời, từ một nhà giáo đến nhà báo rồi nhà thơ, ở mỗi cương vị khác nhau ông đều góp công sức của mình để viết nên câu chuyện cổ tích giữa đại ngàn hoang sơ!
Rẽ rừng đi tìm học trò
Căn nhà sàn đậm chất núi rừng của Hồ Chư ở xã Mò Ó (Đakrông) hầu như hiếm khi vắng khách tìm đến thăm. Họ là học trò cũ, những người dân muốn nghe ông kể chuyện thời sự, cách làm ăn, và những người bạn thơ tri kỉ. Dù có nhiều năm di chuyển đó đây theo địa vị công tác, nhưng ông vẫn giữ phong thái của một chàng trai núi rừng với làn da màu đồng hun và chất giọng trầm, sâu. Hồ Chư mở đầu câu chuyện: “Mình sinh ra ở chốn núi rừng hiểm trở này, chiến tranh ly lạc chịu nhiều thiệt thòi nên sau ngày hòa bình, được trở về quê, mình cứ tâm niệm một điều rằng, làm được gì có ích cho bà con thì cứ cố gắng làm”.
Năm 1959, vùng núi rừng Mò Ó nằm trong ấp chiến lược của kẻ thù. Nhất cử nhất động của bà con đều bị theo dõi, thắt chặt. Tròn 9 tuổi, cậu bé Hồ Chư ý thức được dã tâm xâm lược của kẻ thù nên đã rủ hai người bạn cùng trang lứa trốn vào rừng sâu, tìm gặp bộ đội. Suốt 1 năm sau đó, Hồ Chư được ở cùng các cán bộ bộ đội trong rừng, hoạt động liên lạc. Năm 1960, vì tuổi nhỏ nên Hồ Chư được đưa ra học ở xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh). Tốt nghiệp cấp 3, chọn nghề sư phạm văn đến năm 1974, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Việt Bắc, Hồ Chư tình nguyện trở về để cùng góp sức xây dựng quê hương sau những năm hoang tàn đổ nát vì chiến tranh. “Lúc đó tôi về Ty giáo dục Vĩnh Linh. Nửa năm sau đó, tôi tình nguyện trở về Vĩnh Hà trong cương vị thầy giáo dạy văn, để trả ơn nơi mình đã được học chữ”, ông nói. “Một năm sau đó, tôi được điều về làm Phó hiệu trưởng Trường Thanh niên Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa. Rồi tiếp đến Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ huyện, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa. Đến năm 1988, làm Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị cho đến năm 1993, về làm Trưởng phòng Chính sách dân tộc của Ban Dân tộc miền núi tỉnh. Năm 1977, làm Trưởng đài Phát thanh Truyền hình huyện Đakrông đến 2009 về hưu ngành”, Hồ Chư cho biết thêm.

Nhiều năm công tác, Hồ Chư một lòng trăn trở với tương lai con trẻ ở miền núi - nơi hơi thở của các cuộc đổi thay về khoa học công nghệ, kỹ thuật chạm tới rất muộn màng. Hồ Chư bảo, ở mỗi địa vị công tác đều có những kỉ niệm để đời, nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là những năm tháng công tác trong ngành giáo dục. Nghề giáo, buồn nhất là khi học sinh hư. Phần khác, mỗi lần đến trường thấy vắng học trò, nỗi buồn ấy khó tả lắm. Chuyện trường vắng trò bây giờ gần như thành dĩ vãng. Còn cái thời của ông, đó là vấn đề thời sự. “Hồi ấy, có lần tôi cùng anh Trần Phương Thạc công tác tại Công đoàn Giáo dục tỉnh Thừa Thiên, hai anh em đi dọc các xã biên giới ở vùng Lìa gồm các xã Xy, A Dơi, Thuận, Thanh… đi đến trường nào cũng vắng ngơ vắng ngắt, học sinh không có, giáo viên cũng không, bàn ghế, phấn bảng thì mốc meo. Nhiều giáo viên bỏ nghề về quê vì không thể vận động được học sinh tới trường. Phụ huynh không biết chữ, với họ thời ấy việc học gần như không cần thiết. Hai anh em mời chính quyền họp để vận động thì chính quyền xã nào cũng làm ngơ. Tôi nghĩ ra cách đánh kẻng gọi cán bộ và người dân nhưng đến rát cả tay vẫn không thấy một bóng người. Gian nan lắm”, Hồ Chư nhớ lại. “Còn nhớ có một lần, tôi đến điểm trường xã Thuận. Hồi ấy, trường chỉ có hai người, một thầy và một cô giáo cắm bản. Khổ nỗi, trường thì lại ở ngay chỗ có cái tên Rừng Ma. Với người đồng bào thiểu số, Rừng Ma là chốn linh thiêng kì bí. Họ có niềm tin cố hữu nếu phạm vào chốn ấy thì sẽ bị giàng bắt. Vì thế, khi cả hai cô thầy giáo trên bị sốt rét nặng thì bà con không hề bén mảng đến. Tình thế nguy cấp, tôi phải gọi anh Bí thư xã lên ra lệnh: “Nếu anh không đưa hai giáo viên đến bệnh viện thì anh sẽ bị kỷ luật”. Cái cụm từ “bị kỷ luật” không ngờ lại có hiệu lực. Sau một hồi kẻng của anh Bí thư, có 3 cặp thanh niên đưa cáng đến khiêng hai thầy cô giáo đi. Con đường từ xã Thuận phải lội bộ ngược dòng Sê Pôn, đi gần 50 cây số đến xã Tân Long, rồi từ Tân Long ra quốc lộ 9 về Bệnh viện Hướng Hóa. Nhờ đó, hai thầy cô giáo được cứu sống”. Hồ Chư tâm tư, ngày đó để cho con em biết được con chữ, gian nan lắm. Những năm sau này, khi giao thông miền núi phát triển, sự quan tâm đầu tư cho giáo dục được chú trọng nhiều hơn, cụm từ phổ cập giáo dục đã gõ cửa khắp các bản làng thì việc đi tìm trò dạy chữ có phần đỡ nhọc nhằn hơn! Tuy nhiên đó là cả một hành trình dài không ngưng nghỉ của chính quyền, những người làm công tác giáo dục, nhất là những thầy cô giáo ngày đêm miệt mài cắm bản.
Nối dài cổ tích Trường Sơn
Hồ Chư là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Tên ông theo tiếng người Vân Kiều là Chưh Maralu. Cũng như nhiều bà con Vân Kiều sống ở phía Đông Trường Sơn, ông lấy họ Hồ làm họ của mình để ghi nhớ công ơn của Bác Hồ. Song song với những năm tháng làm nhà giáo, nhà báo, Hồ Chư còn làm thơ trong tinh thần của một người con yêu tha thiết nơi chôn nhau cắt rốn. Các tác phẩm thơ của ông có mặt trong các tập sách thể hiện đời sống văn hóa của con người Quảng Trị như Cơn bão đá, Chút hương rừng, Non Mai sông Hãn… Là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật Quảng Trị, Hồ Chư đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phân hội trưởng Phân hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị. Để đến với mỗi vị trí hoạt động nghệ thuật này, con đường mà ông chọn chính là những dòng thơ về cội nguồn của mình trong đời sống dân tộc. Cội nguồn của bản thân mình được Hồ Chư hiểu một cách sâu xa và viết thành thơ một cách giản dị. Đó là nơi ông cất tiếng khóc chào đời có núi, có sông, có suối thủy chung với bản làng, nương rẫy. Trong tâm thức của Hồ Chư, những thực thể tự nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã trao cho một người con Vân Kiều như ông cuộc sống và tình yêu từng tấc đất, vạt rừng, con suối. Với 4 tập thơ và hàng trăm bài đã được xuất bản, người đọc cảm nhận ở Hồ Chư niềm đam mê kỳ lạ với quê hương nguồn cội. Không tham lam kể lại hết câu chuyện của núi rừng, chỉ với vài lát cắt nhỏ, cũ, mới, thơ của Hồ Chư chắt chiu nhiều cảm xúc, làm dày thêm trang huyền sử…
Chiều muộn, Hồ Chư bày ấm nước vối còn nóng hổi ra hiên nhà sàn. Trầm ngâm nhìn về phía núi, ông trải lòng: “Mình làm thơ không phải để trở thành nhà thơ. Qua những vần thơ mình muốn nhắn nhủ tới các thế hệ trẻ trên dãy Trường Sơn này sống xứng đáng với công ơn của Bác Hồ đã cho quê hương những ngày no ấm, đủ đầy”.
Phan Lệ
Nhắc đến Hồ Chư, nhiều người biết đến tên tuổi của một nhà thơ người thiểu số nặng lòng với tình yêu non núi nơi chôn nhau cắt rốn. Với nhiều thế hệ người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) lại nhớ đến ông là một người thầy nhọc công gieo con chữ để mở ra con đường sáng cho họ.