Thứ bảy, 21/3/2015, 23h03

Điêu đứng vì nước mặn, hạn hán

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những cách giảm thất thu do ảnh hưởng của hạn hán    
Miền Trung, Tây Nguyên đang đối diện với nguy cơ thất bát mùa màng vì hạn hán. Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng khiến cho đời sống người dân nhiều nơi lâm vào cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt và trồng trọt.ĐBSCL: Nước mặn xâm nhập sâu đến 60km.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mức độ xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60km. Mức nhiễm mặn của vùng này cao nhất vào giữa tháng 3-2015. Nguyên nhân xâm mặn ở ĐBSCL là do lượng nước trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mekong). Mùa khô năm 2014-2015 là năm có dòng chảy về đồng bằng thấp hơn mùa khô năm 2013-2014 nên xâm mặn trên sông, kênh vùng ven biển ĐBSCL trong những tháng đầu mùa khô cao hơn so cùng kỳ năm 2014. Mức nhiễm mặn cao nhất sẽ tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, bởi ảnh hưởng thủy triều từ biển Tây theo kênh Long Xuyên - Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế. Theo đó, tình hình nhiễm mặn dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 5-2015 và chỉ giảm xuống dần khi mùa mưa bắt đầu. Tình trạng này được dự đoán gây nhiều khó khăn cho vụ lúa đông xuân hoặc lúa vụ 3 của người thuộc những khu vực trên.
Bà Nguyễn Thị Thu Ba, ngụ huyện Tân Phú Đông, một huyện cù lao ven biển thuộc tỉnh Tiền Giang nói rằng nếu so với những nơi khác thì nơi bà đang ở mới là nơi vất vả nhất. Vì nơi này hàng năm theo định kỳ nước mặn tràn về từ tháng chạp đến tháng 4, từ tháng 5 đến tháng 7 nước lợ, và từ tháng 8 trở đi mới có nước ngọt trồng lúa. Chính vì do điều kiện tự nhiên, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa nên thu nhập kinh tế gia đình không cao. Chưa kể người dân ở đây còn thường xuyên phải giặt đồ, tắm rửa, rửa thức ăn bằng nước mặn, sau đó tắm hoặc rửa lại lần cuối bằng nước ngọt để tiết kiệm nước. Bà Ba cho biết, vài năm trước Nhà nước dẫn đường ống nước ngọt về cho dân theo đường quốc lộ nhưng vì ở quá xa quốc lộ nên gia đình bà khó tiếp cận với nguồn nước thiết yếu này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện có gần 4.000 hộ dân sống rải rác ven biển, ven sông rạch, xa đường ống dẫn nước nên thường thiếu nguồn nước để dùng cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Trong khi người dân ở huyện đảo Tân Phú Đông lo nước dùng sinh hoạt, thì nông dân trồng lúa trong vùng ngọt hóa huyện Gò Công cũng đang đứng ngồi không yên vì đã xuống giống trên 29.000ha lúa vụ đông xuân. Hiện tại một số địa phương đã tổ chức bơm chuyền cho khu vực xa nguồn nước. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 9.000ha thiếu nguồn tưới tiêu nên khó tránh khỏi nguy cơ năng suất thấp.
Nước mặn xâm nhập không chỉ khổ cho nông dân trồng lúa, mà người canh tác cây ăn trái cũng khốn đốn. Hiện nước mặn đã xâm nhập sâu trên sông Tiền, Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Hậu từ 42-56km. Ông Nguyễn Văn Hai cùng biết bao hộ dân ở xã Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre đang lo sốt vó khi độ mặn 1‰ đã xâm nhập vào nội đồng từ trước Tết đến nay, khiến người dân không dám bơm nước tưới. Tình trạng khan nước làm cho cam, chanh, bưởi, quýt bị vàng lá, rụng bông, tỷ lệ đậu trái thấp. Theo dự đoán của người dân, tình trạng này cũng sẽ khiến dừa năm nay trái nhỏ và ít trái.
Miền Trung: Hoang hóa ruộng đồng
Theo thông tin từ một phòng nông nghiệp tại khu vực miền Trung, từ đầu tháng 3 năm nay nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào một số con sông ở miền Trung, báo hiệu một mùa khô hạn và nhiễm mặn nặng. Nói về mức độ ảnh hưởng đầu tiên có lẽ phải kể đến địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bằng chứng là nhiều đồng lúa trên địa bàn tỉnh này đang bị vàng lá, nứt nẻ do khô hạn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Bài ước tính tỉnh nhà hiện có ít nhất 4.000ha lúa đang thiếu nước tưới. Trong khi để đảm bảo cho nhu cầu sinh trưởng của cây lúa vụ đông xuân thì cần ít nhất 3 đợt tưới tiêu nữa. Ông Bài lưu ý, mức nước ở các hồ đập trên địa bàn tỉnh chỉ đạt từ 35% đến dưới 50% dung tích thiết kế, nên việc sử dụng nguồn nước tưới ở các hồ đập phải hết sức tiết kiệm, kéo dãn các đợt tưới, hoặc cũng có khi phải tính đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ở tỉnh Quảng Nam, nhà nhà cũng đang lo ngay ngáy với hàng ngàn hécta lúa đang ở thời kỳ lúa trổ đòng mà nước thì không đủ tưới. Cụ thể như tại địa bàn huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, vụ lúa đông xuân năm nay toàn huyện hiện có 2/3 diện tích trong tổng số 3.560ha lúa đang trổ đòng. Nếu tình trạng thiếu nước và khô hạn kéo dài thì sẽ có khoảng 700ha lúa bị ảnh hưởng.
Tình trạng thiếu nước, khô hạn cũng khiến cho các cánh đồng ở tỉnh Quảng Bình thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy như đang khô cháy. Để cứu lúa, nông dân phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng để tranh thủ tát nước vào ruộng đồng. Dù quá vất vả nhưng cũng là may mắn cho người dân Quảng Bình. Trong khi đó, tình trạng nắng gắt dẫn đến nước sông hồ cạn khiến cho nhiều cánh đồng ở xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Phong (huyện Đức Phổ), Tịnh Ấn, Tịnh Thọ, Tịnh Bình (huyện Sơn Tịnh)… thiếu nước nghiêm trọng, đành phải bỏ hoang.
Tây Nguyên: Hơn 3.000ha cây trồng có nguy cơ mất trắng
Cũng lâm vào tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới tiêu hoa màu nên các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum tổng cộng có trên 51.000ha cây trồng gồm cà phê, chè, lúa bị ảnh hưởng. Trong số đó, 3 tỉnh có hơn 3.000ha cây trồng có nguy cơ mất trắng. Trong đó, Đắk Lắk có 2.400ha lúa và cà phê, 700ha lúa ở Gia Lai và 50ha lúa ở Lâm Đồng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm này, nhiều hồ thủy lợi đã về mực nước chết hoặc đã khô cạn khiến nhiều diện tích cây trồng thiếu nước bị vàng lá, rụng trái. Tại tỉnh Đắk Lắk, các hồ, đập, sông, suối đều trong tình trạng khô cạn. Tại tỉnh Kon Tum, lượng nước ở nhiều hồ, đập thủy lợi cũng cạn trơ đáy, 1.000 giếng đào cạn nước, khoảng 300 hộ dân rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt…
Bài, ảnh: Bích Vân - Đinh Vũ
Những giải pháp khắc phục
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vùng ĐBSCL cần chú trọng giải pháp cho vùng ngọt khép kín là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt các hệ thống cống, đập, đê điều… không để nước mặn rò rỉ xâm nhập. Đối với vùng hở, phải nạo vét kênh mương, bơm nước ngọt để chống mặn.
Đối với miền Trung, Tây Nguyên, để góp phần khắc phục hạn hán, chính quyền và người dân các tỉnh đã gấp rút thực hiện nhiều biện pháp ứng phó cấp bách như: Thành lập ban chỉ đạo chống hạn, đề nghị tách hồ thủy điện ra khỏi thị trường điện để điều tiết nước tưới cho vùng hạ du, xả nước phát điện theo định kỳ để các trạm bơm có nước, huy động và hỗ trợ nông dân sử dụng máy bơm của hộ gia đình để bơm tận dụng nước từ các ao hồ, khe, suối để tưới; thậm chí lên dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ trồng lúa chuyển sang trồng ngô, trồng cây cao su)…