Thứ năm, 17/4/2014, 14h04

Dư lượng thuốc trên dâu tây Đà Lạt không vượt ngưỡng

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mẫu dâu tây Đà Lạt mới đây cho thấy, đến thời điểm này, không phát hiện mẫu dâu tây nào có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.

Kết quả trên là một chuyển biến tích cực của nghề trồng dâu tây tại thành phố Đà Lạt, giúp lấy lại uy tín cho loại quả đặc sản này.

Thu hoạch dâu tây ở Đà Lạt. (Nguồn: TTXVN)

Theo bà Lê Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Phân tích (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng), kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hai nhóm lân hữu cơ và carbamate có trong dâu tây là thấp nhất, tỷ lệ sản phẩm dâu tây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn an toàn đã giảm hẳn.

Cụ thể, từ mức 8,33% (năm 2012) xuống còn 4,86% (cuối năm 2013) và đến nay không phát hiện mẫu dâu tây có dư lượng vượt ngưỡng. Riêng các mẫu dâu tây lấy từ vườn trồng theo công nghệ cao, kết quả là 100% an toàn.

Trong vài năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác dâu tây như trồng nhiều giống mới, cây sạch bệnh, trồng trong nhà có mái che, cung cấp nước, phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động, trồng thủy canh... đã làm tăng năng suất dâu tây.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dâu ngày một tốt hơn, hạn chế, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó đã lấy lại uy tín, vị thế của dâu Đà Lạt - loại đặc sản từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do dịch bệnh, nhiễm thuốc và do dâu tây Trung Quốc “xâm chiếm” ngay tại Đà Lạt.

Tại Lâm Đồng hiện có khoảng 117ha dâu tây, với nhiều loại giống như Mỹ đá, Mỹ hương, giống New Zealand, giống Pháp, Langbiang 2, giống Đài Loan và giống Nhật.

Dâu tây được trồng tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt và một phần ở huyện Lạc Dương, là một trong những loại nông sản có giá trị kinh tế cao của Lâm Đồng./.

Đặng Tuấn

(TTXVN/Vietnam+)