Thứ ba, 27/1/2015, 23h01

Hàng giả, hàng nhái xuống phố

Quần áo hàng chợ giá bèo nhưng gắn mác sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng sẽ dễ bán với giá cao
Đến hẹn lại lên, hàng giả, hàng nhái nhộn nhịp xuống đường, vào chợ truyền thống… từ nội đến ngoại thành.
Nếu như những năm trước, vào thời điểm này, hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan ở các tuyến đường vùng ven, ngoại thành, nơi tập trung lao động phổ thông, khu vực KCX-KCN thì nay, loại hàng này xuất hiện nhan nhản ở nội thành.
Lãi khủng nhờ nhãn mác giả
“Bán một tháng Tết, tiền lời đủ sống cho cả quý”, anh Chiến, người bán quần áo lề đường gần KCX Tân Thuận khẳng định. Theo anh Chiến, quan trọng là tìm được nguồn hàng giá rẻ nhất, mỗi chiếc áo thun, sơ mi lấy sỉ chỉ từ 25.000-30.000 đồng nhưng bán ra gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Anh Chiến cũng cho biết thêm, người bán hàng Tết lâu năm thường đặt hàng các cơ sở may gia công, vải và phụ liệu do mình cung cấp, nhờ vậy mà giá thành của sản phẩm rất thấp. Muốn lời cao thì đính cho nó các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. “Cần nhãn sản phẩm giả mạo là không khó, muốn bao nhiêu cũng có, đáp ứng trong ngày”, anh Chiến thông tin.
Phần lớn hàng giả, hàng nhái là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm như quần áo, ba lô, túi xách, giày dép… Dọc theo đường Hai Bà Trưng, đoạn từ chợ Tân Định (Q.1) đến ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) vào giờ tan tầm, hàng chục cửa hàng di động nhóm họp cho đến tận khuya. Ghé vào một cửa hàng bán quần áo, cô bán hàng còn khá trẻ, luôn miệng chào mời: “Toàn là hàng xịn nhập về từ Mỹ, Pháp. Hàng không dễ kiếm, không phải ai có tiền cũng mua được”. Cầm chiếc áo thun mỏng tanh, kiểu dáng chẳng khác nào hàng chợ nhưng người bán nói thách: “Cái nào thấp nhất là 300.000 đồng. Anh yên tâm đi, mua không lầm đâu, tiền nào của đó mà”. Nói là hàng nhập nhưng thực chất là được cung cấp bởi các cơ sở may gia công trong nước theo đơn đặt hàng thành phẩm và bán thành phẩm hoặc các chợ đầu mối như Bình Tây, An Đông…
Sở dĩ người bán mạnh miệng hét giá vì quần áo nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như D&G, Lacoste, Calvin Klein Jeans… Và cũng chính vì cái nhãn mác ấy mà không ít người bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua hàng nhái, kém chất lượng. Trên đường 3-2, Nguyễn Tri Phương (Q.10), Nguyễn Trãi (Q.5)… về đêm cũng tấp nập người mua bán. Mặt hàng bán nhiều nhất ở đây là túi xách, ví nam nữ. Hỏi về nguồn gốc của các loại  ví, người bán trả lời gọn lỏn: “Hàng nhập”, còn nhập từ đâu thì chẳng biết. Giá cả cũng trên trời dưới đất, bán theo kiểu chụp giật, trông mặt mà hét giá.
Hàng giả, hàng nhái vào chợ truyền thống
Ghi nhận tại chợ An Đông, nơi cung cấp mặt hàng quần áo không chỉ cho TP.HCM mà còn ở thị trường các tỉnh miền Đông, miền Tây và cả khu vực Tây Nguyên vào những ngày này, lượng hàng phải chuyển đi mỗi ngày lên đến hàng tấn. Đặt vấn đề tìm nguồn hàng quần áo về bán Tết, bà chủ sạp hỏi tới, ra vẻ quan tâm lắm: “Anh bán ở Sài Gòn hay ở tỉnh, bán lề đường hay cửa hàng”. Tôi chưa kịp trả lời, bà chủ tiếp: “Biết sao hông? Hỏi để biết mà hướng dẫn anh chọn mặt hàng bán phù hợp, giá vừa phải để không phải bỏ vốn cao”. Tôi nói đại: “Bán cho công nhân quanh các KCX-KCN”. Bà ta sai người mang ra gần chục mẫu áo thun, sơ mi và quần Jeans, kaki các loại. “Hàng nhà may, bảo đảm đẹp, vải tốt, giá bán sỉ từ 40.000 đồng đến 250.000 đồng/ chiếc. Các mẫu này bán chạy lắm, người bán đặt hàng liên tục, bán chủ yếu cho công nhân”, bà chủ giới thiệu.
Mỹ phẩm cũng là một mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Từ nhu cầu sử dụng cá nhân, làm quà biếu tăng cao… mà hàng giả, hàng nhái có cơ hội tràn ra thị trường. Theo chị Nguyễn Mỹ Lệ, tiểu thương chợ Bến Thành, hàng giả tập trung nhiều nhất ở sản phẩm nước hoa và kem dưỡng da. “Gắn mác nhãn hiệu này, nhãn hiệu kia nhưng phần lớn đều xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi lọ nước hoa có giá vài trăm, vài triệu đồng nhưng giá trị thật của nó chỉ bằng phân nửa”, chị Lệ nói.
Bài, ảnh: Trần Anh
Thu giữ hơn 20.000 áo thun nhái
Mới đây, Đội Quản lý thị trường 3A (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) phát hiện và thu giữ hơn 20.000 áo thun giả nhái nhãn hiệu Lacoste chuẩn bị đưa ra thị trường tại 3 cơ sở cùng địa bàn Q.Tân Phú. Ngoài số áo thun thành phẩm và bán thành phẩm nói trên, Đội Quản lý thị trường 3A còn thu giữ hơn 6.000 áo thun Lacoste gắn mác “made in France” và số lượng lớn nhãn sản phẩm giả mạo.