Thứ sáu, 6/3/2015, 14h03

Hồi hộp chờ... 5 triệu yen ​trong thùng loa cũ

Một năm trôi qua, số phận 5 triệu yen mà người làm nghề ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng phát hiện trong thùng loa cũ sẽ được định đoạt trong vài ngày tới.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng hằng ngày vẫn đi mua ve chai và chờ đợi kết quả giải quyết 5 triệu yen - Ảnh: Đ.Thanh

Số phận của 5 triệu yen, tương đương hơn 1 tỉ đồng, trong chiếc loa thùng cũ sẽ được định đoạt chỉ trong ít ngày nữa. Nó sẽ thuộc về ai?

Một năm trong đời người có thể chẳng là gì, nhưng với người phụ nữ làm nghề thu mua ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng, một năm qua thật dài với bao nhiêu khắc khoải, đợi chờ và hi vọng. Chị có thể được hưởng trọn số tiền, cũng có thể được hơn một nửa, cũng có thể là chẳng được gì...

Nếu có tiền...

Gần 12g ngày 3-3, Sài Gòn nắng gắt. Chị Hồng vẫn lầm lũi đẩy chiếc xe chất đầy hàng về căn nhà trọ của mình trong hẻm 84 Trần Văn Quang (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM). Con hẻm này mới trở nên “nổi tiếng” cách đây gần một năm, khi chị tháo chiếc loa thùng cũ vừa mua được ra để lấy sắt vụn bán và phát hiện một khối tài sản khổng lồ trong đó: 5 triệu yen Nhật, quy ra tiền Việt là hơn 1 tỉ đồng.

Hơn 30 năm cuộc đời đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, với xe hàng ve chai, chị chưa từng được cầm số tiền lớn như thế. Tiền nước ngoài, chị cũng chưa từng nhìn thấy. Hàng trăm người kéo đến khiến căn nhà hơn 10 người đồng hương Quảng Ngãi thuê vừa chứa hàng vừa ở trở nên ngột ngạt và... đáng sợ.

Vợ chồng chị vào nhà “cố thủ”, vẫn không thoát được đám đông, người xin vài tờ tiền lấy may, người hùng hổ xông vào đòi chia chác, người đòi hết sạch cả số tiền. Đến nỗi công an phường phải mời chị lên, động viên chị giao nộp lại số tiền để đảm bảo an toàn cho chị và ổn định trật tự.

Vừa cặp chiếc xe sát vào hông nhà, tháo chiếc khăn che mặt, lau vội vàng những giọt mồ hôi, chị Hồng vào nhà uống ừng ực hết một ly nước đầy rồi mới kể: “Hôm nay lại có bao nhiêu người hỏi. Mình nghỉ tết mà người ta tưởng lấy được tiền rồi nên không thèm đi mua hàng nữa”.

Thực tế thì ngược lại. Sáng nay, khi mọi người trong nhà vẫn còn “liểng xiểng” sau chặng đường đi xe đò hơn 800km từ quê vào, chị Hồng đã trở dậy đi làm. 4g xe mới tới Sài Gòn, 6g chị đã đẩy xe đi.

Mối quen của chị bên công viên Đầm Sen gọi, người ta để dành hàng cho chị từ tết. Vỏ lon bia, nước ngọt, thùng giấy, có cả một cái màn hình vi tính cũ.

“Qua tết giá hàng xuống quá, đi mua không khéo còn bị lỗ, tốn công. Chừng này may lắm thì được mấy chục ngàn” - chị Hồng vừa nói vừa dỡ xe hàng nặng đến hơn 100kg xuống. Quan niệm lấy công làm lời, mỗi ngày chị đều cố gắng đi nhiều để được vài ba chuyến xe như vậy. Đi làm, người ta cứ hỏi hoài làm chị cũng sốt ruột. Tự nhận mình là người học ít, thấy ai thủ thỉ mách nước gì chị cũng thấy có lý, thành ra cứ hay tự suy diễn rồi lo lắng.

Chị Lợi (43 tuổi), sống cùng nhà với chị Hồng, cười bảo: “Qua gần một năm là thấy nó chín chắn, bớt nóng tính hơn nhiều rồi đấy. Hồi trước, cứ thấy gì không thích, không vừa ý là phải làm ầm lên bất kể là với ai”.

Nghe vậy, chị Hồng đỏ mặt, thẹn thùng bảo: “Tại hồi đó em không biết, thấy mọi người cứ vây quanh làm em sợ quá nên mới chửi”. Chuyện anh Vượng, chồng chị, về quê sau sự việc trên, có người nói là do anh không chịu được “áp lực dư luận”.

Còn chị Hồng bảo cũng một phần tại anh nóng nảy quá, giờ anh về quê, hai đứa con đứa học lớp 8, đứa học lớp 2 cũng có chỗ để cậy nhờ. Còn chị vẫn ráng bám trụ lại mảnh đất Sài Gòn này để làm lụng và chờ đợi một phép mầu dường như đang đến rất gần.

Cho đời bớt khổ...

Trong xóm ve chai này cũng có người từng mua được hàng bên trong có tiền. Có lần là hơn 30 triệu đồng trong đống giấy tờ. Có lần là những cục tiền đôla rơi rớt ra từ chiếc tủ cũ. Nhưng những trường hợp này đều là mua tại nhà người ta, các chị em mua được đều mang trả lại.

Chủ nhà tặng lại chút tiền để cảm ơn, các chị cũng không nhận. Hỏi nghề ve chai là sướng hay khổ? Người nói sướng. Người nói khổ. Chị Tuyết, bà Bảy, bà Tư đều nói khổ. Chị Lợi thì bảo có gì mà khổ, cực một tí nhưng còn kiếm ra đồng tiền.

Ở quê mỗi người chỉ có ít ruộng, có chăm chỉ cũng chẳng biết làm gì thêm mà kiếm cái ăn. Nếu có một số tiền lớn, chị cũng muốn về quê mở một tiệm tạp hóa để buôn bán cho khỏi phải xa nhà. Mỗi người đều có quyền mơ ước những điều tốt đẹp cho tương lai.

Chị Lợi mơ thế, còn chị Hồng nói dù có được hưởng toàn bộ số tiền 5 triệu yen vẫn muốn tiếp tục đi mua ve chai, vì 17 năm gắn bó với nghề rồi, chị có nhiều mối quen, không muốn bỏ. Chị có nhiều dự định lắm, nhưng vẫn chưa dám chắc.

Vẫn còn ít ngày nữa, nếu có ai đó đến nhận và chứng minh được số tiền đó là của họ thì công an sẽ trả cho người ta. Nếu không, chị sẽ được nhận toàn bộ hoặc chừng một nửa tùy sự xem xét của các cơ quan chức năng.

Cho tới giờ phút này vẫn chưa ai tới nhận số tiền 5 triệu yen là của họ. Hi vọng của người phụ nữ hành nghề ve chai cũng lớn dần lên. Có nhiều vị luật sư đã phát biểu nếu xét về tình thì chị Hồng xứng đáng nhận được toàn bộ số tiền trên, vì chị đã thật thà mang giao nộp ngay sau khi nhặt được và hoàn cảnh của chị cũng rất khó khăn.

Nhưng phân tích từ góc độ luật pháp thì lại có nhiều điều phải bàn thêm. Nếu nói số tiền trong chiếc loa thùng là vật “vô chủ”, “không xác định được chủ sở hữu” (theo điều 239 Bộ luật dân sự 2005) thì chị Hồng mới được hưởng trọn. Còn nếu xác định đó là vật “bỏ quên”, “đánh rơi” (theo điều 241) thì chị chỉ được hưởng số tiền bằng 10 tháng lương tối thiểu, cộng thêm một nửa số còn lại.

“Mong chị Hồng sẽ nhận được toàn bộ số tiền...”

“Theo các tình tiết của vụ việc, việc xác định số tiền 5 triệu yen Nhật chứa trong chiếc hộp gỗ được giấu trong chiếc loa thùng là tài sản để quên là hợp lý và có logic nhất bởi số tiền được cất giấu, bảo quản, sắp xếp cẩn thận trong chiếc hộp gỗ.

Còn quan điểm cho rằng số tiền 5 triệu yen là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu, theo tôi là không phù hợp. Vì vật vô chủ phải là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó” - luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích.

Đại tá Lê Hoàng Châu, trưởng Công an Q.Tân Bình, cho biết đã chuyển toàn bộ số tiền vào Kho bạc Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, sau thời hạn một năm kể từ khi thông báo công khai về số tiền, cơ quan công an sẽ thông báo cho chị Hồng biết về kết quả xác định chủ sở hữu.

“Khi đó, nếu phát sinh tranh chấp hoặc chị Hồng không đồng tình với kết quả giải quyết của cơ quan công an và khởi kiện, tòa án sẽ thụ lý giải quyết” - ông Nguyễn Văn Trí, chánh án TAND Q.Tân Bình, nói.

“Khi đã có tranh chấp thì tòa yêu cầu công an chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc ban đầu qua, sau đó sẽ tiến hành xác minh. Tất nhiên, khi anh có tranh chấp thì phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án. Anh nói đó là tài sản của anh thì anh phải chứng minh được nguồn gốc của nó, tại sao lại ở đó...

Nếu như chứng cứ không phù hợp thì tòa bác yêu cầu, chứ không phải cứ tới nhận là được. Để xác định xem số tiền trên thuộc trường hợp nào, bỏ quên hay vô chủ, cần phải xem xét rất kỹ từ góc độ luật pháp. Còn quan điểm cá nhân của tôi, tôi mong chị Hồng sẽ nhận được toàn bộ số tiền cho cuộc sống bớt khổ...” - vị chánh án chia sẻ.

ĐỨC THANH - MAI HOA

(TTO)