Thứ tư, 23/4/2014, 16h04

Khắc phục tình trạng chuyển đơn thư khiếu tố lòng vòng

Chiều 23-4, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dự thảo Nghị quyết này đã từng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến một lần tại phiên họp thứ 19.

Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về trách nhiệm của vị đại biểu Quốc hội trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy định tại Điều 79 Hiến pháp, dự thảo Nghị quyết thể hiện theo hướng không hạn chế đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân. Cụ thể, dự thảo quy định: ngoài trách nhiệm tiếp công dân ở Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu; đối với việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo thì đại biểu Quốc hội không hạn chế phạm vi, lĩnh vực trong việc nhận, chuyển đơn…

Một số ý kiến đề nghị không nên quy định hằng ngày đại diện của tất cả các cơ quan Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các ban của UBTVQH đều phải có mặt tại địa điểm tiếp công dân, gây lãng phí thời gian và vật chất, không phù hợp với nhiệm vụ của các cơ quan này. Tiếp thu ý kiến nêu trên, trên cơ sở nghiên cứu Luật tiếp công dân, dự thảo Nghị quyết quy định Ban Dân nguyện là cơ quan thường trực đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH trong việc tiếp công dân, làm đầu mối tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH với Ban dân nguyện trong việc tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đáng lưu ý, về những ý kiến đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng đơn, thư khiếu nại lòng vòng trong các cơ quan của Quốc hội, ông Phan Trung Lý công nhận, những năm gần đây tình trạng công dân gửi đơn, thư đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền…

“Đây là vấn đề rất phức tạp xảy ra đối với Quốc hội từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục”, ông Phan Trung Lý nói.

Nhằm hạn chế một bước tình trạng này, dự thảo có quy định: “Trường hợp nhận đơn, thư trực tiếp từ người gửi và xét thấy cần thiết thì có thể chuyển đơn, thư đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo đến cơ quan phụ trách lĩnh vực và Ban Dân nguyện”.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đề nghị quy định cải tiến việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị giữa các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH tránh thủ tục hành chính rườm rà, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định “Cơ quan của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH chuyển đơn, thư đến cơ quan khác của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH để xử lý bằng văn bản theo mẫu do UBTVQH quy định”…

Một số ý kiến tại phiên họp cho rằng nghị quyết “mở” quá với việc ĐBQH tiếp dân là khó khả thi.

“Nếu không quy định thận trọng thì đại biểu Quốc hội bị quá tải, thậm chí cuộc sống cá nhân của đại biểu cũng bị ảnh hưởng. Tôi biết có trường hợp người đi khiếu nại tố cáo còn mắc màn (mùng) ngủ chờ trước cửa nhà riêng đồng chí Trưởng Ban Dân nguyện”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói và cho biết thêm, Ủy ban của ông một năm nhận tới 7.000 -10.000 đơn thư, chịu sức ép rất lớn.

Phát biểu tại phiên họp, ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, việc tiếp dân, giải quyết đơn thư của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có tính chất, mục tiêu khác với tiếp công dân của cơ quan hành pháp. Ở phía Quốc hội, việc tiếp dân, giải quyết đơn thư phải gắn chặt với công tác giám sát mới hy vọng góp phần cải thiện được tình hình.

* Cuối buổi chiều, cơ quan thường trực của Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phiên họp riêng của UBTVQH.

ANH PHƯƠNG (SGGP)