Thứ sáu, 23/7/2010, 16h07

Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7: Hát mãi khúc quân hành

Bài 1: Ký ức ngày ra đi

Đại tá Huỳnh Văn Hùng say sưa kể về kỉ niệm ngày đầu tham gia kháng chiến chống Pháp

Ngày ấy, họ là những chàng thanh niên trai tráng nhất làng, mang trong mình lý tưởng và nhiệt huyết tràn đầy về cuộc cách mạng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, những chàng trai ấy rời quê hương, ra đi để giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Cho đến bây giờ, Đại tá Huỳnh Văn Hùng, sinh năm 1932 trên quê hương đất thép Củ Chi (TP.HCM) vẫn không quên cảm giác ngày mình đi theo bộ đội chống Pháp.
Nhớ buổi ban đầu lưu luyến ấy
“Ngày ấy, tôi mới 15 tuổi, những đứa trẻ cùng tuổi như tôi cứ lớn lên là đi theo bộ đội chống Pháp. Chúng tôi chỉ đi theo làm chân sai vặt, liên lạc bằng miệng từ đồn này qua đồn khác, quần áo cũng lấy từ nhà mang theo chứ chưa được phát quân trang như sau này. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ nên được đi theo bộ đội là vui lắm chứ không nghĩ ngợi gì tới những nghiệt ngã của chiến tranh. Tôi còn nhớ trận đánh đầu tiên của mình ở Trung Lập (Củ Chi) vào cuối năm 1947. Lúc đó, quân ta đang trên đường hành quân thì tốp đi đầu bị địch phát hiện và bắn bị thương mấy đồng chí. Bộ đội ta nhanh chóng dàn quân, mặt khác bao vây sau lưng địch. Trận ấy, ta bắt sống được một tiểu đội lính Pháp. Tôi được nhận một cây súng trường, chiến lợi phẩm thu được sau trận đánh. Cảm giác lần đầu tiên thắng trận và được cầm cây súng khiến tôi rất hãnh diện, tự hào, thấy mình thực sự đã trở thành người lính, cũng được ngang hàng như bao anh bộ đội khác”, ông Hùng hào hứng kể lại.
Còn với Thiếu tá Hoàng Bá Vinh, tháng 10-1976 là mốc thời gian quan trọng ghi dấu chặng đường làm cách mạng tại chiến trường Campuchia của ông. Ngày ra đi, ông 18 tuổi, là lao động chính trong một gia đình đông anh em tại vùng quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, anh trai cả hi sinh tại chiến trường Tây Nam, anh thứ mất khi mới 17 tuổi. Thế nhưng, những băn khoăn đó đã không ngăn được niềm vui của chàng thanh niên trẻ mang trong mình nhiệt huyết được phụng sự cho Tổ quốc. Được cử đi học lớp đào tạo công an nhưng ông lại rẽ ngoặt sang con đường vào bộ đội. Ông cho rằng đó là trách nhiệm của mọi tầng lớp thanh niên lớn lên sau ngày đất nước giải phóng, môi trường quân đội cũng là nơi giúp thanh niên rèn luyện và trưởng thành về mọi mặt. Cũng vì lý do ấy nên khi tập trung ở huyện, ông chưa được phát quân trang như những đồng đội khác. Chỉ tới khi tập kết xuống tỉnh, Hoàng Bá Vinh mới được nhận những thứ cần thiết cho chuyến đi không biết ngày về ấy. Ông còn nhớ như in lời dặn dò của người cha già trước lúc lên đường “Thôi con đi nhớ giữ gìn sức khỏe. Thỉnh thoảng viết thư về nhà cho thầy mẹ đỡ lo”.
Cùng chung tâm trạng và mặt trận với Hoàng Bá Vinh còn có thương binh 2/4 Dương Văn Hào, sinh năm 1967 tại TP.HCM. Tháng 2-1985, ông tham gia chiến trường biên giới Campuchia theo tiếng gọi của Tổ quốc, dù biết rằng, đối mặt với chiến tranh là đối mặt với những hiểm nguy, bom đạn của kẻ thù. Nhưng vượt lên tất cả, bằng ý chí và nghị lực của sức trẻ, ông đã hăm hở lên đường, hoàn thành nghĩa vụ của một người thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đường hành quân xanh màu lá
Xa gia đình, xa quê hương, những anh bộ đội Cụ Hồ bắt đầu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách mà trước đó chưa hề gặp phải. Khó khăn đó được bắt đầu ngay từ những chặng đường hành quân trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Ông Thân Quang Vinh và Nguyễn Văn Quý, tham gia kháng chiến chống Mỹ thời kì trước Mậu Thân 1968 là những người trong số đó. 16 tuổi, chàng thanh niên Thân Quang Vinh, quê ở Bắc Ninh đã là đối tượng Đảng. Ông được cử đi học ngành cơ yếu (thuộc Phòng Cơ yếu B2, Bộ chỉ huy Quân sự giải phóng miền Nam Việt Nam) nhờ tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể, lý lịch gia đình trong sạch cùng khả năng phán đoán nhanh nhẹn, trí nhớ tốt. Sau một thời gian đào tạo, ông cùng tiểu đoàn của mình lên đường hành quân từ Bắc vào Nam. Chặng đường hành quân đó kéo dài 6 tháng 13 ngày trong làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Trên suốt chặng đường, có những lúc ông cùng đồng đội phải hành quân trên nước bạn Lào và Campuchia do đường Trường Sơn bị Mỹ truy lùng ráo riết. Vừa đi, bộ đội ta vừa phải chiến đấu với bệnh tật, sự khắc nghiệt của núi rừng cùng những âm mưu bắn phá của kẻ thù. “Thường thì bộ đội hành quân từ sáng đến tối, tới trạm dừng chân mới nghỉ lại để nấu cơm. Mỗi tiểu đội sẽ cắt cử hai người đi tìm suối dưới chân núi để lấy nước. Đường xa, lại gập ghềnh, chúng tôi phải dùng tấm ni lông được phát của mình để đựng nước mới mong có đủ nước dùng. Có những lần tôi cùng đồng đội mang được nước về gần tới điểm dừng chân thì bị cây rừng đâm thủng, nước chảy hết ra ngoài. Lúc đó vừa mệt, vừa tức, vừa muốn khóc mà không thể khóc được, chúng tôi đành phải quay xuống núi, lại mất 2-3 tiếng sau mới lấy được nước về để nấu cơm cho đồng đội”, ông Vinh xúc động nhớ lại.
 Còn ông Nguyễn Văn Quý, sinh năm (1947, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng không quên những tháng ngày hành quân kéo dài gần 5 tháng vào năm 1966. “Trên chặng đường dài dằng dặc ấy, có lúc chúng tôi phải hành quân vào ban đêm, tự mò mẫm, cắt rừng mà đi. Trời tối, người đi sau bám chân người đi trước bằng miếng mê-lơ (một dạng dạ quang nhỏ bằng đồng xu - NV) dán đằng sau mũ. Tại các con sông, quân ta đều bố trí lực lượng chở bộ đội qua sông bằng đò. Nhưng có nhiều lúc, bến sông đó bị quân thám báo của địch phát hiện, ném bom dữ dội, bộ đội phải quay trở lại trạm dừng chân, tự cắt đường mới để ra một bến sông khác. Không có đò, bộ đội phải cho tất cả ba lô, súng ống, quần áo lương thực vào tấm ni lông rồi cùng nhau bơi giữa dòng nước lạnh buốt, giữa làn sương lạnh giá của núi rừng. Với những đồng chí không biết bơi, chúng tôi thường cắt cử hai người khác biết bơi kèm cặp đồng đội mình qua sông”, ông Quý kể lại.
Bài, ảnh: Ngọc Anh