Thứ bảy, 19/4/2014, 10h04

Mô hình thức ăn đường phố hợp vệ sinh

Cuối năm 2013, TPHCM triển khai mô hình thí điểm quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn phường 12 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú). Dù mới bước đầu đi vào hoạt động, chương trình này đã tạo chuyển biến nhận thức tích cực cho người tiêu dùng cũng như người bán hàng.

Người tiêu dùng yên tâm

Tuyến hẻm chuyên doanh thức ăn đường phố tại khu phố 1, phường 12 (quận 4) mấy ngày nay đông khách hơn, do người bán đã chuyển sang áp dụng các biện pháp nấu nướng, chế biến hợp vệ sinh.

Một điểm bán thức ăn đường phố (người bán mặc tạp dề, đeo khẩu trang, dùng găng tay gắp thức ăn) thuộc mô hình thí điểm tại phường 12, quận 4, TPHCM.

Anh Ngô Quốc Văn, khách hàng ghé ăn trưa tại quán bún ở đây vui vẻ cho biết: “Thức ăn được làm sạch sẽ, công phu. Khi bán hàng cho khách, người bán có mặc tạp dề, dùng găng tay nylon sạch bốc thức ăn, trụng bún… Lúc nhận tiền, người bán tháo găng tay ra, thối tiền cho khách xong mới đeo găng tay lại. Khác hẳn với nhiều nơi dùng tay trần nhận tiền, rồi bốc thức ăn cho khách. Giá bán vẫn như trước, không thay đổi. Thế nên tôi thật yên tâm khi đến ăn”.

Bà Nguyễn Thị Lý, chủ hàng ăn tại đây, chia sẻ: “Toàn bộ găng tay, tạp dề, khẩu trang, sổ sách theo dõi… chúng tôi đều được tặng miễn phí. Ban đầu sử dụng găng tay chưa quen, có cảm giác vướng víu, sau đó quen dần đến mức nếu không mặc tạp dề, không dùng găng tay là tôi có cảm giác không ổn ngay”.

Tương tự, một số điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên đường Vườn Lài, Độc Lập… thuộc phường Tân Thành (quận Tân Phú) gần đây cũng đông khách hơn trước. Người kinh doanh thức ăn đường phố được trang bị miễn phí găng tay, khẩu trang, tạp dề… để mang khi chế biến thức ăn.

Chiều tối, điểm bán bánh tráng trộn của anh Phạm Duy Thái (đường Độc Lập, phường Tân Thành) nhộn nhịp khách hàng. Anh phải làm luôn tay mới kịp phục vụ khách. Toàn bộ rau răm được rửa sạch, xoài gọt vỏ để gọn gàng trong túi nylon. Các hũ ớt, sa tế được sắp xếp ngăn nắp trên khay đựng đồ. Cẩn thận hơn, anh Thái dùng một số màng bọc nylon để tránh ruồi, bụi bặm… Khi tính tiền, anh Thái gỡ găng tay nhận tiền, trả tiền thừa; sau đó lại đeo găng tay vào.

Anh Phạm Duy Thái kể: “Ban đầu tôi còn khó chịu, ngần ngại khi phải thực hiện các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, được hướng dẫn, phổ biến cặn kẽ, tôi nhận ra rằng dù công việc buôn bán của mình là nhỏ lẻ nhưng nếu không tuân thủ các quy định về vệ sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho người dùng”.

Chị Mai Mỹ (ngụ tại phường Tân Thành) chia sẻ: “Từ ngày người bán thức ăn đường phố được tập huấn kỹ năng bán hàng, thực hiện chuỗi sản xuất thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân xung quanh tin tưởng hơn. Con gái tôi thường mua bánh tráng trộn của các cô chú bán hàng trên đường Độc Lập, vì rau được rửa sạch, bánh trộn hợp vệ sinh”.

Duy trì, nhân rộng

Ông Nguyễn Vinh Lợi, Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 12, quận 4, cho biết, địa phương chủ yếu vận động, khuyến khích người buôn bán thức ăn đường phố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó, thường xuyên tăng cường giám sát các điểm kinh doanh thức ăn đường phố.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường 12, quận 4, nhận xét: “Ý thức của người dân kinh doanh thức ăn đường phố được cải thiện rõ rệt, tạo sự đồng tình, yên tâm cho người tiêu dùng. Mặc dù vẫn còn một số người kinh doanh chưa tham gia mô hình thí điểm thức ăn đường phố hợp vệ sinh, nhưng chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, những người này sẽ chủ động tham gia, vì người tiêu dùng tìm đến nơi bán thức ăn đảm bảo vệ sinh ngày càng nhiều, trong khi các điểm bán không hợp vệ sinh không được lựa chọn”.

Theo bà Trần Thị Hồng Cúc, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, cho biết, tổng số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn phường hiện nay là 113 hộ (tăng 31 hộ, 9 người so với năm 2013). Qua 6 tháng triển khai thực hiện mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm kinh doanh đường phố, kết quả cho thấy đã có bước cải thiện rõ rệt. Cụ thể, 100% hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm; bày bán thức ăn trên bàn, kệ giá để cao cách mặt đất ít nhất 60cm; không còn tình trạng để lẫn thực phẩm chín và sống; cải thiện đáng kể việc đảm bảo vệ sinh trong việc gắp thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch.

Đánh giá bước đầu việc triển khai thí điểm mô hình thức ăn đường phố sạch, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho hay mô hình này đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao hiểu biết về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người bán hàng, người tiêu dùng. Chi cục sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên mô hình này, đồng thời xem xét nhân rộng nếu thấy khả thi.

THI HỒNG (SGGP)