Thứ hai, 12/7/2010, 17h07

Nghề “độc”: Bài 1: Nhắc lời ca cổ

Anh Sáu Nhàn đang đàn và hát trong một bữa tiệc được gia chủ mời đến

Thực khách mê ca cổ có thể đến các quán ăn, quán nhậu miệt vườn để trổ tài, khoe giọng. Người “mắc” ca mà không thuộc lời sẽ có người nhắc, bất kỳ bài ca nào. Người ta gọi họ là người nhắc lời.
Loại hình nghệ thuật ca cổ xuất hiện ngày càng nhiều ở các quán ăn, nhà hàng sân vườn ở Nam bộ. Ở đó, mỗi đêm có nghệ sĩ chuyên và không chuyên được mời đến để đem lời ca tiếng hát cho thực khách. Để tạo cái nét độc đáo riêng, nhiều ban nhạc hoặc chủ quán còn chủ động tuyển thêm người nhắc lời.
Người nhắc lời - họ là ai?
Nghe tôi tìm nghề “độc” để thực hiện loạt phóng sự, anh Trần Thịnh, chủ quán nhậu sân vườn xởi lởi: “Ông đến quán tui, có đề tài hay đấy”. Chúng tôi đến quán nhậu Cây Sung (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) vào một đêm cuối tuần theo lời mời của chủ quán. Vượt một đoạn đường dài gần 30km dưới mưa tầm tã, chúng tôi cũng đã có mặt. Cô tiếp tân ra đến tận khu vực để xe chào mời: “Tụi anh vào nhậu để bàn chuyện làm ăn hay đến nhậu và ca hát?”. Tôi ra vẻ sành sỏi: “Từ thành phố xuống đây mà không ca cổ thì đi làm gì”. Cô tiếp tân cười tươi, dẫn chúng tôi vào bàn gần sân khấu. Không gian quán khá rộng được chia làm nhiều khu. Khu dành cho người không thích âm thanh chát chúa phát ra từ dàn loa hiện đại, thích hợp cho việc bàn chuyện làm ăn. Còn khu dành cho các đôi nam nữ được thiết kế, trang trí bằng các loại tranh ảnh vùng sông nước và bố trí các chậu kiểng rất lãng mạn. Phức tạp nhất vẫn là khu chúng tôi đang ngồi. Gọi thế cũng không quá đáng bởi thực khách đủ mọi thành phần: già, trẻ, gái, trai, công chức có, công nhân có. Người hoàn toàn tỉnh táo, người ngà ngà say…
Ngồi dăm phút, một phụ nữ trung niên trong bộ áo dài tím thướt tha đến bàn, nói: “Sắp đến giờ chương trình văn nghệ, hai anh chọn bài đi nha”. Ông bạn tôi lém lỉnh: “Tụi này không biết ca cải lương, đến chỉ để thưởng thức thôi”. “Anh yên tâm, không phải ai đến đây cũng biết ca. Không thuộc lời thì có người nhắc, anh cũng có thể chọn ca sĩ để song ca với mình”. Trả lời xong, cô ta bỏ trên bàn tôi 4 tờ giấy nhỏ để ghi tên người ca và tên bài hát rồi quay sang bàn khác.

Anh Siêng, người đã nhiều năm sống bằng nghề nhắc lời ca cổ

“Và để mở màn cho chương trình văn nghệ đêm nay, xin mời ca sĩ Bảy Hường với ca cổ Dòng sông quê em, xin mời quý vị cho một tràng pháo tay…”. Sau lời giới thiệu của cô MC duyên dáng, ca sĩ tiến lên sân khấu với những bước chân xiêu vẹo, suýt té nhào ngay bậc tam cấp. Nhìn bộ dạng ca sĩ thấy nản, quần áo nhem nhuốc, tóc tai bù xù thế mà khi cất giọng ai cũng trầm trồ thán phục. Đến đoạn ca sĩ này ca nhầm lời ở đoạn sau, người phụ nữ lúc nãy đứng kế bên nhắc lời cho đến hết bài. Tiếng vỗ tay giòn như bắp rang, người lên tặng hoa (có kèm tiền trong hoa) không ngớt. Khoản này ban nhạc nhận và cuối buổi chia đều. Đến đây, tôi đã biết đề tài mà ông chủ quán nói đã được bật mí.
Chuyện sau giờ làm việc
Đến gần 21 giờ, thực khách ra về gần hết, chúng tôi mới có cơ hội trò chuyện với người nhắc lời. Người nhắc lời tên Nguyễn Thị Thanh, tên trong nghề là Mai Thanh. Nhiều năm trước, chị Thanh được biết đến qua giọng ca ngọt ngào, sâu lắng với những trích đoạn ca cổ để đời như Tình anh bán chiếu; Gánh cỏ sông Hàn, Dòng sông quê em, Tướng cướp Bạch Hải Đường… Dù không được mời đi hát đều đặn như trước do lớn tuổi nhưng nhờ thuộc lời nhiều bài hát, chị được ban nhạc mời đến để nhắc lời. Chị Thanh tâm sự: “Tôi may mắn thừa hưởng cái gen di truyền của tía (cha - PV). Tía tôi là nông dân thứ thiệt ở Bạc Liêu không chỉ ca hay mà đàn cũng rất mùi. Từ nhỏ, anh chị em trong nhà đều được cha hát ru bằng những bài ca cổ. Dường như ca cổ đã ngấm sâu trong máu thịt, không được ca buồn lắm”. Ngoài công việc nhắc lời, chị Thanh còn ca khi có khách yêu cầu.
Nói đến thu nhập, chị Thanh chậm rãi, giọng buồn buồn: “Có đêm vừa nhắc lời, vừa ca suốt 4 tiếng đồng hồ nhưng chia đều ra mỗi người chưa đến 15 ngàn đồng. Người khác đêm đi ca hát, ban ngày ngủ còn mình phải chạy sô đám tiệc khi có người mời. Tuổi mình không còn trẻ nữa, dù có hát hay thế nào cũng không đắt sô như trước nên phải chấp nhận vậy”.

\

Qua chị Mai Thanh, chúng tôi còn được biết có một gia đình sống bằng nghề đàn ca tài tử và nhắc lời như chị. Không đến các nhà hàng, quán ăn nhưng nhóm ca cổ của gia đình ông Sáu Nhàn (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lại chạy sô bở hơi tai ở đám tiệc. Từ đám ma, đám giỗ đến đám sinh nhật, thôi nôi, đám cưới trong huyện gia đình ông đều có mặt. Nhóm ca cổ này có thể chơi nhiều loại nhạc cụ, ca được tân cổ và tân nhạc. Độc đáo hơn, thành viên của nhóm - anh Siêng không chỉ thuộc lòng nhiều bài ca cổ mà còn rất xuất sắc khi đệm nhạc trên thùng đàn, đệm bằng hai chiếc muỗng hoặc gõ nhịp bằng hai ly uống rượu một cách điêu luyện. Trong nhóm, anh Siêng đảm nhiệm công việc chính là nhắc lời các bài tân cổ được viết lời mới đây và hát chính những bài cổ. Còn ông Năm (cha anh Siêng) thì đàn cổ và gõ nhịp song lan. Riêng ông Sáu Nhàn (em trai ông Năm) thì phụ trách đàn tân nhạc, khi ông Năm mệt, ông Sáu Nhàn lại thế chỗ.
Anh Siêng cho hay, “Họ thuê mình đến nhà đàn hát thì phải trả tiền tùy theo thời gian dài hay ngắn, đêm hoặc ngày. Khoản này cố định rồi, mình không thể đòi hỏi nữa. Riêng phần nhắc lời ca cổ thì đã thành lệ, ai ca người đó trả 5 ngàn, 10 ngàn hoặc 20 ngàn đồng tùy ở khách. Bình thường họ chi ra 5, 10 ngàn thì tiếc đứt ruột nhưng khi rượu vào, có người nhắc lời làm thỏa mãn “máu” văn nghệ thì sẵn sàng móc hầu bao”.
Dù trí nhớ có tốt đến đâu, song cả chị Mai Thanh và anh Siêng cũng không tránh khỏi những “tai nạn” trong nghề. “Người ta đang hát bài này mình lại nhắc sang bài khác, người ta hát theo. Thế là thực khách được một trận cười no nê, còn mình muốn độn thổ. Hoặc có lúc không nhớ nổi một câu dù bài đó rất quen thuộc. Chuyện này thường gặp lúc mình đuối sức do thiếu ngủ, không tập trung”, anh Siêng phân trần.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Cũng như nghệ sĩ, ca sĩ hát ở đây, người nhắc lời không có lương mà chỉ sống bằng tiền boa của thực khách. Hôm nào không có tiền boa cũng đồng nghĩa với việc họ đi làm không công. Người nhắc lời không cần ca hay mà cần là phải nhớ lời, nhớ được nhiều bài là càng tốt. Họ cũng trang bị nhiều tập ca cổ như “bùa hộ mệnh”, khi cần thiết thì sử dụng đến nó.