Thứ tư, 3/3/2010, 16h03

Người mẹ, người bà của ba vị tướng

Cụ Đặng Thị Cấp - bà và mẹ của ba vị tướng

Tướng Đồng Sĩ Nguyên sinh ra và lớn lên tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, một gia đình đã sản sinh ra ba vị tướng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là con thứ 5 của hai cụ Nguyễn Hữu Khoán và Đặng Thị Cấp. Cha ông mất năm ông lên mười tuổi, một mình người mẹ tần tảo nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành. Cụ Đặng Thị Cấp là người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và nhân cách của các con sau này.
Một gia đình cách mạng
Cụ Đặng Thị Cấp sinh ngày 12 tháng 5 năm 1882 (Nhâm Ngọ) tại xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, là cháu ngoại của cụ Lãnh Trần ở làng Lệ Sơn xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, (Quảng Bình), một trong những người chỉ huy tài năng của đề đốc Lê Trực. Cụ ông Nguyễn Hữu Khoán là cháu nội của Nguyễn Trọng Đạm, một chỉ huy Cần vương bị Pháp xử bắn ở Cửa Gianh (Quảng Trạch, Quảng Bình). Chính cụ đã nhen nhóm ngọn lửa yêu nước, truyền thống đánh giặc thời Cần Vương của hai dòng họ nội, ngoại cho các con. Cụ thường kể cho các con nghe những mẩu chuyện về các cụ theo nghĩa quân Cần Vương đi đánh Pháp. Nhà tuy nghèo, đông con nhưng cụ vẫn cho các con học hết tiểu học. Riêng Đồng Sĩ Nguyên (tức Nguyễn Hữu Vũ hay Nguyễn Văn Đồng) được học đến trung học (Trường Saint Marie tại Đồng Hới) rồi tham gia cách mạng. Năm 1938, ông được kết nạp Đảng khi mới vừa tròn 15 tuổi. 
Cụ Đặng Thị Cấp giác ngộ cách mạng rất sớm. Năm 1937, cụ đã nuôi giấu cán bộ cách mạng ở trong nhà. Nhà cụ là nơi in ấn, cất giấu tài liệu bí mật của Đảng. Đồng thời cũng là nơi hội họp, cất giấu vũ khí chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cụ đã cho cả năm người con trai tham gia hoạt động cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ là Hội trưởng “Hội mẹ chiến sĩ”. Từng bị kẻ địch bắt giam nhưng vẫn một lòng một dạ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Sau ngày hoà bình lập lại, cụ là Ủy viên Ban chấp hành mặt trận tỉnh Quảng Bình (từ năm 1958 đến năm 1976). Năm người con trai của cụ đều là cán bộ lão thành cách mạng, hai con là cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa, bốn người con được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng các khoá 4, 5, 6, đại biểu quốc hội từ khoá I đến khoá VIII. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, người con thứ 6 của cụ nguyên là Phó viện trưởng, Bí thư Đảng ủy học viện hậu cần. Cháu nội của cụ là Nguyễn Hữu Cường (con trai của người con thứ 3 - Nguyễn Hữu Lượng, một sĩ quan quân đội chuyển ngành) nay là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu quốc hội khoá XI. Cụ có ba mươi tám người cháu tham gia lực lượng vũ trang, trong đó có mười ba sĩ quan cấp tá, mười hai sĩ quan cấp uý.
Người “phát lộc cho con” 
Cụ Đặng Thị Cấp mất ngày 22-4-1982, thọ chẵn 100 tuổi. Mộ của cụ được mai táng tại nghĩa địa làng Trung Thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Năm 2005, ngôi nhà cụ đã được Đảng, Nhà nước dựng bia “Di tích lịch sử - cách mạng”.
Ngày nay các con cháu cụ tuy ở nơi xa nhưng vẫn luôn luôn nhớ về nơi quê cha đất tổ, nhớ về cội nguồn, cái nôi cách mạng của vùng Nam Quảng Trạch. Họ đã đóng góp công sức tu sửa lại ngôi nhà thờ họ, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã, trùng tu lại những công trình văn hoá trong làng, họ xây dựng đường bê tông chạy dọc bờ sông cho bà con các xã đi về chợ Sải. Đặc biệt một người cháu gái đã gửi tiền về làm một con đường bê tông dài 1400 mét từ trong làng ra tới nghĩa trang của xã.
Trên bia mộ của cụ, người con thứ 6, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh đã viết: “Mẹ nằm đó nấm mồ toả sáng/ Đất yên lành phát lộc cho con”.
Gia đình cụ Đặng Thị Cấp, một gia đình giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, một sợi chị đỏ cho bao thế hệ con em chúng ta tìm đến. Không những cháu con của cụ, mà tất cả chúng ta đều vô cùng biết ơn những bà mẹ Việt Nam đã sản sinh ra những người con như thế.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH ĐỨC
Năm 1975, cụ Cấp vinh dự được có tên trong đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình ra thủ đô Hà Nội dự lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Gia đình cụ vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng “Bảng vàng danh dự”; bằng “Gia đình có công với nước”, cụ được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng II.