Thứ tư, 4/2/2015, 17h02

Người thầy bình dị ở 18 thôn vườn trầu

Thầy Tòng luôn gần gũi, quan tâm học trò
Biết bao thế hệ học trò ở 18 thôn vườn trầu, Bà Điểm - Hóc Môn dưới sự dìu dắt của thầy Lê Thanh Tòng đã thành đạt, vươn xa. Danh hiệu nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng như một phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng cống hiến nhiệt tình, hăng say của thầy Tòng vì sự nghiệp giáo dục.
Một tấm gương tiêu biểu
Là một trong những tấm gương tiêu biểu của ngành giáo dục thành phố, thầy Lê Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Bà Điểm (Hóc Môn) luôn được đồng nghiệp, học trò quý trọng. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thầy Tòng được phân công về giảng dạy bộ môn sinh học tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn). “Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến nhận công tác ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, tôi mặc áo sơ mi màu trắng, đi chiếc xe đạp cọc cạch. Vì ngỡ tôi là học sinh nên bác bảo vệ không cho tôi vào cổng dành cho giáo viên mà bảo tôi vào bằng cổng dành cho học sinh. Cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm đó cũng nhanh chóng tan biến khi tôi hòa nhập với môi trường sư phạm, với đồng nghiệp, học sinh”, thầy Tòng cười hiền kể lại.
Những năm tháng đó, trường nghèo, thầy nghèo và học trò cũng nghèo. Con đường đến với cái chữ còn lắm chông chênh. Nhiều lúc thầy xót xa khi biết có em học trò phải nhịn đói mỗi sáng khi đến trường. Nhiều em sau giờ học phải về nhà phụ giúp gia đình trồng trọt, chăn nuôi gia súc. Suốt những năm làm công tác giảng dạy, thầy luôn dặn lòng phải truyền cho các em sự lạc quan, niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ để các em tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. “Những năm đầu mới về Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu công tác, khi đó Sở GD-ĐT TP.HCM còn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi thực hành thí nghiệm các môn lý, hóa, sinh, tôi được nhà trường phân công hướng dẫn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi môn sinh. Điều kiện ở trường còn nhiều thiếu thốn, tôi cùng nhóm học sinh đã khắc phục, tích cực dạy và học, thực hành thí nghiệm, quan sát bằng được nhiễm sắc thể dưới kính hiển vi”, thầy Tòng chia sẻ. “Kết quả năm đó, đội tuyển do thầy bồi dưỡng đạt giải. Đây là niềm vui, là động lực để tôi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trong những năm tiếp theo”, thầy vui vẻ cho biết thêm. Chính lòng yêu nghề của thầy đã truyền “lửa” cho các em học sinh khi đến với môn sinh, giúp các em nhận ra môn học nào cũng trở nên hữu ích nếu người học chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để đi đến tận cùng của sự đam mê.
Với phương pháp sư phạm chủ động, linh hoạt, mềm dẻo, chuyên môn vững vàng và sự tâm huyết, lòng tận tụy của người giáo viên, thầy đã uốn nắn, khuyên nhủ nhiều em học sinh cá biệt. Qua năm tháng, thầy dần nhận ra phương châm muốn giáo dục học sinh chưa ngoan thì cần có định hướng của nhà trường. Nhiều khi thầy tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh mới biết có em vì lý do mặc cảm không cha không mẹ, thiếu sự quan tâm của gia đình nên thầy luôn nhắn nhủ với đồng nghiệp hãy quan tâm đặc biệt, có cách ứng xử thấu tình đạt lý để có thể bù đắp phần nào sự thiếu hụt cho các em.
Năm 2004, thầy Tòng được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Khi đảm nhận nhiệm vụ quản lý, thầy luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nên được đồng nghiệp, phụ huynh học sinh quý mến, tin tưởng. Năm 2014, thầy được bổ nhiệm làm Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Bà Điểm. Nhanh chóng làm quen với môi trường mới, thầy chiếm được cảm tình của nhiều người bởi tác phong làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, tận tâm của mình.
“Chưa một giây phút nào hối hận vì đã chọn nghề giáo”
Thầy Tòng chia sẻ: “Những năm khó khăn nhất, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ rời bục giảng bởi nơi ấy như là một phần máu thịt của tôi vậy”.
26 năm gắn bó với môi trường sư phạm, thầy Lê Thanh Tòng đã nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, năm 2014, thầy Tòng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng III và danh hiệu nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng. Tiếp nối truyền thống sư phạm của gia đình, thầy Tòng đã không ngừng nỗ lực để có được những thành tích đáng trân trọng như thế. Trò chuyện với thầy, chúng tôi cảm nhận được sự lạc quan, yêu nghề. Thầy nói, mỗi ngày đến trường được nhìn thấy các em chính là động lực để người giáo viên gắn bó với bục giảng, thấy mình dường như trẻ hơn, hăng say với công việc hơn. Có lẽ chính vì vậy mà bao năm qua dù có những khoảnh khắc phải vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền nhưng chưa một giây phút nào thầy Tòng cảm thấy hối hận vì đã chọn nghề giáo. “Những năm khó khăn nhất, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ rời bục giảng bởi nơi ấy như là một phần máu thịt của tôi vậy”. Khó khăn là thế nhưng thầy rất cần mẫn tìm hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật những kiến thức mới và không ngừng học hỏi để nâng cao chuyên môn, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.
Không còn trực tiếp đứng lớp nhưng thầy thường tìm cách tiếp xúc với học trò mọi lúc mọi nơi, trong các hoạt động thể dục thể thao hay trao đổi với phụ huynh, đồng nghiệp… Thầy luôn tâm niệm không thể nhìn sự việc từ một phía rồi nhận định theo ý của mình, người lãnh đạo cần có sự quyết đoán nhưng nếu không chịu khó lắng nghe thì sẽ gây hậu quả khôn lường.
Thầy vẫn thường động viên những giáo viên trẻ mới ra trường hãy kiềm chế cơn nóng giận để cảm hóa học trò cá biệt, hết lòng chia sẻ, chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đối với những học sinh có sự tiến bộ thì người giáo viên hãy khuyến khích tinh thần các em bằng lời khen. Bấy nhiêu thôi cũng đủ tiếp thêm cho các em niềm vui, động lực để cố gắng phấn đấu.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, hiện là Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, một trong những học trò cũ của thầy Tòng tâm sự: “Tôi còn nhớ như in hình ảnh thầy Lê Thanh Tòng trực tiếp dẫn tôi cùng các bạn đến trung tâm nông nghiệp để tìm hoa cà chua, nuôi ruồi dấm, bắt cào cào rồi mang vô phòng thí nghiệm cho chúng tôi tập làm thí nghiệm. Thầy rất kiên nhẫn hướng dẫn để học trò làm được mới thôi. Năm đó, đội tuyển đạt giải. Thầy và chúng tôi ai nấy đều vui mừng. Thầy bình dị, ít nói và nghiêm khắc nhưng sau sự nghiêm khắc đó là lòng tận tụy, nhiệt tình, là cả một tấm lòng yêu thương học trò vô bờ bến”.