Thứ sáu, 25/4/2014, 00h04

Những lát cắt trong giáo dục: Kỳ cuối: Hội thảo khoa học: Có thật sự khoa học?

Một hội thảo khoa học đúng nghĩa. Ảnh: T.LÊ
Tổ chức hội thảo khoa học phải thực sự khoa học thì mới có thể phát huy hết tác dụng của nó, tránh trường hợp lan man hoặc sai mục đích ban đầu.
Hội thảo khoa học là cuộc thảo luận về một số vấn đề nào đó mang tính khoa học, lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Nội dung của hội thảo khoa học thường xuất phát từ nhu cầu bức bách của cuộc sống, từ  những đòi hỏi của xã hội đang đặt ra. Để xây dựng một hội thảo này, cần có sự tham gia của nhiều yếu tố trong đó tổ chức là khâu vô cùng quan trọng.
“Hội” nhưng không “thảo”, “khoa” mà chưa “học”
Một hội thảo không thể gọi là hội thảo khoa học khi yếu tố khoa học bị xem nhẹ ngay từ khâu ý tưởng tổ chức vì không ít hội thảo hiện nay được tổ chức bắt đầu từ một mục đích khác, không phải là mục đích đi tìm kiếm khoa học, vì khoa học, từ khoa học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Một thực trạng đáng buồn hiện nay là đa phần các hội thảo khoa học đều được tổ chức rất qua loa, đại khái. Kỷ yếu lúc có lúc không. Khi có thì kỷ yếu lại được biên tập một cách sơ sài, thậm chí còn sai nhiều lỗi chính tả không đáng có. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy, nhiều kỷ yếu được đưa vào sử dụng qua hình thức photocopy mà không cần công chứng. Song song đó, một vài bài tham luận hoàn toàn chưa đảm bảo về mặt nội dung mà chỉ cóp nhặt đây kia theo kiểu từ “râu ông nọ” đến “cằm bà kia” rồi tải lên để nộp vào. Ban tổ chức cũng không cần có bộ phận phản biện hay kiểm chứng lại chất lượng của bài viết mà cứ đăng thoải mái, vô tư. Nói như vậy để thấy rằng người làm khoa học muốn tổ chức một hội thảo cần có sự chuyên sâu, khoa học trong tất cả các khâu, các giai đoạn mới bảo đảm được chất lượng.
Chưa hết, nói về tính bất cập của việc tổ chức hội thảo khoa học hiện nay thì không thể không kể đến những gì diễn ra ngay trong hội thảo, hay nói khác đi là diễn biến “chưa khoa học” trong quá trình hội thảo. Xét về vị trí, chức vụ của những người trong hội thảo thì trưởng ban tổ chức hành chính thường kiêm luôn chủ tọa. Trong thực tế, không ít nhà khoa học đích thực phải được đặt để ở vị trí này nhưng không ít người cứ vô tình quên lãng mà tự thay mình vào vị trí đó. “Mốt” báo cáo đề dẫn dài lê thê cũng được trưng dụng tối đa. Kế đến, cứ mặc sức trình bày tham luận theo kiểu không chọn lọc. Cũng không ít nhà khoa học cứ cầm tham luận lên đọc chẳng sót chữ nào. Cứ như thế, hội thảo khoa học diễn ra cho đến việc đọc xong tất cả các bài hoặc đến thời gian hội thảo kết thúc.
Không dừng lại ở đó, sự “hô biến” thời gian cũng là thủ thuật mà người tổ chức hội thảo sử dụng để giảm tải sự “chịu đựng” của những người tham gia. Từ hai ngày thành một ngày, từ một ngày thành buổi trưa quá tầm… Không chỉ cá nhân đọc tham luận quá giờ cho phép mà đến người phát biểu cũng phát biểu lê thê chẳng còn khái niệm thời gian. Màn tranh luận phần nhiều diễn ra theo kiểu công kích nhau, có cơ hội “chém” hay “bắn tỉa” thì cứ vô tư… Cuối cùng là mục tổng kết hội thảo với chiêu thức soạn sẵn bảng tổng kết, hay chỉ “quẹt” vài ý thật nhanh, cảm ơn, “dĩ hòa vi quý”, hứa hẹn là xong tính khoa học của hội thảo khoa học.
Để hội thảo khoa học thật sự khoa học
Vấn đề nội dung là một yêu cầu đầy thách thức trong hội thảo khoa học và cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Để đảm bảo về mặt nội dung đòi hỏi khâu xét duyệt phải rất kỹ lưỡng. Muốn tổ chức một hội thảo cần xác định rõ mục đích và tầm quan trọng của hội thảo đó. Đây chính là việc trả lời cho các câu hỏi: Hội thảo có sản phẩm đích thực là gì (không phải kỷ yếu)? Có cấp bách để tổ chức? Có ứng dụng gì không?
Khâu tổ chức cần mạnh dạn chia thành hai phần với kết cấu: Phần trình bày và phần trao đổi sâu theo chủ đề (có tranh luận hẳn hoi). Tất cả các bài báo cáo đều phải nộp trước và phải bảo đảm việc có kinh phí riêng cho bài báo cáo. Cần có sự chọn lọc các bài báo cáo, khống chế thời gian một cách cụ thể cho từng bài báo cáo cũng như ý kiến phát biểu (báo cáo không quá 5 phút, ý kiến phát biểu không quá 2 phút).
Hai phần của hội thảo cần được tính toán kỹ lưỡng. Phần bàn luận, trao đổi… cần được “dành đất” và dành thời gian thỏa đáng. Nguyên tắc chọn trưởng nhóm theo khuynh hướng thảo luận nhóm nhỏ trong hội thảo hay bàn bạc sâu theo chủ đề có định hướng kèm theo bảng xin ý kiến trực tiếp nên được vận dụng vì vừa bảo đảm được tính cá thể hóa trong hội thảo, vừa bảo đảm việc giải quyết nhiệm vụ của hội thảo một cách nhanh nhất.
Cần cải tiến công tác in ấn kỷ yếu và biến nó thành một sản phẩm khoa học đích thực. Việc thực hiện kỷ yếu khoa học cần theo quy trình: Nhận bài, phản biện độc lập, chỉnh sửa, biên tập khoa học, biên tập kỹ thuật và đăng tải… Yêu cầu đăng tải thành một ấn phẩm khoa học có giấy phép xuất bản sẽ khẳng định được giá trị khoa học của hội thảo.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Cần có những giải pháp phù hợp
Có thể nói, hiện nay hội thảo khoa học đang dần mất đi bản chất khoa học vốn có của nó. Những nhà tổ chức, nhà khoa học cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan để từ đây có thể đưa các giải pháp phù hợp. Một mặt, nó giúp giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, nó trở thành một cơ hội học hỏi về kiến thức chuyên môn và kiến thức thực tế của những người làm khoa học.