Thứ sáu, 11/12/2009, 16h12

Những người lính trên bục giảng: Bài 3: “Mình vốn là người lính mà...”

 

Thầy Ngọc đang hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho cán bộ phòng

Cơ thể suy nhược, thậm chí có lúc tóc rụng gần hết. Đây là những di chứng của chiến tranh, mà thầy Phan Kim Ngọc thuộc Đại đội 18 DKZ Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 Quân khu 5 mắc phải, khi thầy đi qua khắp các chiến trường Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam rồi tiến về giải phóng Đà Nẵng.
Khát vọng nghiên cứu khoa học
Thầy Ngọc hiện là giảng viên Khoa Sinh học, Trưởng phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc thuộc ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), một phòng thí nghiệm thuộc loại quan trọng, hiện đại của cả nước. Tuy chỉ có bằng thạc sĩ nhưng thầy điều hành một đội ngũ 45 nhà khoa học, trong đó có một số người có học vị cao hơn mình. Điều rất trân trọng là ai cũng nể phục và quý mến thầy, bởi ở thầy có một ý chí nghị lực, một tấm gương ham học và khát vọng nghiên cứu, sự tận tụy với học trò. Trước đây, sau khi làm xong luận văn thạc sĩ với mã ngành đào tạo là… môi trường sinh thái, nên khi thầy “bén duyên” với tế bào gốc thì rất khó khăn về thủ tục đào tạo. Đây là một ngành khoa học còn non trẻ của nước nhà, một lĩnh vực mũi nhọn của thế kỷ 21. Theo thầy, tất cả sinh vật bậc cao (trong đó có con người), có hai loại tế bào (cell). Loại thứ nhất: là các tế bào đã có một chức năng sinh lý nhất định, ví dụ đó là các tế bào máu, tim, thần kinh... Các tế bào này được gọi chung là tế bào sinh dưỡng (soma). Loại thứ hai: là tế bào sinh dục, chúng có chức năng sinh sản duy trì nòi giống, ở người đó là trứng và tinh trùng. Hiểu một cách nôm na thì tế bào gốc là một loại “phụ tùng thay thế” mà hàng triệu năm qua tạo hóa đã để nó “ngủ quên”. Bây giờ, khi khoa học phát triển, các nhà khoa học “biết” được và họ đã “kích hoạt, đánh thức” nó.
Với những đóng góp to lớn cho khoa học thầy được Nhà nước đặc cách cho bảo vệ luận án tiến sĩ (không qua thi tuyển). Vậy mà thầy lại… băn khoăn vì mình quá bận với phòng thí nghiệm. “Thôi thì, đạt được bằng tiến sĩ cũng tốt, mà không có cũng đành chịu. Mình vốn là người lính mà…”, thầy Ngọc tâm sự.
Tuổi trẻ là “nhựa sống cho cây đời nở hoa”
Trong chiến tranh sự sống và cái chết cứ đuổi bắt nhau như hình với bóng. Những người trẻ tuổi họ hi sinh một cách bi tráng, giản đơn như việc họ rời giảng đường đại học, tạm xa con trâu, luống cày, từ giã gia đình vào Nam đánh Mỹ. Vẻ đẹp và sự trẻ trung của họ đối lập một cách tàn nhẫn với sự nghiệt ngã của “binh đao, khói lửa”. Thầy Ngọc sinh năm 1956 tại Quảng Ninh, 16 tuổi học xong lớp 10/10, dù có giấy báo đi học đại học nhưng thầy vẫn quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 12 năm 1972, thầy lên đường vào Nam chiến đấu, bước chân của thầy đã đi qua nhiều vùng đất của “khúc ruột miền Trung” giàu đẹp về cảnh vật và con người. Ở đó người ta không nhìn thấy dấu vết bi thảm của chiến tranh, bởi trong đau thương, tàn khốc đó vẫn ngời lên ánh sáng lấp lánh của tình người, thấy được sự sống mơn mởn vươn lên giữa bom đạn. Trong trận chiến bảo vệ “chốt” Nông Sơn, Tiên Phước, Quảng Đà, những chiến sĩ “sinh viên” đã chiến đấu ngoan cường, bảo vệ từng tấc đất mà biết bao máu đào của lớp lớp đồng chí mình ngoan cường gìn giữ. Cả đại đội của thầy khi đó chỉ còn lại khoảng 7, 8 người tất cả đều là sinh viên xung phong ra trận tuyến. Tất cả chung sức, đồng lòng quyết giữ trận địa đến cùng. Kẻ địch được trang bị súng ống đạn dược đến “tận răng” và quân số cấp tiểu đoàn có phi pháo và máy bay yểm trợ nhưng đã không chiếm được chốt, phải chấp nhận rút quân. Lúc này anh em mới có được chút thời gian nhìn lại nhau xem ai còn ai mất. Ba chiến sĩ hi sinh, việc gấp nhất là phải đưa tử sĩ ra khỏi mặt trận, thầy Ngọc cùng các chiến sĩ còn lại kết hợp cùng bộ đội lên tiếp tế nhanh chóng làm công việc khâm liệm những đồng đội đã hi sinh. Hai đồng chí hi sinh trong khi chiến đấu đã kịp khoác áo mưa, nên thuận lợi trong việc đưa về hậu cứ. Người còn lại, trong khi tắm rửa anh em mới phát hiện ra tấm áo mưa, được gấp cẩn thận và buộc quanh bụng. Mở áo mưa ra để khâm liệm, thật bất ngờ trong đó là cách giải bài toán hình học được viết bằng đất đỏ chưa kịp bong ra. Những con số, cách giải bài cứ nhòe đi trong nước mắt của những người còn sống, tiếng nấc khẽ, vang lên trong phút tĩnh lặng của chiến trường. Sau này, khi đã trở về với giảng đường theo học tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là ĐH KHTN thuộc ĐHQG TP.HCM), trong cuộc sống thanh bình khi nhớ về đồng chí, đồng đội của mình thầy Ngọc đã làm bài thơ Khát… học! để tưởng nhớ về đồng đội:
Một thằng ngân khúc nhạc tình
Đứa chữa súng, đứa họa hình bóng quê
Chỉ mong, trận mạc hết rồi
Thân còn lành lặn để ngồi ôn thi… !
Ước mơ vẫy chúng mình đi
Giữa hai trận đánh có gì gửi nhau…
… Ta về ngồi giữa giảng đường
Khát mong sáng lối về phương chúng mày
Ta học - ta học thật say
Học bù cho cả chúng mày… Bạn ơi!
Ra trường được giữ lại làm giảng viên cho đến ngày hôm nay, trong tâm hồn thầy Ngọc luôn thổn thức:
Ba mươi năm cứ ngất đau
Nhớ thương đồng đội… rừng sâu gửi hồn...
... Chỉ còn ta với thời gian
Trán trầy trụa nhớ, ngực tàn tã thương!         
Nỗi nhớ đồng đội được thầy Ngọc “dồn” hết cho lớp lớp sinh viên bởi theo thầy: Khi các em được dạy bảo ân cần, có tri thức sẽ có tất cả. “Từ nhiều năm nay, khi giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp, tôi có điều kiện tiếp cận với nhiều sinh viên, học viên ở nhiều trường khác nhau. Tôi nhận ra rằng, chúng ta đã lãng phí một nguồn tài nguyên quý, đó là lực lượng khoa học trẻ. Rất nhiều em khá giỏi, có khát vọng lập nghiệp bằng con đường khoa học. Vấn đề là làm sao tuyển chọn được những em tốt nhất, hơn nữa khi tuyển chọn rồi, làm sao để các em có được những điều kiện tạm ổn để sống và làm việc”, thầy Ngọc tâm sự. Đến nay, dưới sự dạy dỗ của thầy, từ phòng thí nghiệm này đã đào tạo được hàng trăm cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, có trình độ cử nhân và thạc sĩ. Công bố gần 70 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, xuất bản hai cuốn sách chuyên môn, được các nhà chuyên môn và công luận đánh giá xuất sắc.
Lê Quang Huy
Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân, PGS. TS Lý Hòa, ủy viên thường vụ Hội CCB TP, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM nhận xét về người đồng nghiệp của mình: “Phan Kim Ngọc là một tấm gương sáng về sự ham học, về lòng say mê khoa học, về ý chí và nghị lực vươn lên, xứng đáng với phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ”, đã chiếm lĩnh được đỉnh cao khoa học trên mặt trận mới: khoa học công nghệ”.