Thứ tư, 4/3/2015, 14h03

Nỗi buồn đi chùa đầu năm

Việc đi chùa đầu năm cầu may mắn, xin lộc... từ lâu đã trở thành một nét văn hóa tâm linh riêng. Thế nhưng, việc này đã không còn giữ lại được giá trị nguyên bản tốt đẹp với những biến tướng như đổi tiền ăn chênh lệch với giá cắt cổ, trộm cắp, đánh bài, phóng uế bừa bãi... đang làm xấu đi nét văn hóa tâm linh nơi chốn linh thiêng.
1. Những ngày đầu năm mới, nhu cầu đổi tiền lẻ người dân tăng cao. Mệnh giá 500, 1.000, 2.000 và 5.000 được đổi nhiều nhất. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là những người đổi tiền lại ăn chênh lệch rất cao có thể lên đến “10 ăn 3” và cao nhất là “10 ăn 5”, tùy theo mệnh giá đổi. Các chùa lớn thì người đến viếng càng đông, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiền lẻ càng cao thì việc đổi tiền lại khó hơn. Lợi dụng điều này nhiều người đã đẩy chênh lệch lên cao hơn tới 50% số tiền đổi. Có nghĩa là nếu muốn đổi 100.000 đồng thì phải đưa 200.000 đồng. Thế nhưng, vẫn có người đổi, thậm chí có người còn đổi cả triệu đồng. Cụ thể loại 2.000 đồng là “10 ăn 3” nghĩa là cứ 10.000 đồng thì người đổi chỉ lấy được 7.000 đồng. Cũng có nơi “10 ăn 2”. Tiền mới cứng thì “10 ăn 4”, nhưng loại tiền này khá hiếm, phải khách “sộp” mới chơi.
Tại chùa Bà (Tây Ninh) khi lên đến sân chùa nơi điện bà cũng có chỗ đổi tiền lẻ. Không hoạt động công khai nhưng lại đổi tiền với giá cắt cổ “10 ăn 5”. Bạc triệu chỉ đổi được tiền trăm. Biết là đắt nhưng vẫn có người đổi bởi không ai muốn đi xuống hơn 1.580 bậc đá để đổi với giá rẻ hơn.
Chúng tôi được biết, các tổ chức, cá nhân tự ý hoạt động đổi tiền lẻ mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, điều 5, nghị định 69/2014/NĐ-CP, 17-10-2014 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, dịch vụ đổi tiền lẻ không được phép hoạt động và mức xử phạt vi phạm từ 20-40 triệu đồng. Mục đích nhằm chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ ăn chênh lệch quá cao đang tồn tại hiện nay nhưng xem ra vẫn chưa đạt hiệu quả nhất định.
2. Thời gian gần đây, đang rộ lên việc tháo phụ tùng xe và các bãi giữ xe đang là mục tiêu béo bở cho bọn trộm. Không chỉ nhắm vào các “thí chủ” mà bọn trộm còn nhắm vào phụ tùng của những chiếc xe dựng ngoài bãi xe. Những chiếc xe như Lead, SRC... là mục tiêu số 1. Chúng tháo IC (bộ phận điều khiển toàn bộ hệ thống điện của xe) mang bán. Những chiếc xe này thường không có cần đạp nên IC được làm rất tốt và có giá rất cao, giá chính hãng phải từ 2,5-3 triệu đồng. Giá ngoài chợ trời cũng dao động từ 1,5-2 triệu đồng tùy theo “tuổi thọ” được người mua thẩm định là xe mới hay xe chạy lâu rồi. Theo như tìm hiểu thì một con IC mang đi bán có giá không dưới 1 triệu đồng. Trong khi đó, những tên trộm này hoàn toàn có thể tháo chỉ trong vòng vài phút.
Việc giữ xe đông nên hầu hết các bãi thầu không thể kiểm soát hết được. Chỉ có thể là có thẻ xe thì dắt xe ra còn việc xe mất mát gì thì không chịu trách nhiệm. Vốn dĩ họ không thể kiểm soát được kẻ gian vào bãi xe, tháo gỡ phụ tùng, mở cốp lấy đồ. Dắt xe ra thấy cốp xe bị lục tung, xe không nổ kiểm tra mất IC quay lại bắt đền thì nhận được câu trả lời “chỉ giữ xe còn xe là được mất gì không biết”. Ngay đến chỗ để xe cũng khiến người đi chùa phải lo nơm nớp, không yên tâm.
Không còn cách nào khác, người đi chùa phải tự biết bảo vệ mình, cẩn thận để tránh bị kẻ gian lợi dụng, làm hại.
Phạm Quyên