Thứ ba, 7/12/2010, 09h12

“Robinson” ở giữa lòng thành phố

“Robinson” Nam (bên phải)

Một khoảng đất lớnnằm dọc theo Rạch Đỉa (Q.7) mà cư dân vẫn thường gọi là “đảo”. Từ “đảo” nhìn về hướng đông bắc là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng sầm uất. Tôi đã có một ngày làm “Robinson” trên “hòn đảo” này.
Các cư dân đầu tiên đặt chân lên “đảo” là ông Tư, anh Cảm… Họ là những người đã sinh ra và lớn lên ở chính mảnh đất nông nghiệp này.
“Đảo” giữa lòng thành phố
Nằm giữa bốn bề sông rạch, không có đường bộ đi qua, để ra “đảo”, phương tiện duy nhất là xuồng. Sau nhiều lần hẹn, tôi được Nam, con trai duy nhất của “Robinson” Cảm đưa ra “đảo”. Sau hơn 30 phút chèo xuồng, trước mặt tôi là một dải đất bạt ngàn. Từng ao cá, vuông tôm, màu xanh của luống rau, dây bầu và những căn chòi cũ nát dần hiện rõ.
Người có đất trên “đảo” thì đổ vốn đào ao thả cá. Cũng có người được chủ đất cho làm không, coi như công để giữ đất. Ngày họ khăn gói ra “đảo”, không ít người nói ra nói vào vì chỉ có mấy cha đầu óc “không bình thường” mới bỏ nhà ra “đảo” vắng sinh sống. Nhưng cũng nhờ “không bình thường” mà điều kiện kinh tế của một số gia đình khá hẳn lên.
Cuộc sống trên “đảo” vô cùng khắc nghiệt, nếu không kiên trì thì đã nói lời từ biệt “đảo” ngay từ những ngày đầu. Ông Tư có trên 1ha đất trên “đảo”. Hơn 1/3 ông đào ao thả cá, phần còn lại ông cho dẫn nước từ kênh vào để nuôi tôm càng. Điều đặc biệt, vuông tôm của ông Tư không phải thả một con giống nào mà đều là tôm thiên nhiên vào sinh sản. Mỗi mùa thu hoạch, lợi nhuận từ tôm càng không dưới 15 triệu đồng. Còn cá thì cứ đều đều một năm kéo khoảng 1 tấn, tiền lãi sau khi trừ chi phí thức ăn, công cán không dưới 30 triệu đồng.
“Robinson” liều lĩnh nhất có thể nói đến anh Cảm. Năm 2005, nhận được gần 500 triệu đồng tiền đền bù đất nhưng anh Cảm lại dùng hết số tiền ấy để ra “đảo” đầu tư đào ao nuôi cá. Lần ấy, vợ chồng anh suýt phải ra tòa ly dị vì quyết định táo bạo của anh. Nhớ lại những ngày đầu, anh Cảm cũng không nghĩ ra tại sao lúc đó mình liều vậy. Anh Cảm nói: “Chỉ tính chi phí đào ao, dựng chòi cũng mất gần 200 triệu đồng, chưa kể tiền mua cá giống. Khi thả lứa cá đầu, trong người chỉ còn chút ít tiền để mua thức ăn cho cá giáp vòng. Đến gần mùa thu hoạch thì nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt, coi như trắng tay. Không lẽ để số tiền lớn trôi theo con nước, tôi quyết định đi vay mượn để tiếp tục thả cá. Mùa thu hoạch sau tôi trả hết nợ”.
Gần đến giờ cơm trưa, ông Tư lệnh cho người làm công bắt tôm càng, cá chép chế biến để thết đãi khách. Dưới cái nắng chang chang, bếp lửa ngoài trời được nhóm lên để nướng tôm, cá. Mùi tôm nướng thơm lừng như mời gọi. Ông Tư ra trước chòi vẫy tay ra hiệu cho những “Robinson” khác đến chung vui. “Robinson” trên “đảo” sống rất chan hòa, đoàn kết. Khi có người không may đau bệnh, họ sẵn sàng bỏ cả ngày làm để chèo xuồng đưa đi bệnh viện. Có miếng ăn ngon được mang từ nhà ra cũng chia năm xẻ bảy. Đêm đẹp trời, các “Robinson” lại có dịp quây quần với nhau dưới ánh đèn dầu leo lét. Đó là những bữa tiệc đạm bạc từ thiên nhiên như con tôm, con cá, mớ rau cải tự tay họ trồng và một thứ không thể thiếu là rượu đế.
Ra “đảo” làm ăn
Việc đi lại khó khăn nên kéo theo cuộc sống trên “đảo” cũng lắm chật vật, thiếu thốn trăm bề. Vừa chăm lo cho ao cá, vuông tôm, nhiều “Robinson” phải trồng thêm rau cải, bầu, bí để cải thiện bữa ăn. Riêng “Robinson” Cảm nuôi thêm 3 con heo rừng lai, 20 con gà và gần 100 con vịt đẻ.
Khó khăn lớn nhất của những “Robinson” trên “đảo” hiện nay là không có nước và điện. Để có nước sinh hoạt, hàng tuần họ phải chèo xuồng vào đất liền mua nước, mỗi chuyến không dưới 30 can loại 30 lít. Đêm lại, “Robinson” chỉ có chiếc radio là người bạn không thể thiếu. Radio vừa là phương tiện giải trí duy nhất vừa là kênh thông tin để nghe ngóng thời tiết. Ông Tư nói về sự quan trọng của chiếc radio đối với cư dân sống trên “đảo”: “Sống ở đảo mà không có chiếc radio thì mất của như chơi. Radio được bật 24/24 nghe dự báo thời tiết mà đối phó cũng như theo dõi triều cường lên xuống mà có biện pháp đắp ao, be bờ để giữ cá, tôm”. Robinson Cảm tâm sự: “Có thể nhịn đói cả ngày được nhưng không thể thiếu chiếc radio”. Những câu chuyện nơi đất Tàu, trời Tây, từ chuyện chính trường nước Mỹ đến Triều Tiên tổ chức tập trận hay giá vàng, giá đô la trong nước và thế giới… “Robinson” đều biết cũng nhờ chiếc radio.
Thu nhập của những người làm thuê trên “đảo” thấp nhất là 4 triệu đồng, cao nhất là 6 triệu đồng/tháng. Nhưng với đồng lương như vậy, người lao động phải quần quật từ sáng sớm đến chiều tối. Các ngày mưa gió, triều cường họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Dù “đảo” chỉ cách nhà 30 phút đi xuồng nhưng vì nhiều lẽ nên có khi cả tháng, “Robinson” mới được về nhà một lần. “Mỗi lần được về cứ như được đi du lịch vậy”, Nam nói.
Bài, ảnh: Trần Trong Tri

“Đảo” trước kia là ruộng lúa. Cây lương thực chính của vùng đất này hiện không cho hiệu quả kinh tế là mấy nên chuyển sang trồng cây ăn trái ngắn ngày nhưng cũng chẳng khả quan. Từ đó, đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Những năm gần đây, diện tích đất vườn dần thu hẹp. “Cái khó ló cái khôn”, người dân bắt đầu nghĩ đến chuyện chinh phục “đảo” hoang.