Thứ sáu, 22/10/2010, 16h10

Tinh hoa gốm Lái Thiêu: Kỳ 1: Giữ “lửa” cho nghề

Sản phẩm gốm đã ra lò

Người đời có thể đếm được thời gian hình thành dòng gốm Lái Thiêu nhưng không thể đong nổi mồ hôi mà những người thợ đã đổ xuống để lưu truyền cho nghề gốm ngày một vang danh...
Đã 5 năm rồi tôi mới trở lại làng gốm nổi tiếng xưa nay thuộc ấp Đông Tư, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hồi đó, từ Đông Tư sang Đông Nhì rồi ngược lên xóm chợ Lái Thiêu đâu đâu cũng có lò gốm. Và Đông Tư là địa phương góp phần làm cho dòng chảy của gốm Lái Thiêu luôn tuôn trào từ giữa thế kỷ XIX đến nay.
Tự hào vì nghề
Buồn là cả thị trấn Lái Thiêu bây giờ chỉ còn lác đác vài lò gốm. Phần vì thời buổi cạnh tranh, sản phẩm làm theo đơn đặt hàng của các công ty xuất đi nước ngoài yêu cầu phải sắc sảo trong từng chi tiết, nhưng các chủ lò lại ít vốn nên không thể đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Kết quả họ phải đổi nghề. Một nguyên nhân nữa là do ô nhiễm môi trường, các chủ lò chuyển về huyện Tân Uyên, nơi có nguồn đất sét là nguyên liệu phục vụ cho nghề. Hơn nữa, nhiều sản phẩm gốm phục vụ trong gia đình như lu, khạp, bình hoa… nay cũng ít người chuộng nên các lò chuyên về dòng sản phẩm này cũng lao đao.
Ở Đông Tư còn lại duy nhất lò gốm của ông Chảy đang hoạt động hiệu quả. Tuy công việc kinh doanh không rầm rộ như trước nhưng cũng đủ điều kiện để giữ cái nghề truyền thống của gia đình và giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương. Lao động làm việc tại lò gốm này đa số là con, cháu của những gia đình đã nhiều đời làm gốm nhưng vì nhiều lý do mà họ không thể phát triển nghề. Chị Gái là một ví dụ. Gia đình nội, ngoại có hơn 10 người làm gốm nhưng giờ chỉ còn mình chị theo nghề. Chị Gái tâm sự: “Mình không làm thì cả dòng họ không còn ai nối nghiệp”. Là phận nữ yếu ớt, chị Gái chỉ có thể làm những sản phẩm nhỏ, không cầu kỳ. Mỗi cái chậu ra khuôn chủ lò trả công cho chị 1.500 đồng. Hôm nào đi sớm về muộn thì làm cũng được 30 cái. Tháng mưa ít hàng, coi như thất nghiệp.
Anh Trung, quê Thanh Hóa tự hào vì có được nghề làm gốm nơi đất khách. Để trở thành thợ lành nghề, anh đã trải qua một thời gian dài học việc. Anh Trung nhớ lại: “Lúc mới xin theo nghề, người ta bắt mình bê đất, chuyển hàng đi phơi, vào lò… chứ có được làm đâu. Nhiều người cùng vào với mình đã bỏ ngang vì quá cực. Đến khi cho mình làm gốm họ lại ra điều kiện phải làm được 20-30 sản phẩm/ ngày mới được theo nghề”. Cũng chính nhờ vào sự khắt khe ấy mà nay anh Trung đã có thể làm được nhiều sản phẩm lớn, đòi hỏi tính kỹ thuật và mỹ thuật cao. Hiện thu nhập của anh không dưới 4 - 5 triệu đồng/ tháng.
Bên kia đường Nguyễn Văn Tiết là ấp Đông Nhì. Ngày ấy, đi ngang qua đây lò gốm dày đặc, ngày đêm khói bay nghi ngút nhưng nay hỏi lò gốm ở đâu thì ai cũng lắc đầu. Có chăng chỉ còn vài người đi làm thuê cho các lò ở những vùng lân cận. Cụ ông Nguyễn Quang không thể giữ được nghề gốm ba đời cũng chỉ vì “ô nhiễm môi trường”. Cụ Quang dắt tôi vào nhà để khoe hàng trăm sản phẩm gốm với hoa văn trang trí phong phú. “Đó là gia tài mà ông bà tôi để lại cho đời sau”, cụ Quang nói.
Tre già, măng có mọc?

Khuôn viên rộng khoảng 1ha của một lò gốm được chia làm nhiều khu riêng biệt như khu làm khuôn, sân phơi, khu trộn đất, lò nung, thành phẩm… Muốn đi từ khu này sang khu kia phải len lỏi giữa hàng chậu, lu… cao ngất. Thấy tôi có ý định vào tham quan, một nữ công nhân nhắc nhở: “Anh đi nghiêng người, không khéo là ngã hàng hết”. Cái cách chất hàng của người làm gốm cũng nghệ thuật lắm, nhìn cứ như ma trận. Nếu không khéo chạm nhẹ vào một cái là sẽ ngã nhào hết. Cho nên, người lấy hàng cũng phải nhất nhất tuân thủ vào quy luật chất hàng.
Làm gốm đâu dễ. Cứ nghĩ có khuôn, mẫu rồi làm theo là được. Nhưng không, khuôn chỉ là vật để cố định khối đất, tạo nên hình hài thô và hoa văn của sản phẩm. Cái chính vẫn là sự khéo léo, kỹ thuật nhuần nhuyễn của đôi tay. Ngoài ra, người thợ còn phải có cơ bắp chắc khỏe để ôm từng khối đất, chuyển từng sản phẩm nặng hàng chục kg ra ngoài.
Sau khi chuẩn bị một khối đất vuông vức, cắt đều thành từng mảng mỏng, anh Trung lấy một lát đặt trên tấm gỗ lán. Sau đó anh dùng lòng bàn tay và 5 đầu ngón tay tì mạnh tạo sọc dài rồi trát thêm đất lên. Khuôn đã chuẩn bị sẵn, dùng lát đất ấy đặt vào khuôn. Cứ thế dùng ngón tay tì xuống để đất áp sát vào khuôn vừa tạo hoa văn rõ nét vừa tránh tình trạng sản phẩm bị xé sau khi nung.
Sản phẩm sau khi tạo hình sẽ đem phơi khô, tiếp đó mới đến công đoạn nung. Nếu cần tráng men theo yêu cầu đặt hàng thì phải xối men lên rồi cho vào lò. Công đoạn nào cũng có cái khó và vất vả riêng của nó. Nhưng khó nhất vẫn là khâu nung. Người canh lửa phải có kinh nghiệm, thiếu lửa sẽ làm giảm tuổi thọ của sản phẩm còn quá lửa sẽ làm thay đổi màu men. Mất khoảng 4 ngày nung sản phẩm có thể ra lò.
Ở các khâu khác, công nhân lãnh lương theo sản phẩm hoặc công nhật. Còn riêng khâu ra lò được trả lương theo hầm (tức lò nung). Người làm công việc ra lò rất hiếm nhưng không vì thế mà họ “có giá”. Người ra lò chạy sô cả ở các lò gạch trên địa bàn. Cửa lò hẹp, chiều cao hầm chưa đến 1,5 mét nên người làm phải khom suốt nhiều giờ liền để đưa hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ ra ngoài trong khi thù lao nhận được chỉ 60 ngàn đồng/ hầm. Khi cửa lò thứ hai mở ra, tôi thử vào bên trong nhưng chưa đầy 1 phút đã bị dội ngược vì quá nóng. “Đã có lần tôi bị xỉu, ngạt thở vì nóng”. Anh Hoàng, người ra lò cho biết.
Nhiều nghệ nhân dù không còn theo nghề nhưng hàng chục năm qua họ đã cống hiến cả đời để “giữ lửa” nghề truyền thống. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ đeo bám dai dẳng nhưng họ yêu nghề, yêu gốm, yêu cái màu nâu đỏ của đất sét lấm lem trên người. Trong kẽ móng tay, móng chân của người thợ không bao giờ sạch đất ấy vẫn đau đáu nỗi lo: “Liệu tre già măng có mọc?”.n
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Các nghệ nhân gốm xưa đã đúc kết rằng: “Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Tức quan trọng nhất là nguyên liệu, kế đến là khâu nung, sau đó mới đến phần tạo hình và trí óc (trang trí, hoa văn…) của nghệ nhân.