Thứ ba, 19/8/2014, 15h08

Tủ áo dài của cô Liệp

Những thế hệ học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đoán cô Liệp có hơn 100 bộ áo dài. Khi dạy mỗi tác phẩm văn học, cô có hẳn một bộ riêng.

Những chiếc áo dài ghi lại từng giai đoạn thăng trầm của đất nước trong văn học là tài sản cô Đoàn Liệp trân quý, nâng niu - Ảnh: Hải Thi

​Tủ áo dài của cô là đề tài bàn tán hấp dẫn của đám học trò.

Với riêng cô Đoàn Liệp, đằng sau cánh cửa tủ là câu chuyện dài của lòng yêu nghề, yêu văn, tình yêu nước non cháy bỏng, là kết tinh nước mắt ngóng chồng, khóc chồng hi sinh ngoài mặt trận, cũng là ánh sáng rực rỡ nhất trong đêm đen cuộc đời đặc quánh, nhọc nhằn.

Tủ sách giáo khoa áo dài

Trên bục giảng, cô dạy bài Việt Bắc. Cô xoay người viết bảng, lũ học trò ồ lên. Một bông hoa chuối đỏ tươi nổi bật cuối vạt tà sau. “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi đó!” - cô giảng bài, dưới lớp là rừng ánh mắt thích thú nhìn lên.

Cô chưa từng giải thích ý nghĩa của những chiếc áo dài, thường những đứa tinh ý nhất phát hiện rồi cả đám cùng đoán. Đố nhau tiết văn hôm nay cô Liệp sẽ mặc áo dài màu gì, chi tiết nào trong tác phẩm được đưa lên áo... là trò chơi nhỏ của bao lứa học trò.

Học Chiếc thuyền ngoài xa thể nào áo cũng màu xanh biển có hình ảnh chiếc thuyền. Học Các vị la hán chùa Tây Phương, áo dài cô hẳn sẫm nâu sồng với họa tiết mái chùa ẩn hiện... Y như rằng.

Vì vậy, mỗi chiếc áo dài của cô đều có tên riêng. Đây áo dài Tây Tiến có bóng người xuôi thuyền độc mộc thấp thoáng sau đám cỏ lau với hai câu thơ viết kiểu thư pháp được bố cục ý tứ: “Có nhớ dáng người trên độc mộc. Xuôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Đây áo dài Đất nước vàng thu Hà Nội có hồ Gươm gợn sóng...

Muốn may chiếc áo dài cho tác phẩm nào, cô suy nghĩ màu sắc chủ đạo, ra chợ lựa vải rồi lên bản phác thảo. Cô nói lại ý mình cho một cô giáo dạy vẽ để vẽ trực tiếp lên áo. Ngót 20 năm, hai cô giáo hiểu nhau qua những chiếc áo dài, thân thiết như chị em. Những chiếc áo dài vẽ cũng chính là những tác phẩm hội họa. Vẽ cho nhau không lấy tiền công. Những chiếc áo dài giúp hai cô thành tri kỷ.

Cô Liệp kể ban đầu cô chỉ có vài chiếc áo dài vẽ những tác phẩm yêu thích. Cho đến những năm 1999-2000, một cậu học trò... dốt văn đã nung thêm lửa cho ý định thực hiện một tủ sách giáo khoa áo dài của cô. Cậu không phải học trò cô nhưng vì điểm văn toàn lẹt đẹt trên dưới... 3 mà cậu tìm đến lớp dạy thêm miễn phí cô mở mỗi chủ nhật.

Ngày biết kết quả thi tốt nghiệp, cậu chạy như bay tìm cô, mặt đỏ bừng báo tin được 6,5 điểm môn văn! Cậu nói không kịp thở: “Con cứ nhớ cái áo dài của cô mà viết!”. Đó là chiếc Người lái đò sông Đà. Từ đó, cô càng trau chuốt những chiếc áo dài như một loại giáo cụ trực quan.

Tuy nhiên, cũng có những chiếc áo dài cô giữ riêng câu chuyện của mình.

Nước mắt Chinh phụ ngâm

Ngày 20-11 hằng năm, đám học trò rủ nhau kéo đến nhà cô Liệp. Có bạn vô tư hồ hởi: “Nhiều áo dài vậy, chắc cô giàu dữ!”. Vậy nên các bạn lặng đi khi đứng trước cổng ngôi nhà nhỏ núp dưới tán mận, tán bằng lăng xanh mướt. Đây đó trong khoảnh sân là chậu ớt, chậu cà, có cái chảo lớn cô dùng chiên chả giò bán kiếm thêm thu nhập. Trên tủ thờ, di ảnh một chàng trai trẻ có gương mặt thanh tú đặt sau bát hương.

Tháng 12-1977, ôm đứa con đỏ hỏn, cô nghe tin chồng đã hi sinh. Anh nằm lại chiến trường Campuchia ở tuổi 25. Bức thư cuối về với ba mẹ cô sau khi anh mất. “Vợ con sắp sinh mà con không về được, không biết cô ấy có giận con không?”.

Từng dòng của người đã khuất cắt vào tâm can người vợ trẻ. Đằng đẵng nhiều năm, cô tự giày vò trách mình hà cớ gì mê Chinh phụ ngâm để câu chữ vận vào đời. Tháng 12, cô chỉ mặc màu áo tang và áo tím - màu yêu thích của người chồng chiến chinh không trở lại.

Một thân nuôi con bằng đồng lương sư phạm, cô đẩy thêm xe bánh mì buổi sáng, xe xôi mặn buổi tối nhặt đồng ra đồng vào. Khéo tay làm chả giò, cô nhận bỏ mối cho hàng quán khắp Sài Gòn. Bạn bè gom góp mua máy may để cô nhận may gia công.

Cuộc sống của cô không có niềm vui nào ngoài khoảnh khắc nhìn bàn tay con nhỏ xíu cuốn chả giò phụ mẹ và mua quyển sách, may chiếc áo dài. Niềm vui cũng là sự khổ sở khi cầm trên tay quyển sách, thước vải phải suy tính cách bù vào khoản tiền tiêu tốn. Vì vậy, nếu cô con gái là báu vật thì tủ sách và tủ áo là tài sản lớn nhất của cô.

Nghỉ hưu đã bảy năm, người trong xóm vẫn thấy cô hằng ngày mặc áo dài đi dạy. Bông hoa chuối thi thoảng lay lay theo chân cô bước. Cô dạy luyện thi, dạy tiếng Việt cho sinh viên, dạy văn cho các trường tư. Cô đùa nếu không đi dạy, cớ đâu để tiếp tục mặc áo dài...

Chiếc áo và bài học làm người

Yêu áo dài, cô cũng dạy học trò mình cách ứng xử với chiếc áo truyền thống. Nữ sinh lớp cô chủ nhiệm luôn được cô dành một tiết sinh hoạt đầu năm hướng dẫn cách mặc, bảo quản áo dài, cách ngồi, cách đi đứng sao cho duyên dáng.

Những dịp 8-3, lễ Vu lan cô lại mặc chiếc áo dài hoa sen đứng lớp, nhắc đám nhỏ hiếu kính mẹ cha bằng hai câu thơ trên tà áo: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.

Cô quan niệm những điều rất đỗi to tát như lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, yêu văn hóa truyền thống dân tộc có thể được giáo dục bằng những phương pháp nhập tâm đơn giản như vậy.

HẢI THI (TTO)