Thứ ba, 29/7/2014, 22h07

Tù tội, phá sản vì buôn “gỗ đen”

Cao Xuân Thiện trước vành móng ngựa với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Thời gian qua, dư luận ở Quảng Trị rộ lên tình trạng buôn lậu “gỗ đen” với tham vọng làm giàu của những người kinh doanh gỗ. Nhưng giấc mơ làm giàu chưa thấy đâu, đã thấy họ vỡ nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng...
Vài năm trở lại đây, nhiều “đại gia” ở đất Quảng Trị nung nấu giấc mơ làm giàu bằng con đường buôn gỗ. Con đường buôn gỗ này chủ yếu là đi mua gỗ ở Lào, tạm nhập về Việt Nam (thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo) rồi sau đó tìm mối xuất lại số gỗ này sang một nước thứ 3 để kiếm lãi cao. Việc mua bán gỗ này của các chủ gỗ phần nhiều không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Vợ chồng vào tù vì gỗ
Mới đây,TAND tối cao tại Đà Nẵng đã mở phiên phúc thẩm bị cáo Cao Xuân Thiện, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Bảo (trụ sở thành phố Đông Hà, Quảng Trị) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt mức án 15 năm tù đối với bị cáo này.
Câu chuyện làm giàu của vị Chủ tịch HĐQT này khiến nhiều người không khỏi giật mình bởi tính chất liều lĩnh. Trước đó, vợ chồng Cao Xuân Thiện và Nguyễn Thị Lan Anh đã thành lập Công ty cổ phần Thái Bảo (trụ sở đường Lê Duẩn, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) kinh doanh khách sạn, và một số dịch vụ buôn bán khác. Công ty được lập ra do Thiện làm Chủ tịch HĐQT, Lan Anh làm Giám đốc. Chỉ trong vòng hai năm (từ 2009 đến 2010), công ty của đôi vợ chồng này nhanh chóng giàu có. Tất nhiên không phải từ việc kinh doanh khách sạn mà là từ buôn bán gỗ lậu. Khi có một số gia sản kha khá, “danh tiếng” của công ty được nhiều người, nhất là giới con buôn và các đại gia giàu có biết đến và tìm đến để hợp tác làm ăn cùng có lợi thì công ty này càng giàu có hơn. Tuy nhiên, công việc làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có điều sự không suôn sẻ ấy chỉ có vợ chồng chủ công ty mới rõ… Cho đến ngày công ty do đôi vợ chồng này chèo chống bị vỡ nợ, không thể giấu giếm khi không còn khả năng chi trả, ăn chia thì bộ mặt thật của đường dây làm ăn lậu mới được phơi bày, chuyện đã rồi, nhiều người chung vốn hòng kiếm chác chỉ còn ngậm đắng, nuốt cay, than trời không thấu. Cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị ghi rõ, khi việc kinh doanh gỗ thua lỗ nặng, vợ chồng Cao Xuân Thiện và Nguyễn Thị Lan Anh dựa vào các mối quan hệ để đi vay mượn khắp nơi, bằng cách thế chấp tài sản và chấp nhận trả lãi suất cao để có được vốn tiếp tục vớt vát sự thua lỗ kia. Nhưng sự gắng gượng ấy không mang lại kết quả như họ mong muốn, nợ chồng lên nợ dẫn đến vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng. Không có khả năng chi trả, Thiện và Lan Anh nghĩ ra cách bán hơn 1.700m3 gỗ Lào - số gỗ đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Quảng Trị với trị giá hơn 29 tỷ đồng để lấy tiền. Tháng 7-2011, Thiện bỏ trốn khỏi địa bàn. Gần hai năm sau đó, ngày 22-4-2013, khi không còn đường trốn, Thiện tìm đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Thiện khai nhận đã chiếm đoạt số tiền hơn 40 tỷ đồng, trong đó tiền thu được từ việc bán số gỗ đã thế chấp được 29 tỷ đồng, còn lại hơn 10 tỷ đồng chiếm đoạt của các cá nhân khác thông qua vay, mượn, chung vốn... Trước đó, trong thời gian Thiện bỏ trốn thì vợ y là Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc công ty đã bị TAND tỉnh Quảng Trị xét xử về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bị phạt 12 năm tù giam.
Vết trượt còn dài
Vết trượt của đôi vợ chồng Thiện, Lan Anh dẫu phải trả giá đắt nhưng dân buôn “gỗ đen” ở Quảng Trị không vì thế mà chùn chân. Nhiều đại gia khác lại vẫn tiếp tục lao vào giấc mơ giàu sang này như vết trượt cơ học đầy cố ý và mạo hiểm. Cách đây hơn một tuần, dư luận ở thành phố Đông Hà lại thêm một lần rúng động bởi vụ vỡ nợ lên đến cả trăm tỷ đồng của một công ty kinh doanh nội thất, mà thực chất sau đó nhập nhằng hai từ nội thất và gỗ lậu là ít ai nghĩ đến. Có hàng chục người dân đã kéo tới bao vây ngôi nhà 3 tầng khang trang của bà Trần Thị Thủy (đường Hùng Vương nối dài, khu phố 10, phường 5, Đông Hà) để đòi xiết nợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Thủy tham gia buôn bán gỗ Lào (gỗ mua từ Lào tạm nhập vào Việt Nam và sau đó thực hiện khâu tái xuất sang nước thứ 3). Năm 2011, bà Thủy bắt đầu gặp khó khăn do việc xuất khẩu gỗ sang thị trường Trung Quốc bị giảm xuống mức quá thấp. Cuối năm 2011, bà Thủy rơi vào tình trạng đứng trước bờ vực phá sản. Bà Thủy đã cố vớt vát công việc kinh doanh làm giàu bằng cách vay mượn tiền để xây dựng một ngôi nhà lớn ngay bên con đường “có giá” bậc nhất nhì thành phố, với mục đích sẽ đem căn nhà này đi thế chấp tại ngân hàng, lấy vốn tiếp tục buôn bán gỗ. Sự sắp đặt thành công khi bà thế chấp ngôi nhà này được 30 tỷ đồng cho Quỹ tín dụng Trung ương tại Quảng Trị. Ngoài ra, có thông tin cho rằng bà Thủy còn tiến hành huy động vốn bằng cách thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, thế chấp giấy này tại một số ngân hàng để lấy tiền(?). Đồng thời để huy động thêm vốn, bà Thủy cũng đã sử dụng sổ đỏ nhà ở của mình để thế chấp cho cá nhân để lấy tiền buôn bán. Nhưng thực chất sổ đỏ này đã không có giá trị pháp lý, do trước đó bà đã báo mất và bị cơ quan chức năng hủy bằng các văn bản pháp luật(?). Ngày 22-7, trước sự việc hàng chục người dân bao vây, xiết nhà của gia đình bà Thủy, Quỹ tín dụng Trung ương đã niêm phong ngôi nhà này để tiến hành thu hồi vốn vay theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Việc làm giàu không chính đáng bằng cách luồn lách, không đúng pháp luật cuối cùng rồi sẽ bị trả giá đích đáng.