Thứ sáu, 19/9/2014, 16h09

Thí sinh lớn tuổi nhất Vua đầu bếp ra sách ẩm thực

 Trong "Hương vị miền yêu thương", không chỉ có tình yêu ẩm thực mà còn có tình yêu Việt Nam, với việc nối liền tình cảm giữa mọi miền đất nước bằng ẩm thực.
Nguyễn Thị Thúy Hồng - thí sinh lớn tuổi nhất nằm trong Top 10 cuộc thi nấu ăn Masterchef năm 2013 là một thí sinh khiến rất nhiều người yêu mến và nhớ lâu. Đặc trưng khi chế biến món ăn của bà là sự giản dị mà lạ lẫm, với các món ăn được nghiên cứu kĩ lưỡng để có cách nấu đơn giản nhất với nguyên liệu địa phương dễ kiếm, dễ tìm. Một đặc trưng thú vị nữa là bà không sử dụng bột ngọt, bột nêm hay tạo màu thực phẩm - những thứ gia vị “đánh lừa vị giác” và độc hại cho sức khỏe. 
Cuốn sách hướng dẫn nấu món Việt không sử dụng bột nêm, bột ngọt.
Bà đã mang những tâm tư muốn bảo vệ sức khỏe của mọi người vào cuốn sách ẩm thực chọn lọc của mình - "Hương vị miền yêu thương". Nó hoàn toàn trái ngược với những cuốn sách nấu ăn được ra đời gần đây mang phong cách ẩm thực hiện đại với ảnh hưởng mạnh mẽ của ẩm thực phương Tây, đòi hỏi hàng chục nguyên liệu ngoại nhập và thiết bị nhà bếp cầu kì như các loại máy xay, đồ lọc hay lò nướng.
40 công thức nấu ăn truyền thống trong "Hương vị miền yêu thương" của họa sĩ 60 tuổi Nguyễn Thúy Hồng lại thật khác, như thể những món ăn từ thời mẹ, thời bà, với chỉ quanh quẩn các thiết bị nhà bếp đơn sơ và gia vị nêm đơn giản là hành, tỏi, muối, tiêu, nước mắm, dầu hào, sa tế... hay món sốt gấc rất bổ dưỡng mà rất thường bà dùng. Chỉ đọc và nhìn ngắm, người ta cũng có thể cảm nhận được vị ngọt thanh tao từ các loại rau củ, nước sốt, nước dùng tự nhiên.
Nhưng những món ăn vẫn được trình bày kĩ lưỡng và đẹp mắt để đảm bảo cho một "bữa tiệc" như lời bà nói, mà không phải phụ thuộc vào thực đơn kiểu Tây phương mà người ta hay áp dụng gần đây theo thời thượng. Bởi vì ẩm thực Việt Nam dù giản dị nhưng rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe. Nhưng chính vì giản dị nên ít được dùng trên bàn tiệc mà người ta thường hay mượn ẩm thực phương Tây cầu kì để làm sang. 
 Cách đây mấy chục năm, người phụ nữ xa quê ấy đã sống ở một đất nước Châu Âu văn minh giàu có đã trải nghiệm và thưởng thức qua rất nhiều nền văn hóa ẩm thực phương Tây nhưng vì canh cánh khôn nguôi hương vị quê nhà, thèm thuồng chiếc bánh có mùi lá dứa cốt dừa dịu nhẹ, mùi hành hương kho cá đậm đà bình dị mà trở về. 
 "Tôi cố gắng chia sẻ với độc giả kiến thức an toàn dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ bất an về nguồn thực phẩm ô nhiễm đã tràn vào căn bếp người Việt Nam qua mâm cơm hằng ngày, gây tổn hại không nhỏ tới sức khỏe mọi người",  nữ tác giả 60 tuổi nói. "Từ công thức đến cách chế biến và chia sẻ, tôi đã cố gắng áp dụng cách nấu nướng kinh điển của người Việt, với nguồn nguyên liệu và cách sơ chế, vệ sinh rất gần gũi, đơn giản nhưng hiệu quả và tốt cho sức khỏe".
Nguyễn Thị Thúy Hồng, ẩm thực Việt Nam, sách, Masterchef
Tác giả Nguyễn Thị Thúy Hồng lọt Top 10 Masterchef 2013.
 Không chỉ viết về các món ăn của mình, bà Nguyễn Thị Thúy Hồng còn chia sẻ các kiến thức về bảo vệ môi trường và tình yêu quê hương trong cuốn sách. Với mỗi món ăn đều là những kỉ niệm. Một trong những món ăn ghi dấu kỉ niệm khó quên của bà là món "Phở bò tốc hành" bà làm sau khi ra thăm Hà Nội vào năm 1982, với những hồi ức đa chiều về sự khác biệt của Hà Nội trong sách vở và thực tế.
 Bà tâm sự: "Năm 1982, tôi ra Hà Nội công tác cùng cả đoàn trong niềm háo hức, nhưng vừa bước xuống ga Hàng Cỏ tôi đã rơi nước mắt, tất cả những gì trong trái  tim tôi hoàn toàn vụn vỡ khi trước mắt là một Hà Nội trộm cắp như rươi, là những đôi mắt soi mói xoáy vào chúng tôi - những người lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Họ cứ như muốn tước đoạt hết những gì mà chúng tôi có và đang mang theo, chào đón bằng những câu xin xỏ, mời mọc nài nỉ và đòi mua mọi thứ chúng tôi có… Nhà  cửa  cũ  kỹ, sạm  màu  tối,  chật  chội, người Hà Nội lúc ấy luôn chửi nhau kéo dây kéo nhợ khi có va chạm; họ bán giá rất cao cho bất cứ thứ gì chúng tôi cần mua khi biết là dân miền Nam… Quá ấn tượng với sự  chào đón ấy, tôi đã nghĩ sẽ trở về trước thời hạn công tác… 
 
Vậy nhưng rồi vẫn còn nhiệm vụ, vẫn còn phải sống với mảnh đất này đến hết kỳ công tác, nên sau một hai ngày nghỉ ngơi, bình tâm lại, tôi lại đi tiếp xúc với những người Hà Nội thực sự, và niềm tin mới lại dần được phục hồi. Tôi nhận ra những khiếm khuyết từ cách nhìn phiến diện và đánh giá sai lầm của mình về Hà Nội và người Hà  Nội; cũng may là tôi sớm điều chỉnh, nếu không chắc đã tự làm tổn thương mình và tổn thương cả miền Bắc, nơi mà chiếc nôi văn học đất nước đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi từ tấm bé.
 Yêu văn Thạch Lam, tôi đã đem vào lòng yêu  một  nền văn  hóa  ẩm thực miền Bắc tiêu biểu, những món  ăn  của  Hà  Nội  Ba  Mươi Sáu Phố Phường cũng chính là nền tảng kích thích sư tò mò và niềm đam mê nấu nướng trong tôi. Món ăn ấn tượng của miền Bắc mà tôi được ăn ở nhà người bạn và học nấu ngay lần ra Hà Nội  đầu  tiên  đó  là  món  “Bún ốc riêu cua đồng”, và kế đến là “món” thịt nướng nem cua bể…
 Tôi  cũng  nhớ  những  buổi  sớm tinh mơ tiếng rao của người bán đội thúng xôi đi khắp từng ngõ ngách, phố phường Hà Nội để mang  đến  những  gói  xôi  thơm lừng  và  nóng  hổi  gói  bằng  lá sen ăn với chả… Món bún thang thật  tinh  tế, với  đủ  thứ  từ  các loại thịt, trứng, chả thái chỉ đều tay, và nước dùng trong vắt ngọt thanh.  Đặc  biệt,  món  phở  Hà Nội phải xếp hàng dài ở những hiệu nổi tiếng, không hề có rau, giá như miền Nam nhưng mùi vị đặc trưng rất trọn vẹn, và cũng làm tôi ngạc nhiên hơn bởi luôn có bột ngọt sống cho vào trước khi chan nước dùng…
 Cho  đến  giờ,  tất  cả  vẫn  còn nguyên  vẹn  trong  tôi,  những con người Hà Nội thực sự vẫn còn đó, họ sống như những con chim ẩn mình, họ tiêu biểu cho những gì tôi đã nghĩ, họ gìn giữ được tất cả những điều tôi trân trọng. Tôi muốn cảm ơn tất cả những  anh  chị  bạn  bè  đã  đón tiếp  chúng  tôi  bằng  tấm  lòng của  người  Hà  Nội  đáng  quý nhất và hy vọng điều đó sẽ còn trong lòng tất cả mọi người dù có xa cách  nhau  đến tận cùng của trái đất".
 Theo VNN