Thứ tư, 1/4/2015, 09h04

Cần thoáng hơn với văn học dân gian

Đúng vào thời điểm diễn ra các cuộc tranh cãi trong dư luận về việc xuất hiện một số tác phẩm viết lại truyện cổ tích Việt Nam nhưng có những chi tiết khác biệt so với nguyên bản thì bộ phim Khu rừng cổ tích (In to the Wood) do Mỹ sản xuất cũng là tác phẩm không đúng với nguyên bản.
Khu rừng cổ tích là câu chuyện kể về một loạt nhân vật cổ tích đầy quen thuộc không chỉ với bạn đọc thế giới mà cả với bạn đọc Việt Nam như cô bé quàng khăn đỏ, công chúa tóc mây, Jack và hạt đậu thần, cô bé lọ lem… Khác hẳn với những cái kết cổ tích có hậu, tràn đầy hạnh phúc, những nhân vật cổ tích này lại phải gánh chịu rất nhiều hậu quả xấu từ chính những ước mơ của họ. Cũng chính vì sự khác biệt hoàn toàn này mà bộ phim được cho là không phù hợp với trẻ em.
Có thể có những đánh giá khác nhau về bộ phim trên nhưng có một điều không thể phủ nhận là nó đã giúp người xem có một cái nhìn mới về những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Cái nhìn mới không đồng nghĩa là phủ nhận cái nhìn cũ, nó chỉ đơn thuần giúp người xem nhìn chính câu chuyện cũ đó dưới một góc độ khác, tốt xấu, hay dở tùy người xem.
Vậy nếu điều này xảy ra ở Việt Nam thì sao? Thực ra điều này đã từng diễn ra. có một dạo trên thị trường sách xuất hiện khá nhiều tác phẩm theo dạng “cải biên cổ tích”, “làm mới cổ tích”… có điều đa số sự cải biên, làm mới đều khá thô thiển, ấu trĩ và thậm chí còn mang cả sự cợt nhã. Chính vì thế những tác phẩm này mau chóng bị lên án mạnh mẽ và bị loại bỏ ra khỏi thị trường. Điều đáng nói là sự phê phán, lên án không tập trung vào việc yếu kém của tác giả mà chủ yếu lại dồn vào việc “không được thay đổi chuyện cổ tích”. Thậm chí, có một dạo người ta còn cho rằng việc thay đổi chuyện cổ tích là “báng bổ” đối với văn hóa của các bậc tiền nhân.
Không ai có thể phủ nhận giá trị của những câu chuyện dân gian mà tiêu biểu như truyện cổ tích. Đó là những sản phẩm phản ánh những giấc mơ, đưa bạn đọc đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi đến với những thế giới tưởng tượng nơi người xấu, người tốt đều rất rõ ràng, nơi cái thiện luôn chiến thắng và người tốt chắc chắn phải có cái kết hạnh phúc.
Thế nhưng, cổ tích còn là một kho tàng cho các nhà sáng tác trước đây, hiện tại và sau này. Họ không phá hỏng những câu chuyện cũ, họ chỉ tạo ra những dị bản mới nơi những câu chuyện đầy quen thuộc được nhìn dưới một cái nhìn khác không chỉ một tuyến tính đơn nhất mà đa dạng hơn, phức tạp hơn. Những nhân vật trong những dị bản mới sẽ gần gũi với những suy nghĩ, những tâm lý của bạn đọc hiện nay. Đó cũng chính là cách mà những dị bản ngày xưa xuất hiện nên không phải ngẫu nhiên mà việc việc nghiên cứu các dị bản cổ tích giúp các nhà văn hóa tìm hiểu về những vấn đề của xã hội thời kỳ dị bản đó xuất hiện.
Đã đến lúc cần có cái nhìn thoáng hơn trong việc cải biên, làm mới các tác phẩm dân gian nhất là những câu chuyện cổ tích. Cần phải ngăn chặn và loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, thiếu nghiêm túc trong sáng tác nhưng cũng không thể đánh đồng hết tất cả. Không thể xem bản thân việc thay đổi đã là sự xúc phạm, các bản cũ vẫn được giữ nguyên, người sáng tác chỉ làm ra các bản mới và chúng sẽ tồn tại song song với nhau, cung cấp thêm sự đa dạng cho bạn đọc hôm nay và mai sau.
SGGP