Thứ năm, 16/10/2014, 15h10

Đam mê và kịch tính như tình yêu… “lạc giới”

 “Có trái tim mà không biết yêu thì sống để làm gì?”, ngay từ câu “đề dẫn” thể hiện thông điệp của bộ phim đã cho thấy Lạc giới dành trọn cảm xúc cho chủ đề tình yêu, nhưng đó không phải cảm xúc tình yêu giữa đàn ông và đàn bà mà là thứ tình yêu đặc biệt của những người lưỡng giới.

Lạc giới là phim Việt hiếm hoi đề cập đề tài nhạy cảm nhưng thể hiện không bị phản cảm
Khán giả Việt Nam không còn xa lạ với những bộ phim có đề tài nhạy cảm về giới tính, nhưng tất cả các phim đã ra rạp đều chỉ mới nói đến đồng tính. Lạc giới được xem là bộ phim đầu tiên phản ánh vấn đề lưỡng tính. Câu chuyện tình tay ba giữa hai người đàn ông và một phụ nữ xoay quanh nhân vật Trung (diễn viên Trung Dũng) - một tên tù vượt ngục đang ẩn náu tại trang trại nuôi dê của một cậu chủ mắc bệnh hiểm nghèo cùng cô y tá cuốn hút người xem ngay từ những khuôn hình đầu tiên đầy kịch tính. Để tìm đường thoát thân, Trung tìm cách lấy lòng y tá Kim (Mai Thu Huyền) và không cưỡng lại được sức hút từ cô gái cá tính, xinh đẹp này.
Những diễn biến tâm lý, hoàn cảnh, chi tiết từ việc Trung tiếp cận và chiếm được tình yêu của Kim như cảnh Trung đột nhập vào đốt trang trại nuôi dê, rồi vờ làm “người hùng cứu mỹ nhân”, cảnh Trung quá giang xe Kim để làm thân, hay giúp Kim đỡ đẻ cho dê… hoàn toàn phù hợp diễn tiến, phù hợp với tính cách nhân vật. Cũng chính từ tình yêu có được với Kim đã khơi nguồn cho những “éo le” mà Trung phải đối mặt khi anh và Hải - con trai ông chủ trang trại nuôi dê phát sinh tình cảm trong một lần Kim về thành phố tìm thuốc chữa bệnh. Trong sự giằng xé giữa “hai miền cảm xúc” khác nhau, Trung đã nhận ra đâu mới chính là những cảm xúc thật sự và cả hai đã hành động theo tiếng gọi tình yêu, dù người đời có thể gọi đó là tình yêu… “lạc giới”.
Bên cạnh những cảm xúc thăng hoa, tình yêu trong Lạc giới nhận được sự đồng cảm của khán giả bởi nó được “đo” qua hàn thử biểu là sự nghiệt ngã, mảng tối bi thương của số phận các nhân vật, đủ để chứng minh ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù bất cứ giới tính nào, tình yêu luôn có phép nhiệm màu đủ khiến con người có thể hướng thiện, hy sinh bản thân cho một giá trị nhân văn.
Ấn tượng lớn nhất có lẽ là phần diễn xuất của nhân vật chính do Trung Dũng đóng. Ý tưởng câu chuyện Lạc giới xuất phát từ anh nên Trung như được “đo ni đóng giày” cho Trung Dũng. Ở đó, anh có thể khoe được những gì thuộc về sở trường ngoài đời của mình như thể hình rắn chắc, tài nấu ăn, bơi lội và cả khả năng đỡ đẻ cho động vật mà khi còn nhỏ anh vẫn thường làm.
Ánh mắt của Trung Dũng thể hiện đầy đủ những cung bậc cảm xúc: yêu đương, giận dữ, thù hận, lo sợ. Ở cạnh Kim, Trung của anh toát lên được vẻ mạnh mẽ, nam tính, còn khi bên Hải, Trung trở nên mềm yếu, dịu dàng. Hai trạng thái tình cảm đối lập đó, Trung Dũng đều nhập vai tự nhiên. Bạn diễn của anh, Mai Thu Huyền (vai Kim) cũng lột tả được tính cách nhân vật, chỉ tiếc chất giọng thiếu truyền cảm của cô làm giảm đi phần nào tình cảm người xem dành cho nhân vật.
Nam diễn viên trẻ Bình An - chàng sinh viên năm nhất Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội có lẽ lần đầu đóng phim phải nhận ngay vai khó nên diễn xuất khá gượng, đôi mắt hơi... xệ mí của anh khiến diễn xuất nội tâm bị hạn chế, làm khán giả chưa cảm nhận được cái hồn nhân vật, dù ngoại hình của Bình An rất phù hợp với hình ảnh Hải - một cậu công tử nhà giàu, hay đau bệnh. Trái với Bình An, đất diễn của nhân vật ông chủ quán do NSƯT Thành Lộc đóng rất ít nhưng anh lại chinh phục khán giả bằng nét diễn hài khá duyên.
Là một tác phẩm chạm đến vấn đề nhạy cảm nên những cảnh nóng trong Lạc giới là điều tất nhiên phải có, và điểm đáng khen là mật độ và mức độ của những cảnh tế nhị được đạo diễn Phi Tiến Sơn cùng quay phim người Mỹ Joel Spezeski xử lý khéo léo, gợi cảm, không dung tục. Những cảnh âu yếm giữa Trung và Kim hay giữa Trung và Hải được khai thác có chừng mực nhưng đủ để người xem cảm nhận tình cảm cuồng nhiệt mà các nhân vật dành cho nhau.
Người xem chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi cảnh tắm sữa dê, giữa khung cảnh khoáng đạt, bao la của vùng núi đồi cát trắng hình ảnh một tên tù vượt ngục trìu mến nhìn cậu chủ trẻ, bàn tay Trung nhẹ nhàng xoa từng dòng sữa chảy trên mặt Hải, làm người xem thấy mềm lòng và cảm thông cho hạnh phúc giản dị mà mong manh của họ.
Nói không quá, Lạc giới là phim Việt hiếm hoi làm người xem mãn nhãn ở từng góc quay, từng bối cảnh. Cảnh đẹp trong phim làm nền, hòa quyện vào câu chuyện, không đẹp theo kiểu cảnh một đằng, phim một nẻo. Bổ sung cho những khung hình đẹp, lãng mạn là phần nhạc phim được sử dụng hợp tình hợp cảnh, trong đó đặc biệt ca khúc Nỗi nhớ vô hình qua giọng hát đầy cảm xúc của ca sĩ Bùi Anh Tuấn và Tiến Minh dường như đã nói thay những tâm sự của hai người đàn ông trong phim.
Lạc giới tất nhiên vẫn như nhiều phim khác, chưa phải là một tác phẩm hoàn toàn làm hài lòng người xem. Vẫn còn vài tình tiết hơi gượng hoặc chưa thuyết phục như diễn tiến tình cảm giữa Trung và Hải hơi nhanh, đột ngột; nhân vật Duy (Vũ Tuấn Việt đóng) bất ngờ phút cuối lộ diện là một cảnh sát chìm… nhưng với một cốt truyện nhân văn, mạch phim gãy gọn, nhiều chi tiết đắt, kịch tính Lạc giới là một phim đáng để khán giả bỏ tiền ủng hộ.
Xem để thay đổi cái nhìn định kiến về giới tính của những con người mà tạo hóa trớ trêu đã xác định họ khác biệt “từ khi còn là bào thai trong bụng” như lời nhân vật Hải nói; xem để thông cảm với những dằn vặt, khổ tâm mà họ phải gánh chịu trong suốt hành trình đi tìm bản ngã đích thực của mình và xem để cảm nhận thông điệp mà bộ phim muốn nói đến: “Mỗi con người sinh ra không ai lựa chọn được giới tính”.
Theo PNO