Thứ bảy, 28/6/2014, 11h06

Thế giới tối của Park Chan Wook

 Không phải ai cũng thích thú thưởng thức bức chân dung con người mà Park Chan Wook vẽ ra, và cũng không phải ai cũng can đảm thưởng thức bức chân dung ấy.


Một cảnh trong phim Sympathy for Lady Vengeance
Để nói về cái ác tự nhiên bên trong con người, nếu điện ảnh Mỹ có anh em nhà Coen thì với điện ảnh châu Á, có thể nói không ai qua được cái tên Park Chan Wook. Năm 2002, lần đầu tiên đưa Sympathy for Mr. Vengeance, phim nằm trong trilogy báo thù bên cạnh OldboySympathy for Lady Vengeance lên màn ảnh, Park Chan Wook đã khiến người xem choáng váng vì phong cách làm phim táo bạo của mình. Câu chuyện xoay quanh Ryu, chàng thanh niên câm điếc. Cuộc sống nghèo khó đã dập tắt giấc mơ họa sĩ đẹp đẽ của Ryu, đồng thời cũng đẩy đưa anh tới một công việc nặng nhọc và nguy hiểm trong nhà máy than đá. Cuộc sống không mấy tươi sáng của Ryu càng trở nên bế tắc khi một tổ chức buôn lậu thận đã lừa đảo khiến anh vừa mất thận vừa không kiếm được tiền cứu sống chị mình.
Vào thời điểm bấy giờ, việc làm phim bạo lực không còn là câu chuyện mới mẻ gì trên thế giới nữa, tuy nhiên với nền văn hóa bảo thủ và khép kín của Á đông, cùng với thứ ngôn ngữ ám ảnh đặc thù, những thước phim của Park Chan Wook thực sự là cơn ác mộng đầy khiêu khích.
Vì vậy mà, mặc dù cuộc báo thù của Ryu gây ra không ít làn sóng tranh cãi song bộ phim luôn đủ sức hấp dẫn kéo khán giả tới rạp để tạo nên một hiện tượng. Chỉ ít lâu sau cuộc thăm dò đó, họ Park tiếp tục làm khán giả kinh ngạc, và lần này thì sự kinh ngạc đã hoàn toàn vượt khỏi tầm khu vực thông qua tác phẩm Oldboy. Tại LHP Cannes 2004, đạo diễn Quentin Tarantino, người đã sớm vang danh với các tác phẩm Reservoir Dog, Pulp Fiction, Kill Bill... không ngần ngại bày tỏ sự thán phục dành cho tên tuổi xa lạ đến từ Hàn Quốc này. Oldboy rốt cuộc đã dành được giải Grand Prix của Ban giám khảo. Oldboy là cuộc báo thù của người đàn ông trung niên mang tên Oh Dae Su sau mười lăm năm bị bắt cóc và bị giam giữ trong một căn phòng. Câu nói “không thể tìm được câu trả lời đúng khi đã đặt một câu hỏi sai” trong phim, cũng giống như sự thật trong câu chuyện, chắc chắn sẽ ám ảnh người xem.
Một cách rất lạnh lùng, Park lôi cái ác ra ra ngoài ánh sáng theo đúng nguyên dạng hình hài của nó, bất chấp khả năng làm tổn thương những tâm hồn mong manh và nhạy cảm
Và trên tất cả, Oldboy là một đột phá của điện ảnh châu Á khi đề cập trần trụi tới vấn đề loạn luân, một đề tài vốn dĩ được coi là nhạy cảm đối với con người. Park Chan Wook từng chia sẻ rằng, theo quan điểm của ông, mọi mối quan hệ giữa con người luôn tồn tại sự hận thù xen lẫn lòng yêu thương, và họ Park muốn phân tích điều ấy. Park Chan Wook kết thúc trilogy báo thù bằng tác phẩm Sympathy for Lady Vengeance, tác phẩm đã đem về cho đất nước Hàn Quốc một giải Sư tử vàng danh giá tại LHP Venice năm 2005. Trong phim,“nàng Dea Jang Geum” Lee Young Ae vào vai Geum Ja, người đàn bà phải chịu án mười ba năm tù oan khuất vì tội danh giết người. Suốt quãng thời gian đó, Geum Ja đã lên kế hoạch cho việc đi tìm kẻ hủy hoại cuộc đời cô. Và cũng như hầu hết các tác phẩm của Park Chan Wook, Sympathy for Lady Vengeance là một chuỗi diễn biến tâm lý không thể rùng rợn hơn được nữa.
Một điểm chung trong các bộ phim của Park Chan Wook là việc ông thường xuyên sử dụng những cú máy cận hất lên khiến khuôn mặt nhân vật trông méo mó, để khi nhìn vào đấy, dường như người ta thấy được cả một hành trình sâu hun hút từ phần con đến phần người. Giống như những bộ môn nghệ thuật khác, đích đến của điện ảnh vẫn là chạm tới được phần nhân văn của cuộc sống. Có người chọn tiếp cận bằng cách nói về cái đẹp, cũng có người chọn cách ngược lại. Chúng ta nhìn được hướng đi của họ Park rất rõ ràng và quyết liệt.
Khi Hollywood mua bản quyền làm lại Oldboy, họ thay đổi cái kết bằng cách cho người cha ra đi mãi mãi, chỉ riêng điểm này thôi, thất bại của Oldboy phiên bản Mỹ đã được định đoạt. Oldboy của Park Chan Wook không có sự nhân nhượng hay thỏa hiệp. Một cách rất lạnh lùng, Park lôi cái ác ra ra ngoài ánh sáng theo đúng nguyên dạng hình hài của nó, bất chấp khả năng làm tổn thương những tâm hồn mong manh và nhạy cảm.

Một cảnh trong phim Oldboy
Park Chan Wook từng nói: “Biết rõ bản thân, bạn có thể giải phóng chính mình”. Và chúng ta luôn hiểu rằng, đâu đó bên trong mỗi người đều tồn tại một con thú. Báo thù hay chính cái ác sẵn có chỉ chờ chực cơ hội sổ lồng? Nếu anh em nhà Coen luôn đẩy cái ác đến một điểm xa nhất tựa một quá trình phát triển tự nhiên thì Park Chan Wook đã đập tan luận điệu “nhân chi sơ tính bổn thiện” của Khổng Tử từ hàng ngàn năm trước bằng việc mặc định cái ác là một phần trong con người.
Khoảnh khắc hãi hùng nhất của Oldboy không phải là bốn phút giết chóc kinh điển bằng rìu hay cảnh loạn luân nổi gai góc mà là đoạn kết thúc phim, khi nhân vật Oh Dea Su biết ra sự thật mà vẫn tìm đến phương pháp thôi miên để tiếp tục được chung sống với đứa con gái của hắn ta như vợ chồng. Vậy thì liệu họ bị dồn đến cái ác hay thực ra họ chính là cái ác? Phim của Park Chan Wook thường đề cập rất nhiều tới dục vọng, tới cái sự yêu bản thân đến tàn nhẫn chảy nơi huyết quản của mỗi người. Sự nhập nhằng giữa thiên thần và ác quỷ trong Sympathy for Lady Vengeance khiến người xem không khỏi giật mình, và mọi cuộc báo thù trước hết đều là để thỏa mãn dục vọng cá nhân.
Điều này càng được làm rõ hơn trong Stoker, bộ phim Hollywood đầu tiên của Park Chan Wook làm vào năm 2013. Xem Stoker, người ta sẽ thấy hình ảnh của tử thần thấp thoáng đằng sau nhân vật Charlie, một kẻ tâm thần đã tước đoạt đi mạng sống của biết bao người. Thế nhưng, cỗ máy giết người đó vẫn chưa hẳn là đỉnh cao của cái ác. Thế giới mà Park xây dựng lên còn tăm tối đáng sợ hơn vậy. Có cái ác hiện thân bằng sự im lặng để thỏa mãn dục vọng. Có cái ác giống như loài đại bàng đen kiên nhẫn chờ đợi tấn công con mồi, người ta gọi đó là bản năng của kẻ đi săn. Trong thế giới của Park, theo một cách tích cực mang tính chất cảnh giác, phần con luôn lấn lướt phần người.
Cũng chính trong thế giới tăm tối của Park, con người vì vậy mà được soi rọi ở nhiều góc độ khác nhau hơn.
Theo TNO