Thứ ba, 14/3/2017, 22h46

Ngăn chặn bệnh ho gà

Theo BS Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp vì thế có thể lây truyền khi bệnh nhân hắt hơi và ho. Mọi độ tuổi có thể mắc bệnh nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ nhỏ.

Bệnh nhi được phụ huynh đưa đến khám bệnh ho gà tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1

Nguy hiểm hơn, ho gà có thể gây chết người vì chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2017 cả nước đã có 5 bệnh nhi tử vong trong số gần 60 trẻ bị bệnh ho gà chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc.

Nỗi khổ bệnh ho gà

Rõ ràng căn bệnh này nguy hiểm hơn mọi người lầm tưởng vì dễ dàng cướp đi sinh mạng mà nếu đề phòng thì chúng ta có thể cứu vãn được tình thế một cách dễ dàng hơn. Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vào thời gian này số ca bệnh ho gà tăng do điều kiện thời tiết mùa đông - xuân ở các tỉnh phía Bắc rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Hiện số ca bệnh được ghi nhận rải rác nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa chứ không tập trung ở một địa phương. Hầu hết trường hợp mắc ho gà là trẻ dưới 3 tháng tuổi (khoảng 80%) rất khó chăm sóc và chữa trị. Ở độ tuổi này, các bé đều chưa được cha mẹ cho đi tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ. TS. Phu lưu ý vài năm gần đây xuất hiện nhiều ca bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến tuổi chỉ định tiêm mũi vaccine ho gà mũi 1. Về nguyên tắc, trong 2 tháng đầu trẻ được bảo vệ nhờ miễn dịch từ mẹ truyền sang. Các bà mẹ không được tiêm phòng, cũng chưa từng mắc ho gà nên không có miễn dịch, vì thế trẻ sinh ra thiếu miễn dịch với ho gà. Một số trẻ được tiêm vaccine vẫn có thể bị ho gà tuy nhiên mức độ nhẹ hơn chứ không phải hoàn toàn đã được miễn dịch. Đây là điều các phụ huynh đang nuôi trẻ nhỏ dưới 6 tháng cần lưu ý. Bên cạnh đó vaccine ho gà không có tuổi thọ cao chỉ trong vòng 12 năm đổ lại nên người lớn cũng không thoát khỏi “vòng vây” của ho gà.

Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh ho gà (vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP - hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

BS Nguyễn Hồng Đức - BV Phạm Ngọc Thạch cho biết, triệu chứng của ho gà ban đầu là sổ mũi hắt hơi sau đó ho kéo dài. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc không sốt nên khó nhận biết hơn các bệnh hô hấp khác. Do viêm đường hô hấp trên nên bé mệt mỏi, biếng ăn nên bỏ bú và để càng lâu thì ho càng kéo dài như bệnh suyễn. Đây cũng là lý do người nhà và cả thầy thuốc chẩn đoán suyễn nên điều trị theo hướng khác. Vì ho rũ rượi không kiềm chế được vì sau đó trẻ thở rít như tiếng gà gáy kéo theo nước miếng nên trẻ hay bị ói. Nếu để lâu bé có thể ho đến 7, 8 tuần mới giảm bớt. Cũng vì ho kéo dài và mệt mỏi nên trẻ dễ bị suy hô hấp, ảnh hưởng đến não và viêm phổi sau đó do thiếu ôxy. Là căn bệnh truyền nhiễm nên ho gà phát tán rất nhanh trong cộng đồng do dễ lây lan nên không biết để khoanh vùng kịp thời. Vì thế yếu tố đầu tiên là phải phát hiện đúng bệnh trong thời gian sớm nhất để ngăn chặn từ trong trứng nước. Phát hiện sớm thì việc cách ly, điều trị nằm trong tầm tay.

Tiêm phòng đủ số lần

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, TS. Phu khuyến cáo, cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi vaccine (có thể tiêm dịch vụ hoặc tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã phường), không nên trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ hiện nay. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vaccine dịch vụ phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để tạo miễn dịch. Người trong độ tuổi 6-64 đều có thể chủng ngừa vaccine ho gà. Theo nhà sản xuất, vaccine này có thể tiêm phòng cho thai phụ ở tuần thai thứ 20. Về tiêm chủng, mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi tiêm mũi cuối cùng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh