Thứ bảy, 21/1/2017, 16h36

Ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân

Đồng hành với quá trình phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 25 năm qua (1991-2016) sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh liên tục ổn định và phát triển. Góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao Cờ thi đua xuất sắc cho lãnh đạo Sở GD-ĐT tại Lễ tổng kết năm học 2015-2016. Ảnh: Q.Huy

Trường lớp xanh - sạch - đẹp và đạt chuẩn

Năm 1991, khi thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống trường lớp học của ngành GD-ĐT gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu là sử dụng các cơ sở cũ được tiếp nhận sau giải phóng, đa số trường học là nhà cấp 4. Nhiều trường không có nhà vệ sinh, không có sân chơi, bãi tập thể dục, vườn hoa, cây cảnh. Một số trường MN, TH, THCS còn phải học nhờ nhà dân, nhà thờ, nhà chùa... Trước thực trạng trên, ngành GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án phát triển quy mô GD-ĐT, kiên cố hóa trường, lớp học rất có hiệu quả.

Giai đoạn 4 năm đầu tiên (1992-1995), tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm trường lớp, trang thiết bị, sách giáo khoa với tỷ trọng khá và đạt một số chỉ tiêu như: xóa lớp học ca 3, tách cơ sở vật chất bậc TH và THCS; tỷ lệ chi cho mua sách, thiết bị chiếm 8-10% ngân sách.

Đặc biệt từ sau năm 2002 đến nay, cơ sở vật chất trường lớp của ngành được tỉnh đầu tư rất lớn, chỉ tính trong vài năm gần đây, mỗi năm ngân sách địa phương chi cho quản lý Nhà nước trên 10 tỷ đồng, chi sự nghiệp GD từ 5 đến 10 tỷ đồng, đầu tư gần 600 tỷ đồng/năm để sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới trường học (khoảng 300 phòng học/năm). Bảo đảm trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học theo danh mục do Bộ GD-ĐT quy định kịp thời, đúng quy trình và sử dụng có hiệu quả các đồ dùng dạy học đã được trang bị. Tất cả các trường đã có phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng nghe nhìn, phòng vi tính, phòng học ngoại ngữ. Các trường đều có thư viện, được trang bị đủ đầu sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, sách tham khảo, báo chí...  Hệ thống thư viện đạt chuẩn đến 80%, có phòng đọc cho giáo viên và học sinh. Hầu hết các trường THPT, một số trường THCS có nhà luyện tập và thi đấu thể thao đa năng; một số trường có sân vận động, hồ bơi đúng quy cách. Toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh trong tất cả các trường học được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, công tác vệ sinh đảm bảo luôn luôn sạch sẽ.

Ông Đặng Minh Thông (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Lao động hạng nhì cho NGƯT.TS Nguyễn Thanh Giang (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Q.Huy

Tính đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có 164 trường MN (115 trường MN công lập và 49 trường MN tư thục); có 203 cơ sở tư thục được cấp phép hoạt động và 2.217 nhóm lớp. Số trường TH đã tăng từ 125 lên 143 trường, THCS tăng từ 44 lên 87 trường, THPT tăng từ 17 lên 32 trường. Hiện nay toàn tỉnh có 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh và 2 trung tâm GDTX, 3 trung tâm GDTX - hướng nghiệp, 3 trung tâm GDTX - dạy nghề - giới thiệu việc làm cấp huyện trên tổng số 8 huyện/thành phố, đạt tỷ lệ 100%. Toàn tỉnh có 25 trung tâm ngoại ngữ, 103 cơ sở ngoại ngữ, tin học ngoài công lập đang hoạt động. Có 82/83 trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng xã/phường/thị trấn (Côn Đảo có 1 trung tâm). Đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có 216/425 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng dạy và học ngày càng vững chắc

Song song với hệ thống trường lớp phát triển đồng bộ, đúng hướng, chất lượng và hiệu quả GD đã có những chuyển biến tích cực, nhất là GD chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cho học sinh - sinh viên. Ở các ngành học, bậc học tỷ lệ học sinh được xếp loại học lực khá, giỏi và xếp loại hạnh kiểm tốt mỗi năm học đều tăng dần; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm đáng kể, chỉ còn 0,22%. Một thành tích đáng trân trọng nữa, đó là hàng năm số lượng học sinh của tỉnh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ bình quân trên 4.000 em/năm, chiếm khoảng 40% tổng số học sinh lớp 12, đứng trong top 10 tỉnh/thành có số lượng học sinh thi đậu vào các trường ĐH, CĐ cao nhất nước. Qua các kỳ thi học sinh giỏi, hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia, học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đạt kết quả cao.

Đặc biệt, công tác phổ cập TH đúng độ tuổi, phổ cập THCS được duy trì bền vững và phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi đã được công nhận vào cuối năm 2013, về trước mục tiêu của tỉnh đặt ra là 2 năm. Đó là sự nỗ lực rất lớn của ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh bước đầu đem lại hiệu quả; GDTX, GD nghề nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực. Các trường ĐH, CĐ nghề trong tỉnh cơ bản chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và đào tạo liên thông; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh. Qua những con số cụ thể như số học sinh - sinh viên của tỉnh được đào tạo ở các trường và cơ sở đào tạo đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2016 lên trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên trên 60% năm 2016.

Nhiều đề tài, dự án sau nghiệm thu đã áp dụng và phát huy hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm qua, phong trào làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm do ngành phát động đã thu hút đông đảo giáo viên tham gia. Qua đó nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học đã được ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường học, tạo niềm đam mê học tập cho học sinh. Qua những hình ảnh thực tế, trực quan từ mô hình, đã giúp học sinh nắm vững kiến thức và hiểu rõ những ứng dụng trong cuộc sống thường ngày.

Quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT

Để đạt được những kết quả nêu trên, trong những năm qua ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp GD, đổi mới các điều kiện để thực hiện GD-ĐT, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành.

Tiếp tục tuyên truyền để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, phụ huynh học sinh và toàn xã hội hiểu đúng và đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Đảng. Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý GD, giáo viên đủ năng lực và phẩm chất thực hiện nhiệm vụ đổi mới. Xây dựng đề án Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020. Ngành cũng chủ động, đổi mới các hoạt động dạy và học theo định hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học. Từng bước tổ chức hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới cho học sinh phổ thông đối với các lớp có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong quản lý và các hoạt động GD-ĐT và dạy nghề; lấy ứng dụng CNTT và sử dụng công nghệ dạy học mới làm khâu đột phá trong đổi mới phương pháp dạy và học. Triển khai một cách hiệu quả các đề án: “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2015-2020”; “Dạy tiếng Nhật ở các trường học trong toàn tỉnh”; “Dạy tiếng Anh cho người dân Côn Đảo giai đoạn 2015-2020”. Xây dựng “Đề án dạy ngoại ngữ cho những người lao động thuộc các ngành, nghề, các lĩnh vực cần đến ngoại ngữ của tỉnh”... Có kế hoạch kết nối, liên kết trong đào tạo với các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngành nghề thuộc lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao mà tỉnh đang cần. Đối với các cơ sở đào tạo và dạy nghề, phải thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng cập nhật, nâng cao tay nghề, từng bước tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế. Đa dạng hóa các phương thức và chương trình đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Top 18 tỉnh/thành có chất lượng GD-ĐT tốt nhất nước

Ông Đặng Minh Thông (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho thầy Cù Xuân Khôi (Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Hội) và cô Vũ Thị Nhung (Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc)

Nhân dịp dự Lễ tổng kết năm học 2015-2016, ông Đặng Minh Thông (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã khen ngợi, ghi nhận những thành tích vượt bậc mà ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời ông chúc mừng ngành GD-ĐT tỉnh đã trở thành một trong 18 tỉnh/thành có thành tích và chất lượng GD-ĐT cao nhất trong cả nước. Đặc biệt, ông Thông chúc mừng tập thể Hội đồng sư phạm Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất; cá nhân NGƯT.TS Nguyễn Thanh Giang (Giám đốc Sở GD-ĐT) và cô Trần Thị Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT) vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng. Liên tục từ năm 2010 đến nay, các tập thể trường học, cán bộ quản lý GD và giáo viên của ngành GD-ĐT tỉnh đã được nhận nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc… của Nhà nước, Chính phủ, Bộ GD-ĐT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những phần thưởng ghi nhận sự cống hiến không mệt mỏi trong công tác “trồng người” của các thầy cô giáo tỉnh nhà.

An Khánh

GD-ĐT gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động phải có kế hoạch cụ thể về nhu cầu lao động trong từng thời gian, từng dự án, đề án, thông tin đến các sở, ngành của tỉnh và các cơ sở đào tạo. Các sở, ngành của tỉnh dựa trên những định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, làm việc với các doanh nghiệp để xác định nhu cầu sử dụng lao động cụ thể, tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng lao động hàng năm và chu kỳ 5 năm.

Có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho học sinh tốt nghiệp THPT là người của tỉnh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ đăng ký trở về phục vụ cho tỉnh. Xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực địa phương và tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý giữa cung và cầu ngắn hạn và dài hạn. Từ đó xây dựng chính sách đặc thù của địa phương, hỗ trợ học bổng cho sinh viên ĐH đăng ký trở về địa phương sau khi tốt nghiệp, thu hút sinh viên giỏi về công tác tại địa phương, đồng thời bố trí sắp xếp, sử dụng lao động hợp lý sau khi tốt nghiệp. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hướng nghiệp cụ thể đến các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đặc biệt là học sinh lớp 12 để các em hiểu về nhu cầu lao động và những chính sách đặc biệt ưu tiên của tỉnh khi các em học ở trường ĐH và sau khi tốt nghiệp ra trường.

Phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn 2016-2020, ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: duy trì chương trình GDMN mới; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phân luồng sau THCS; tăng quy mô THPT hợp lý ở những nơi có đủ điều kiện; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa GD phổ thông; củng cố và phát triển trường THPT ngoài công lập; ứng dụng mạnh mẽ CNTT và các thành tựu khác của khoa học và công nghệ; đẩy mạnh học 2 buổi/ngày ở TH và THCS, tiến tới mở rộng sang THPT; củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập GDTH, THCS bền vững, thực hiện phổ cập THPT; tiếp tục đầu tư cơ sở vật, tăng tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học; tăng tỷ lệ học sinh vào học ở các trường dạy nghề, CĐ và ĐH; chú ý phát triển GD cho các đối tượng thiệt thòi, khuyết tật, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, CĐ và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

NGƯT.TS Nguyễn Thanh Giang
(Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Hai trường THPT nằm trong top 100 trường tốt nhất nước

Đó là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Vũng Tàu. Đây là hai điểm sáng không chỉ trong tỉnh mà còn nằm trong top 100 trường THPT nổi tiếng cả nước.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại Lễ tổng kết năm học 2015-2016 (thầy Lê Quốc Hùng - Hiệu trưởng nhà trường đứng giữa). Anh: Q.Huy
Ông Nguyễn Tuấn Minh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, ngoài cùng bên phải) trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Ban Giám hiệu Trường THPT Vũng Tàu nhân dịp trường kỷ niệm 60 năm thành lập. Ảnh: Q.Huy

NGƯT Vũ Thế Điệp (Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu) cho biết: “Từ khi thành lập (1954), trường luôn chiếm trọn lòng yêu mến, tin tưởng của phụ huynh học sinh và các cấp chính quyền. Vì trường đã góp phần GD-ĐT ra rất nhiều lớp thanh niên có đạo đức, tri thức để gánh vác và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Hiện nay, rất nhiều cán bộ chủ chốt của TP.Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng là học sinh của mái trường thân yêu này. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp hơn 60 năm qua, 5 năm gần đây, thầy và trò nhà trường không ngừng phấn đấu vươn lên thi đua dạy tốt-học tốt. Đến nay, trường đã được công nhận “Trường chuẩn quốc gia” và là đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Công tác chuyên môn dạy học được quan tâm hàng đầu; tổ chức các hội thảo và dạy minh họa về giảm tải; về đổi mới kiểm tra đánh giá; thực hiện dạy học bằng tiếng Anh ở một số bộ môn khoa học về tự nhiên. Hàng năm 100% học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực loại khá - giỏi đạt trên 90%. Học sinh khối 12 đậu tốt nghiệp 100%, có học sinh đạt thủ khoa hoặc á khoa các trường ĐH, CĐ của khu vực phía Nam...

Từ những thành tích đó, nhà trường và rất nhiều thầy cô giáo đã vinh dự được nhận các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ GD-ĐT cũng như của tỉnh. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường (1954-2014), Trường THPT Vũng Tàu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

Quang Huy