Thứ tư, 23/6/2010, 08h06

Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM 2010: Chất lượng đi vào chiều sâu

Học sinh đến với Ngày hội giáo dục nghề nghiệp do Báo Giáo Dục tổ chức năm 2010

Sáng mai (24-6), tại Nhà Thi đấu TDTT Phú Thọ (Q.11), những người quan tâm đến chất lượng giáo dục tại TP.HCM sẽ bắt đầu tham gia Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM 2010 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Quy mô lớn
Cùng diễn ra tại một quảng trường lớn, thế nhưng so với lần thứ nhất vào năm 2009, ngày hội năm nay có vẻ “chật hẹp” hơn bởi số lượng gian hàng và các đơn vị tham gia đông đảo. Đến thời điểm này, Ban tổ chức cho biết đã có gần 70 doanh nghiệp, trường học với hơn 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và cung ứng thiết bị trường học đăng ký. Đặc biệt, tại ngày hội còn có sự tham gia của trên 30 đơn vị sở giáo dục trong cả nước và nhiều cơ quan giáo dục trực thuộc đến từ các lãnh sự quán Singapore, Canada, Malaysia…
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, trên tinh thần TP.HCM đang phấn đấu có nền giáo dục phát triển, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thế giới vào năm 2020, Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM đã thu hút sự quan tâm của những cá nhân có xu hướng đổi mới, hoàn thiện chất lượng giáo dục. Tạo điều kiện “lên tiếng” cũng như mở rộng thị trường, quảng bá và xây dựng mối quan hệ rộng rãi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục thông qua các diễn đàn đổi mới giáo dục, định hướng chiến lược phát triển GD-ĐT nước nhà nói chung, TP.HCM nói riêng trong những năm tiếp theo.
Trước thềm năm học mới, ngoài việc được giới thiệu, tạo điều kiện mua sắm sách, trang thiết bị dạy học cho năm học mới 2010-2011, phụ huynh và học sinh còn được trao đổi trực tiếp với nhiều chuyên gia giáo dục về việc chọn trường, chọn nghề… Đồng thời, tham gia ngày hội, các em sẽ được giải đáp những thắc mắc tâm lý, vấn đề vướng mắc trong thế giới học đường và giao lưu văn nghệ với những ca sĩ xuất thân từ trường học trong thành phố. Ngày hội còn có chương trình “Chung tay vì sự nghiệp giáo dục” diễn ra tại Nhà hát Quân đội được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 nhằm tri ân những đơn vị, cá nhân đã cùng với ngành giáo dục đào tạo chung tay, góp sức. Và một điểm mới nữa so với ngày hội lần thứ nhất, ngày hội năm nay sẽ có phần giới thiệu hoạt động, phát triển của hơn 30 đơn vị sở GD-ĐT tỉnh bạn nhằm trao đổi, chia sẻ những vấn đề về đổi mới sự nghiệp giáo dục, liên kết đào tạo. Bên cạnh đó, các yêu cầu, điều kiện về đầu tư cũng được các sở nêu ra để các nhà đầu tư quan tâm, cung ứng thông qua diễn đàn Định hướng phát triển giáo dục TP.HCM đến năm 2020, liên kết giáo dục và đào tạo giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, giới thiệu một số mô hình trường quốc tế, cơ hội đầu tư và phát triển giáo dục tại đồng bằng sông Cửu Long…
Tổ chức hội thảo nhiều chuyên đề
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh chia sẻ: “Tại ngày hội lần trước, nhiều vấn đề giáo dục đưa ra vẫn còn chung chung, tổng quát. Năm nay, chúng tôi sẽ đi sâu theo từng chuyên đề riêng biệt với từng ngành học, bậc học nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kỹ của phụ huynh và học sinh”. Theo đó, ngày hội sẽ có các chuyên đề như Ngày hội giáo dục mầm non: những vấn đề cơ bản về đổi mới trang thiết bị, dùng nguyên vật liệu tái sử dụng làm đồ dùng dạy học và đồ chơi kích thích tính tích cực tạo môi trường ấm cúng thân thiện cho trẻ, giáo dục âm nhạc với giáo dục mầm non… Chuyên đề Ngày hội giáo dục tiểu học bao gồm đổi mới giáo dục tiểu học đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, dạy học theo hướng cá thể, xây dựng mô hình trường tiểu học tiên tiến, hiện đại… Ngày hội giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên đi sâu các điển hình tiên tiến về chất lượng dạy - học. Cuối cùng, ngày hội giáo dục chuyên nghiệp nêu vấn đề thực trạng - giải pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS-THPT tại TP.HCM…
Bên cạnh những hoạt động trên, ngày hội còn có diễn đàn Thư viện là trái tim của nhà trường với phần trình bày của tiến sĩ Huỳnh Công Minh: tầm nhìn mới về hoạt động của thư viện, tiến sĩ Giản Tư Trung qua phần cần định nghĩa lại thư viện. Từ đó nhấn mạnh ý nghĩa của việc đọc sách cũng như khắc phục tình trạng văn hóa đọc đang ngày càng bỏ ngỏ của học sinh.
Tuyết Dân