Thứ tư, 11/1/2012, 15h01

Ngày Tết, cẩn trọng khi ăn uống

Nên cẩn trọng việc ăn uống trong những ngày Tết để tránh bị ngộ độc. Anh: T.LÊ

Trong không khí đoàn viên, vui tươi ngày Tết của mọi gia đình, không thể thiếu bữa ăn ngon với các món ăn cổ truyền. Tuy nhiên, cần có một chế độ ăn uống phù hợp để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết.
“Ăn Tết” nhưng phải đề phòng
Với thuật ngữ “ăn Tết” nên hầu như nhiều người đều bận rộn công việc mua sắm các loại thực phẩm sử dụng trong các ngày Tết và dự trữ cho những ngày sau Tết khi chợ búa, hàng quán chưa mở cửa sinh hoạt. Các loại bánh chưng, bánh tét, bánh ngọt, trái cây, rau quả, mứt, kẹo, các loại hạt khô, rượu, bia, nem, chả, tré, thịt nguội, thịt đông lạnh, thức ăn thủy hải sản... được dự trữ khá dồi dào và phong phú tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Do điều kiện bảo quản thực phẩm trong nhiều ngày có thể không tốt nên nguy cơ bị ngộ độc thức ăn, thức uống không bảo đảm an toàn vệ sinh, đặc biệt các loại thực phẩm đã chế biến sẵn là điều không thể tránh khỏi. ThS.BS Đình Thạc, chuyên viên tham vấn Nhi khoa - BV Nhi đồng I  TP.HCM cho biết: “Thức ăn ngày Tết rất phong phú nên cần có cách ăn uống phù hợp. Chẳng hạn ăn bánh chưng, bánh tét phải kèm theo dưa hành bởi các loại bánh này rất giàu năng lượng. Do đó, ở người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng nhiều hai loại bánh này. Các loại giò lụa, giò thủ… cũng hay được dự trữ trong tủ lạnh vào dịp Tết, cung cấp chủ yếu chất đạm cho bữa ăn, riêng với giò thủ thì thành phần chất béo cao hơn, chủ yếu là axit béo no bão hòa nên cũng tránh dùng cho những người có vấn đề về huyết áp, tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa mỡ. Các loại thức ăn khô như tôm khô, lạp xưởng, bò khô nhìn chung đều khá mặn, một số quá béo nên cũng không tốt cho người cần kiêng muối và mỡ. Rượu, bia và thức ăn thừa đạm, chất béo, ngọt khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị tiêu chảy nặng, ngộ độc. Vì thế, đối với những người đang mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp… cần cẩn trọng và tuân thủ khẩu phần ăn thường ngày”.
Đối với tủ lạnh trong những ngày Tết không nên chứa quá đầy thức ăn. Nên gia tăng việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sau khi đã mở bao bì. Nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, nên điều chỉnh thấp nhiệt độ, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh. Những ngày sau Tết, cũng có thể bị ngộ độc do sử dụng thức ăn đã dự trữ quá lâu từ trong Tết. Vì vậy, không nên dùng thức ăn “tồn kho” sau Tết nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh. Đã có nhiều vụ ngộ độc thức ăn xảy ra tại gia đình do sử dụng các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn đã được dự trữ từ những ngày trước Tết.
Cách xử trí tại nhà khi bị ngộ độc thực phẩm
BS. Đình Thạc cho biết: “Khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, nên ngưng ngay những thức ăn bị nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có cảm giác hơi mệt mỏi, nôn ói và đi ngoài dưới 5 lần, mạch huyết áp bình thường thì có thể chăm sóc tại nhà.  Chú ý cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, đảm bảo thức ăn vừa được chế biến và an toàn tuyệt đối. Thêm vào đó là cho bệnh nhân uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất, nhất là các loại nước uống giàu vitamin. Nếu sau hai ngày, các dấu hiệu ngộ độc thuyên giảm thì tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà. Còn người bị ngộ độc có biểu hiện mệt mỏi nhiều, choáng váng, nôn ói và đi ngoài liên tục hoặc biểu hiện trụy mạch thì phải đưa ngay đến bệnh viện. Người già, trẻ em rất dễ bị ngộ độc nhanh và nặng. Do vậy khi sơ cứu, nếu bệnh nhân nôn ói nhiều nên đặt bệnh nhân ở tư  thế đầu cao và nghiêng sang một bên để tránh hít sặc chất nôn, ói vào đường hô hấp. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm nôn ói và cầm tiêu chảy vì sẽ giữ độc tố lại cơ thể làm bệnh trầm trọng hơn. Khi đưa về chăm sóc tại nhà, nên chú ý cho người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ thức ăn mềm, dễ tiêu…”.
Như vậy, biết cách chọn thực phẩm, kết hợp với việc ăn uống điều độ cũng là cách mang lại sức khỏe cho bạn trong những ngày xuân.
PHỤNG DIỄM