Thứ hai, 9/1/2012, 16h01

Ngày Tết: Trẻ dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa

Ngày Tết, phụ huynh cần tăng cường rau - củ - quả trong khẩu phần ăn của trẻ. Ảnh: H.Triều

Ngày Tết, chế độ ăn cho trẻ thường bị thay đổi. Trẻ nhỏ không được cho ăn đúng bữa, lượng nước cung cấp không đầy đủ. Trong khi đó, trẻ lớn có thể ăn quá nhiều do ít bị kiểm soát... Những thay đổi này dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa (RLTH).
Triệu chứng của RLTH
Triệu chứng của RLTH ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn than đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón hay tiêu chảy. Biểu hiện cụ thể như sau: Đau bụng: Đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo. Đau chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Các cơn đau này gây khó chịu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tổng trạng của bé.Vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc; chán ăn: Trẻ ăn ít hoặc không chịu ăn. Mỗi bữa ăn hay cữ bú thường kéo dài hơn so với bình thường; đầy bụng: Cảm giác no khi ăn một lượng thức ăn ít hơn so với lứa tuổi, làm trẻ không muốn ăn tiếp tục; chướng bụng: Bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị. Khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang. Triệu chứng đầy bụng và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa.
Tiêu chảy cũng là một triệu chứng khi trẻ bị RLTH. Khi trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày có nghĩa là trẻ đã mắc bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và tử vong. Do vậy, cần chú ý bù nước cho trẻ. Tốt nhất là sử dụng viên hoặc gói bù nước có bán tại các nhà thuốc mà dân gian thường gọi là nước biển khô. Các bậc phụ huynh cần chú ý là phải pha cả gói hoặc viên với nước theo tỷ lệ được ghi trên bao bì. Đối với trẻ chưa có biểu hiện mất nước chỉ cần bù dịch sau mỗi lần trẻ đi tiêu lỏng với số lượng bằng lượng phân của trẻ đi ra (ước chừng 10ml cho mỗi ký lô cân nặng). Nếu trẻ có biểu hiện mất nước (kích thích hoặc li bì, uống nước háo hức hoặc không uống được, đi tiểu ít, mắt trũng, môi khô) hoặc đi tiêu ra máu thì cần bù nước và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhà để được xử trí kịp thời. Sau khi được bù nước trẻ có thể quay lại chế độ ăn như trước khi bị tiêu chảy.
Tiêu chảy cấp thường hết sau 5-7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, các trường hợp này cần đến khám tại cơ sở y tế. Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa Rotavirus, tác nhân chủ yếu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Phòng ngừa RLTH cho trẻ
Để tránh cho trẻ bị RLTH trong dịp Tết, các bậc phụ huynh phải chú ý: Duy trì chế độ ăn của trẻ gần với ngày thường. Trước Tết, chúng ta nên dự trữ rau xanh, các loại củ quả, trái cây. Thức ăn nên chế biến đơn giản, không quá cầu kỳ, không nên cho nhiều gia vị và phải phù hợp với khẩu vị của trẻ. Phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh lạm dụng các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng. Nên tăng cường trong bữa ăn rau xanh, các loại thủy hải sản thay vì chỉ sử dụng thịt để chế biến. Thời tiết ngày Tết ở Nam bộ thường nắng nóng dễ làm trẻ mất nước. Vì vậy việc cho trẻ uống nước thường xuyên là hết sức cần thiết.  Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.
BS.CK1 Nguyễn Quang Vinh
(Bệnh viện Nhi đồng II - TP.HCM)