Thứ năm, 4/7/2013, 00h07

Ngày thi đầu tiên: Thí sinh than đề khó

Thí sinh làm bài thi môn toán tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: M.Tâm
Ngày 4-7, có 650.420 thí sinh (TS) trên cả nước đã thi hai môn đầu tiên là toán và vật lý của đợt 1, kỳ thi ĐH-CĐ 2013. Theo đánh giá chung của TS cũng như giáo viên chuyên môn, đề thi hai môn toán, lý năm nay hơi khó dù cấu trúc không có thay đổi và nội dung hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa.
Cụm Hà Nội: Phần lớn TS làm bài không đạt
TS Lê Văn Trung, dự thi Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết: “Đề thi gồm 9 câu với những phần nhỏ, lẻ nên em phải tập trung hết sức thì mới vừa đủ thời gian làm bài. Đề ra theo chương trình sách giáo khoa, gồm 2 phần chung và riêng, có tính phân loại trình độ của TS cao. Trong phần riêng chia làm 2 loại: Theo chương trình chuẩn và nâng cao.
TS Vũ Thị Giang (Nam Định), dự thi vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, đề thi năm nay tương đối khó, kiến thức rộng và tương đối dài nên em chỉ làm được 50% bài thi. Vì vậy, TS này hy vọng ở những môn thi tiếp theo sẽ làm tốt và đạt điểm cao hơn.
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đúng 10 giờ 15, TS đầu tiên bước ra khỏi phòng thi. Phần đông TS dự thi khối A1 cho rằng đề toán năm nay khó, nhiều em không làm hết được tất cả các câu hỏi.
Tâm trạng không vui, TS Trương Thị Hạnh (Thanh Hóa) cho biết em dự thi khối A1, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. “Đề toán năm nay khó hơn so với khả năng của em, em đã bỏ hai ý nhỏ vì quá khó. Trong đó, có một ý của câu 1 về khảo sát hàm số, phần này nằm ở kiến thức lớp 11, nên chúng em thường chủ quan”.
TS Nguyễn Thị Huyền, thi khối A1, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng không làm hết tất cả các câu hỏi. Huyền cho biết: “Kết thúc 180 phút nhưng em chỉ làm được khoảng 70%. May mắn thì được 5-6 điểm thôi”.
Tại điểm thi Trường Trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội của ĐH Công nghiệp Hà Nội, giám thị đã phát hiện một TS chép công thức toán học lên tay và người. Theo thông tin từ trường, sau thời gian làm bài khoảng 1 giờ, cán bộ coi thi đã phát hiện ra TS này có biểu hiện bất thường, khi kiểm tra thì thấy trên cánh tay và người của em chép đầy công thức toán. Ngay lập tức cán bộ coi thi báo với điểm trưởng và dưới sự chứng kiến, xác nhận của các TS trong phòng thi, HĐT đã lập biên bản đình chỉ thi. Ngoài ra trường còn đình chỉ thi 1 trường hợp quay cóp tài liệu. Cũng trong buổi thi môn toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đình chỉ 1 TS do mang điện thoại vào phòng thi. Học viện Ngân hàng cũng phát hiện và đình chỉ 1 trường hợp với lý do tương tự.
Cụm TP.HCM: Để đạt được điểm cao là rất khó

Những TS làm bài không được nên ra sớm tại cụm thi Đà Nẵng
Kết thúc ngày thi đầu tiên, phần lớn TS tại TP.HCM nhận định đề thi môn toán và vật lý năm nay có độ phân hóa cao, có những câu cực khó, chỉ những TS thật sự giỏi mới “rinh” được điểm tuyệt đối.
Ngay sau khi kết thúc môn toán, hầu hết TS đều lộ vẻ băn khoăn vì “vướng” phải một số câu rất khó. Đặc biệt, một số phần thi nằm trong chương trình lớp 10 và 11, khiến TS khá vất vả để… nhớ.
TS Nguyễn Thanh Duy (quê Tây Ninh, thi vào Khoa Công nghệ cơ khí ô tô ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) có điểm tổng kết môn toán năm lớp 12 trên 8 phẩy nhưng chỉ làm được 60% câu hỏi. Thanh Duy nói: “Đề thi có một số câu ở phần đại số phải có kiến thức từ lớp 10, lớp 11 như câu 3 liên quan đến kiến thức về giải hệ phương trình, câu 6 về bất đẳng thức. Những câu còn lại tuy không khó nhưng nếu không đọc kỹ đề, không có kiến thức tổng quát thì khó giành được điểm trọn vẹn”.
TS Mai Xuân Hiểu (TP.HCM), thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) có điểm tổng kết môn toán lớp 12 là 9,2 điểm cũng tiếc nuối: “So với kỳ tuyển sinh năm học trước, đề thi môn toán năm nay dễ hơn nhưng em vẫn để tuột mất một vài điểm ở câu 6. Câu này đòi hỏi TS phải có độ tư duy cao mới làm được. Hầu hết các TS cùng phòng thi với em đều bỏ trống câu hỏi này”.
Còn nhóm TS gồm Nguyễn Thanh Nam, Nguyễn Hồng Thịnh, Trần Thị Thanh Trang (quê ở huyện Cưmgar, tỉnh Đắk Lắk cùng thi vào ĐH Kinh tế - Luật - ĐH Quốc gia TP.HCM) lại tiếc nuối: “Đề thi không quá khó nhưng có nhiều câu đòi hỏi các kiến thức cũ, chúng em dễ quên nên chỉ làm được 60-70% câu hỏi”.
Giống như môn toán, đề thi môn vật lý cũng có những câu rất khó khiến TS phân vân. Em Trần Trung Nam (ở TP.HCM, thi vào ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Các câu hỏi có nội dung nằm trong chương trình lớp 12. Với đề thi này, những TS có học lực loại khá giỏi có thể làm được 6 đến 8 điểm, điểm 10 rất khó bởi mặc dù đề có phần “dễ thở” hơn môn toán nhưng có một số câu hỏi nhỏ cực kỳ khó. Đề có 50 câu, theo em thấy thì có 20 câu dễ, 25 câu tương đối khó và 5 câu còn lại là cực khó, đặc biệt là những câu hỏi về phần điện”. TS Huỳnh Thanh Phương (ở Tiền Giang, cũng thi vào ĐH Kinh tế TP.HCM) có điểm tổng kết môn vật lý năm lớp 12 trên 8 phẩy  cũng cho rằng: “Đề có những câu cực kỳ khó, phải làm qua nhiều bước mới ra kết quả. Em làm được 40 câu trọn vẹn, 10 câu còn lại chủ yếu là suy luận nhưng chưa chắc chắn đúng”.
Dù đã được liên tục nhắc nhở, ngày thi đầu tiên của kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, nhiều TS vẫn bị đình chỉ vì lỗi… mang theo điện thoại. Ngoài ra, còn có TS lẻn ra khỏi phòng thi sớm, dán tài liệu vào máy tính…

Thí sinh thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lo lắng khi làm bài thi môn toán không được.  Ảnh: A.Khôi
Đơn cử như ở môn toán, tại điểm thi Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, 1 TS bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi. Cũng bị đình chỉ ở lỗi này, Trường ĐH Tài chính Marketing có 2 TS, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có 2 TS, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM có 3 TS, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM 3 TS...
Bên cạnh đó, tại phía Nam, nhiều TS còn bị “tiễn sớm” khỏi trường thi vì những lý do hết sức… ngô nghê như ra khỏi phòng thi trước thời gian quy định.
Đặc biệt, kỳ thi năm nay xuất hiện nhiều trường hợp gian lận tinh vi. Trường ĐH Tây Đô đình chỉ 1 TS mang tài liệu vào phòng thi bằng cách dán công thức lượng giác vào máy tính.
Trong thời gian thi, tại HĐT Trường ĐH Quy Nhơn có 1 TS đi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. TS này xin phép nộp bài sớm để đi đến bệnh viện. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng có 1 TS làm bài 45 phút môn toán thì phải đi cấp cứu vì có tiền sử bệnh tim. Điều lạ là cũng tại HĐT Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, 1 TS “lọt” vào khu vực thi nhưng không khai rõ danh tính, không giấy tờ tùy thân và đã “được” giữ lại đến hết 2/3 thời gian làm bài. Tại ĐH Sài Gòn có 1 TS bị nghi thi hộ, sau khi được công an nhận diện và xác định “chính chủ” đã tiếp tục được dự thi. ThS. Mỵ Giang Sơn (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn) cho biết, trong buổi thi đầu tiên tại trường có 2 TS đến trễ. Trong đó, một em đến trễ dưới 15 phút được tiếp tục dự thi, em còn lại trễ 20 phút, được trường bố trí thi tại phòng riêng. Nhưng theo ThS. Sơn, TS này mất quyền dự thi tại các môn còn lại.           
HĐT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS Huỳnh Minh Hiếu (dự thi khối A quê ở Tây Ninh) bị gãy chân do tai nạn xe trước đó, được sinh viên tình nguyện đưa vào tận phòng thi.
Cụm Đà Nẵng: Đình chỉ nhiều TS
Khoảng hơn 2/3 thời gian, tại nhiều điểm thi đã có lác đác TS ra sớm. Theo các TS đề toán năm nay tương đương so với năm trước. Tuy nhiên đề thi có 2 câu phân hóa trình độ TS khá hóc búa. Đa phần TS khi được hỏi đều lắc đầu. TS Nguyễn Văn Hoàn (thi tại HĐT Trường ĐHKT Đà Nẵng) cho biết: “Em làm được khoảng 70%. Trong đề thi có hai câu gồm giải hệ phương trình và tìm giá trị nhỏ nhất của bất đẳng thức quá khó nên em bỏ trống”. Còn TS Trần Thị Lý (HĐT THCS Kim Đồng) thì cho rằng: “Em vừa học xong CĐ, năm nay dự thi để liên thông. Đề toán có nhiều câu khó, bọn em ít có thời gian học hơn các em vừa tốt nghiệp nên chỉ đạt khoảng 40%”.
Ở môn vật lý, nhiều TS than đề thi khó. Đến phút cuối cùng khi tiếng kẻng cất lên báo hiệu hết giờ, cổng trường thi vẫn đóng cửa im ỉm, không hề có TS nào ra sớm. TS Lê Thị Phương Dung (đến từ Đắk Lắk) cho biết: “Đề lý năm nay khó và dài. Đặc biệt có nhiều câu quá khó. Em chỉ làm được khoảng 50%, số còn lại đánh may rủi”. Còn TS Ngô Thị Hòa (Quảng Bình), dự thi vào Trường ĐHKT Đà Nẵng - TS này bị tai nạn rạn tay phải trước ngày thi - cho biết: “Hai môn thi buổi sáng em làm bài được hơn buổi chiều. Môn vật lý quá khó. Tay em lại đau nên việc làm bài bị ảnh hưởng”.
Theo Hội đồng tuyển sinh, mặc dù các cán bộ coi thi đã dặn dò kỹ lưỡng trong ngày đầu làm thủ tục về các quy chế thi nhưng ngay trong buổi thi đầu tiên tại Đà Nẵng đã có 10 trường hợp bị đình chỉ thi, trong đó có 9 TS bị đình chỉ do mang và sử dụng điện thoại di động trong phòng thi, 1 TS sử dụng tài liệu. Được biết, các trường hợp TS bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi phần lớn là TS thi liên thông từ CĐ lên ĐH. Do không chắc chắn sẽ làm bài được nên TS đã cố ý làm trái quy chế.
Cụm Cần Thơ: Hơn 6.600 hồ sơ ảo
Theo Bộ GD-ĐT thì ngày thi thứ nhất số TS đến dự thi là 650.420. Các vi phạm quy chế  tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Trong ngày thi đầu tiên, trên phạm vi cả nước, có 89 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 12; cảnh cáo: 4; đình chỉ: 73); có 5 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Theo số liệu của Hội động coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ, trong buổi thi toán, tổng số TS dự thi toàn cụm là 38.480, tỷ lệ 85,2%, trong đó TS của Trường ĐH Cần Thơ là 31.540, tỷ lệ 85,5%. Còn lại là TS thi vào các trường ĐH và học viện tại TP.HCM. Như vậy dù TS nộp ít hồ sơ nhưng vẫn có hơn 6.600 hồ sơ ảo.
Trong ngày thi đầu tiên, có một số TS để quên giấy báo thi, chủ tịch HĐT đã cho các em lăn tay, làm thủ tục hành chính sau đó cho tham gia thi. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Chủ tịch HĐT liên trường cụm thi Cần Thơ, cho biết: Trong ngày thi đầu tiên chưa có TS nào mang các thiết bị lạ vào phòng thi.
Đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đến kiểm tra một số HĐT, trong đó đoàn đặc biệt quan tâm số HĐT đặt tại trường tiểu học. Sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra đánh giá các trường tiểu học không ảnh hưởng nhiều đến công tác thi; mỗi phòng thi có 40 TS, khoảng cách giữa các TS đảm bảo.
Trong buổi thi môn toán, tại nhiều HĐT, một số TS ra về sau 2/3 giờ. Hầu hết các em cho biết: Đề thi khó nên làm khoảng gần 50% đề thì không thể làm được nữa nên ra về sớm. TS Nguyễn Kim Nhiệt (HĐT Trường THCS Lương Thế Vinh), thật thà: “Đề không khó hơn năm trước nhưng em chỉ làm được khoảng 40%”. Nhiều TS khác cũng cho biết: Đề không dài nhưng có tính phân loại cao. TS Thạch Pé Nha, dân tộc Khmer, học sinh Trường THPT Cầu Kè, Trà Vinh, bộc bạch: “Đề  yêu cầu tính toán nhiều. Em làm được gần 50% đề thi. Khó nhất là câu 3 về giải hệ phương trình và câu 6 về bất đẳng thức. Trong phòng em đa số các bạn chỉ làm được một tờ giấy”.
Buổi chiều thi trắc nghiệm môn vật lý. Do ảnh hưởng mưa bão, một số TS đến trễ nhưng không trường hợp nào đến sau khi đã mở đề. Nhiều TS cho biết: Đề thi có độ khó như kỳ thi tuyển sinh năm ngoái nhưng nếu sức học khá, ôn tập tốt, không học tủ thì có thể đạt 5 điểm. TS Trần Thanh Quý (HĐT THPT Châu Văn Liêm), nhận xét: “Em làm được khoảng 70%. Theo em, để làm tốt đề thi, học sinh phải thường xuyên giải các bài tập cần tính toán nhiều và có tính ứng dụng”.
Kết thúc ngày thi thứ nhất, cụm thi Cần Thơ có 3 TS bị đình chỉ, trong đó 2 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi và 1 trường hợp khi thi môn toán, TS tự ý bỏ ra phòng thi. Giám thị đưa TS này xuống phòng hội đồng, đến 2/3 thời gian thi thì cho em ra ngoài. Ngoài ra có 1 TS bị tai nạn giao thông trước kỳ thi, gãy chân phải, phải bó bột. TS đã đến HĐT THCS Lương Thế Vinh làm thủ tục nhưng sau đó bỏ thi.
Nhóm P.V
 
Bộ GD-ĐT mở đường dây nóng nhận phản ánh tiêu cực thi
Với mong muốn nhanh chóng tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác tổ chức thi để nắm bắt tình hình, kịp thời có sự chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục mở đường dây nóng.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã cung cấp đường dây nóng tới các cơ quan thông tấn qua số điện thoại và email: pvluan@moet.edu.vn, với mong muốn nhanh chóng tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác tổ chức thi để nắm bắt tình hình, kịp thời có sự chỉ đạo.
Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lần này, qua đường dây nóng nêu trên, Bộ trưởng cũng mong muốn được tiếp nhận các thông tin góp phần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng công bố đường dây nóng trực thi trong suốt kỳ thi tuyển sinh năm nay qua các số điện thoại: 0438682136, 0989538415.
H.Hạnh
 
Đề có tính phân loại tốt
Cấu trúc đề thi năm nay không khác năm trước. Chủ yếu đề nằm trong chương trình phổ thông, có tính phân loại tốt. TS có học lực trung bình có thể làm được các câu 1a; 2; 4; 5; 8a; 8b; 9a; 9b. Riêng các câu 3; 7a; 7b dành phân loại TS khá giỏi. Câu 6 dành cho TS giỏi. Với đề thi này, TS trung bình có khả năng đạt điểm 6. Đặc biệt, số TS đạt điểm 10 năm nay có thể sẽ nhiều hơn năm ngoái.
Thầy Nguyễn Duy Hiếu 
(Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT chuyên 
Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Nhiều câu hỏi nằm trong chương trình lớp 10 và 11
Đề toán năm nay nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu kiến thức lớp 12. Lượng câu hỏi thuộc chương trình lớp 10 và 11 chiếm khoảng 30%. Đặc biệt, đề phân loại tốt, có những phần dễ cho TS trung bình và khá có thể “ghi điểm”. Đồng thời, những câu hay như câu 3 và 6 dành cho TS giỏi bởi yêu cầu khả năng tư duy cao. Với mức độ đề thi này, TS trung bình có thể đạt từ 3-6 điểm, khá từ 6-7 điểm và giỏi có thể đạt mức 8-9 điểm.
ThS. Trần Đăng Hùng 
(giảng viên toán Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
 
Môn lý sẽ hiếm điểm 10
Đề thi năm nay nằm hoàn toàn trong chương trình cấp 3. Vì vậy, nếu như năm ngoái TS rất khó để đạt được mức điểm từ 7 trở lên thì khả năng năm nay mức điểm 8 là hoàn toàn có thể. Trong đề có 7 câu lý thuyết và 15 câu toán rất dễ, chỉ cần áp dụng công thức là làm được. Bên cạnh đó còn 13 câu thuộc loại trung bình. Năm nay, tính phân hóa được thể hiện khá rõ trong cách ra đề. Tùy từng mã đề, có 5 câu vừa lạ vừa… khó. Chẳng hạn ở mã đề 528, những câu 12; 14; 22; 29; 30 lạ mà khó, TS không dễ làm ngay được. Vì bị “khống chế” bởi 5 câu như thế này nên khả năng sẽ rất hiếm điểm 10. Phổ điểm có thể sẽ tập trung nhiều ở mức 4; 5; 6.  TS trung bình có thể đạt mức 3-4 điểm; khá đạt 5-6 điểm; giỏi đạt 7-8 điểm.
Thầy Đồng Văn Ninh 
(Tổ trưởng Tổ vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
 
12 năm cùng con đến trường
Do bị ảnh hưởng chất độc da cam, đôi chân teo nhỏ không đi lại được nên TS Vũ Thị Hoài (quê ở xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được bố cõng đến trường thi là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ở đây, em được các sinh viên tình nguyện nhiệt tình giúp đỡ, cõng đến phòng thi rồi lại cõng về ký túc xá. Bố Hoài - ông Vũ Văn Phiên - cho biết từ năm 1973-1979 ông chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên nên nhiễm chất độc da cam. Do di chứng của bố, sinh ra, Hoài đã bị dị tật ở hai chân, không đi lại được. Suốt 12 năm con gái đến trường là cũng ngần ấy năm ông Phiên miệt mài… đi học cùng con. Con còn nhỏ thì ông cõng trên lưng, khi con lớn thì đưa đi bằng xe đạp, trường THPT xa hơn thì đi bằng xe gắn máy. Vất vả nhất là năm lớp 12, con gái học thêm, một ngày ông Phiên phải chở đi - về 8 lượt. Hiểu được những vất vả của bố, Hoài luôn nỗ lực học tập và đạt học lực khá.

Vũ Thị Hoài và bố
 
Hoài cho biết, em đã tìm hiểu và biết ngành CNTT phù hợp với điều kiện bản thân nên đã lựa chọn thi vào ngành này của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Em mơ ước sẽ trở thành một lập trình viên. Trong khi đó, ông Phiên cho biết Hoài đi thi, cả nhà lo lắm, nếu đỗ lại càng lo vì ông không thể bỏ công việc ở nhà lên Hà Nội ở cùng để chăm sóc con. Nhưng Hoài khẳng định chỉ cần bố lên ở với con nửa tháng, sau đó con sẽ sắp xếp được. Thấy con quyết tâm nên ông cũng cố cho con đi thi, mong con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm để tự lo được cho bản thân. Còn bản thân Hoài thì khẳng định đầy tự tin: Nếu không có bố, em sẽ nhờ các bạn cùng phòng ký túc xá, hoặc giả không có ai giúp thì em có thể đi bằng tay đến giảng đường cũng được. Em không ngại, không sợ.
Tại HĐT Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn có một TS khuyết tật khác là em Phạm Văn Hoàng (quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hoàng bị khuyết tật co cơ bẩm sinh nên nói năng, đi lại, vận động đều khó khăn. Đây là năm thứ 2 Hoàng đăng ký thi vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Năm 2012, Hoàng thi vào Khoa CNTT nhưng bị thiếu 1 điểm. Không đủ điểm vào ĐH, Hoàng đăng ký học hệ CĐ của trường. Năm nay, Hoàng quyết tâm “phục thù” để giành một vé vào ĐH.
Nghiêm Huê
 
Bao suất ăn trưa cho phụ huynh và TS
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 năm nay, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tạo mọi điều kiện tốt để phục vụ TS và phụ huynh. Trong lúc TS làm bài, phụ huynh được mời vào hội trường lớn có máy lạnh để nghỉ ngơi. Trường cũng chuẩn bị cho TS và phụ huynh - mỗi người một suất ăn trưa miễn phí. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có lẽ cũng là trường giữ kỷ lục vì có số TS dự thi liên thông cùng với đề thi 3 chung của Bộ GD-ĐT đông nhất với 2.069 em.
Một TS bị vỡ mạch máu não
Đó là TS Nguyễn Thị Mộng Kha (tỉnh Trà Vinh), thi vào ngành công nghệ thực phẩm (ĐH Cần Thơ). Ngày 3-7, khi đi làm thủ tục dự thi, Kha bị vỡ dị dạng mạch máu não, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ mổ cấp cứu; đến nay em đã tỉnh và được bệnh viện quan tâm chăm sóc tại Phòng Hậu phẫu. BS. Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, cho biết: “Ban giám đốc bệnh viện đã thống nhất sẽ hỗ trợ toàn bộ viện phí điều trị cho bệnh nhân Kha”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi thư cảm ơn Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên
Trước sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thư cảm ơn Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên. Trong thư, Bộ trưởng viết: Để hỗ trợ các TS, Tỉnh đội Thái Nguyên đã điều động xe quân dụng lội nước chở các em đến điểm thi làm thủ tục kịp thời. Việc làm này một lần nữa làm sâu đậm thêm hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, làm thấm đậm thêm tình đoàn kết quân dân, tạo xúc động lớn trong nhân dân cả nước và thầy trò ngành giáo dục chúng tôi.
Thay mặt ngành GD-ĐT, tôi xin trân trọng gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí, tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên và toàn quân lời cảm ơn chân thành và sâu sắc.
Đường Nguyễn Văn Bảo thành… phố đi bộ
Do số lượng TS dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đông nên Công an Q.Gò Vấp đã huy động lực lượng cảnh sát hùng hậu. Ngoài cảnh sát giao thông, còn có công an phường, bảo vệ khu phố và sinh viên tình nguyện. Trong khi đó, đường Nguyễn Văn Bảo lại quá hẹp, ngay khu đông dân cư có nhiều trường học nên thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Để khắc phục tình trạng này, Đại úy cảnh sát giao thông Bùi Văn Thi quyết định không cho xe 2 bánh và 4 bánh lưu thông trên con đường này. Chính vì thế, đường Nguyễn Văn Bảo đã trở thành… phố đi bộ. Chị Hoa - một người dân trong khu vực này - nói: Nhờ vậy mà tôi đi chợ không còn bị kẹt xe và dù đông người nhưng thật yên tĩnh vì không có tiếng xe hay tiếng còi như mấy ngày trước. 
N.Huê - Đ.Phượng - N.Quang