Thứ năm, 13/10/2016, 21h21

Nghề biên tập sách: Sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ

Sự phát triển, mở rộng của các đơn vị xuất bản đồng nghĩa với khối lượng biên tập sách và số lượng biên tập viên ngày càng tăng. Do đó, nghề biên tập sách không chỉ phù hợp với độ tuổi trung niên mà còn là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên sẽ góp phần làm thị trường sách hạn chế “sạn” (Trẻ em lựa chọn sách ở Hội sách TP.HCM 2016)

Nghề cần nhiều kinh nghiệm

Hiện nay, đội ngũ những biên tập viên ở một số nhà xuất bản có tuổi đời khá trẻ. Nhiều gương mặt biên tập viên ở lứa tuổi từ 25-30 đã xuất hiện ngày một nhiều so với trước kia, tạo nên một bức tranh nhân lực mới đầy sống động cho nghề được gọi là người “gác cửa” cho các ấn phẩm.

Cùng với sự mở rộng của các đơn vị xuất bản, có đến hàng trăm đầu sách mới được phát hành mỗi ngày tại nước ta với đủ mọi đề tài, thể loại... Do vậy, nhu cầu bổ sung, tăng cường đội ngũ biên tập viên và quản lý xuất bản cũng cao hơn trước đây. Đặc biệt, đối với khâu kiểm tra, rà soát lại chất lượng các ấn phẩm trước khi cấp phép cho đơn vị liên kết thì việc đọc, chỉnh sửa bản thảo hoàn toàn trông chờ vào đội ngũ biên tập, vào ý thức trách nhiệm, vào phẩm chất của người làm công tác biên tập.

Nhiều tác phẩm được độc giả đón nhận, đánh giá cao bởi sự chỉn chu, nghiêm túc của những người làm sách. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là một số tác phẩm chưa thật sự đáp ứng lòng mong mỏi của độc giả. Chất lượng chưa cao của những tác phẩm đó đi liền với nó là phẩm chất  biên tập viên, nguyên tắc biên tập được luận bàn và quan tâm một cách mạnh mẽ. Theo ThS. Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM, “Nghề biên tập đòi hỏi một bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn kiến thức rộng rãi, sự nhạy bén về mặt ngôn ngữ, khả năng cảm thụ tốt. Thực tế hiện nay là nhiều người làm nghề biên tập sách khá trẻ tuổi. Họ thiếu vốn kiến thức về chính trị, xã hội, khoa học và thiếu những kỹ năng làm nghề nên dẫn đến những sai sót trong quá trình biên tập sách là điều không thể tránh khỏi”.

Theo ThS. Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM, “Nghề biên tập đòi hỏi một bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn kiến thức rộng rãi, sự nhạy bén về mặt ngôn ngữ, khả năng cảm thụ tốt. Thực tế hiện nay là nhiều người làm nghề biên tập sách khá trẻ tuổi. Họ thiếu vốn kiến thức về chính trị, xã hội, khoa học và thiếu những kỹ năng làm nghề nên dẫn đến những sai sót trong quá trình biên tập sách là điều không thể tránh khỏi”.

Lâu nay, sách thiếu nhi vốn được xem là mảnh đất màu mỡ để các đơn vị xuất bản đầu tư, ngay cả khi mảng sách này không phải là thế mạnh của một số đơn vị. Dạo một vòng quanh trị trường sách thiếu nhi, không khó để bắt “lỗi” trong những cuốn sách dành cho trẻ em, đặc biệt là những cuốn sách thuộc dòng phát triển tư duy, trí tuệ. Mới đây, tiêu đề cuốn sách nguyên bản là: “Có công mài sắt có ngày nên kim” đã bị sai chính tả nghiêm trọng ngay ở trang đầu thành: “Có công mài sắt có ngày lên kim”. Việc để xuất hiện trên thị trường sách những tác phẩm có hình thức trình bày sai sót, có nội dung không phù hợp… ngoài sự cẩu thả của tác giả cũng là trách nhiệm của nhà xuất bản, cụ thể là biên tập viên - người “gác cửa” cho các ấn phẩm.

Cần nâng cao công tác đào tạo

Không thể phủ nhận ưu điểm của những biên tập viên trẻ tuổi chính là sự nhạy cảm với ngôn ngữ đương đại, ứng dụng công nghệ hiện đại, ngoại ngữ tốt... Tuy nhiên, trong nghề biên tập sách, kinh nghiệm, sự chỉn chu là một trong những yếu tố tiên quyết thì nhiều biên tập viên lại chưa thể có được. Trước sự nở rộ của người người, nhà nhà làm sách thì biên tập sách đã trở thành một nghề khá phổ biến và không quá khó, quá cao để những người trẻ vừa ra trường có thể đảm nhận công việc này. Chính vì lẽ đó đã dẫn đến những “hạt sạn” trong nhiều tác phẩm.

Hiện nay, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí - Tuyên truyền là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo biên tập viên cho công tác xuất bản (cử nhân và thạc sĩ). Trong khi đó để thỏa mãn nhu cầu của thị trường sách, các đơn vị làm sách liên tục tăng vùn vụt lượng sách và số lượng biên tập viên được tuyển chọn cũng theo nhu cầu đó mà dễ dãi hơn về chất lượng. Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, “cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in ấn, phát hành. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ biên tập viên không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của họ mà còn đặt ra trách nhiệm của người làm nghề biên tập đối với xã hội, với thị trường sách hiện nay”.

Từ đầu năm 2016, Cục Xuất bản chỉ nhận lưu chiểu với những cuốn sách được biên tập bởi các biên tập viên có chứng chỉ hành nghề. Không chỉ có biên tập viên, các giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản cũng phải có chứng chỉ này. Nếu người đứng đầu nhà xuất bản không có chứng chỉ, sách của đơn vị đó cũng không được nhận lưu chiểu. Quy định này cũng đã phần nào siết chặt hơn sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, tuyển dụng biên tập viên có phần dễ dãi trong những năm qua của nhiều đơn vị làm sách.

Bài, ảnh: Yên Hà